GIẢI ĐÁP CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH MẮT LÁC

21/10/2022

Bệnh lác (lé) là tật ở mắt thường gặp ở mọi lứa tuổi. Mắt lác không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn có thể  dẫn tới suy giảm thị lực theo thời gian. Vì vậy, có rất nhiều thắc mắc xung quanh bệnh lý này cần được giải đáp. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ trả lời 10 câu hỏi thường gặp nhất về tật lác mắt.

1. Mắt lác trông như thế nào?

Lác mắt, hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật.

  • Mắt lệch vào trong gọi là lác trong
  • Mắt lệch ra ngoài gọi là lác ngoài
  • Mắt lệch lên trên hoặc xuống dưới gọi là lác đứng
  • Mắt lệch sang các góc khác gọi là lác chéo  

mat-lac

2. Nguyên nhân gây lác mắt

Có nhiều nguyên nhân gây ra lác mắt như:

  • Lác bẩm sinh là khi trẻ sinh ra đã thấy lác hay lác xuất hiện trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi
  • Lác thứ phát thường xảy ra ở người lớn do bệnh lý toàn thân (Basedow), tại mắt (bất đồng khúc xạ, bệnh lý đáy mắt..), chấn thương vùng đầu mặt
  • Lác do yếu tố điều tiết quy tụ, xảy ra trong độ tuổi đi học do tật khúc xạ viễn thị hay cận thị

3. Mắt lác có di truyền không?

Mắt lác (lé) là bệnh lý hay gặp ở trẻ em, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn và có thể di truyền trong gia đình, đặc biệt là lác do tật khúc xạ cận, viễn, loạn thị, nhược thị. Thông thường 2 loại lác di truyền hay gặp là lác trong và lác ngoài.

4. Mắt lác có điều trị được không?

Tùy theo từng loại lác mắt và ở từng độ tuổi sẽ có các hướng điều trị khác nhau.

Ở trẻ việc điều trị lác khá phức tạp, bao gồm chỉnh kính phù hợp, tập nhược thị (nếu có) và phẫu thuật chỉnh lác sau khi hết nhược thị, 2 mắt chuyển lác luân phiên.Ở người trưởng thành: Tiến hành phẫu thuật chỉnh lác để khắc phục vấn đề về thẩm mỹ.

Trong một vài trường hợp, điều trị không can thiệp y khoa (như đeo kính và tập luyện cho mắt) là thích hợp hơn, trong khi đối với những trường hợp khác, phẫu thuật sớm là cần thiết.

dieu-tri-lac

5. Phẫu thuật có điều trị triệt để được mắt lác không?

Phẫu thuật là phương pháp điều trị lác hiệu quả, tuy nhiên nếu lác do các bệnh lý khác gây nên thì cần phải điều trị bệnh lý gốc. Đôi khi, lác mắt có liên quan đến các vấn đề ở não hay các bệnh lý toàn thân, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để kiểm tra khám lâm sàng và các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào độ lác của mắt mà bệnh nhân có thể phải phẫu thuật 2-3 lần.

6. Phẫu thuật lác có an toàn không?

Mổ lác là phương pháp phẫu thuật nhằm điều chỉnh các cơ bám trên mắt, giúp đôi mắt cân đối, hoàn toàn không nguy hiểm. Phẫu thuật mổ lác mắt thường diễn ra an toàn, tỉ lệ thành công cao và bệnh nhân có thể ra về trong ngày mà không cần ở lại qua đêm. Sau khi phẫu thuật chỉnh lác, thị lực hai mắt vẫn được giữ nguyên.

7. Phẫu thuật mắt lác có đau không?

Phẫu thuật trên trẻ em cần phải gây mê toàn thân. Người trưởng thành chỉ cần gây tê tại chỗ. Bệnh nhân sẽ được nhỏ tê và tiêm tê nên hầu như không có cảm giác đau trong quá trình phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp phải các biểu hiện như đỏ mắt, hơi rát, sưng phù kết mạc hoặc mi mắt... các triệu chứng này sẽ hết trong một vài ngày mà không để lại di chứng.

8. Mắt lác có phổ biến ở trẻ sơ sinh không?

Hiện tượng 2 mắt không thẳng trục ở trẻ sơ sinh khá phổ biến do 2 mắt chưa hợp thị cùng nhau, không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu sau 6 tháng tuổi lác mắt vẫn tồn tại bố mẹ hãy cho trẻ đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị giúp thị lực của trẻ phát triển bình thường.

9. Mắt lác có tăng theo tuổi không?

Nhiều người cho rằng mắt lác sẽ vẫn vậy khi lớn lên, nhưng trên thực tế, lác mắt có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị. Đặc biệt, trẻ trên 6 tháng tuổi cần được khám thị lực khi mắt trẻ không nhìn thẳng mọi lúc.

10. Làm thế nào để phòng tránh lác mắt

kham-mat-dinh-ky

Để phòng ngừa bệnh lác mắt, có thể kể đến các biện pháp sau:

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mắc phải, nhất là các bệnh về mạch máu, nội tiết như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, tuyến giáp…
  • Duy trì thói quen, lối sống khoa học, đeo kính đúng số độ nếu mắc tật khúc xạ
  • Bổ sung dinh dưỡng và các vitamin tốt cho mắt trong chế độ ăn: vitamin A, Omega 3, B, C,...
  • Khám mắt định kỳ tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để tầm soát và điều trị kịp thời các bệnh lý tại mắt, tránh để gây nên lác thứ phát.