GIÁC MẠC CHÓP CÓ PHẪU THUẬT KHÚC XẠ ĐƯỢC KHÔNG?

17/08/2022

Cho đến hiện tại, thực hiện phẫu thuật là giải pháp duy nhất để điều trị triệt để tật khúc xạ (cận-viễn-loạn). Đây là các phương pháp phẫu thuật an toàn, chính xác và hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, cũng giống như bất kì các phương pháp phẫu thuật nào khác, mắt người bệnh sẽ cần đáp ứng những yêu cầu nhất định để có thể thực hiện phẫu thuật. Trong đó, yêu cầu đầu tiên để có thể thực hiện phẫu thuật cận thị là đôi mắt khỏe mạnh, không có bệnh lý gì ngoài tật khúc xạ trong giới hạn cho phép. 

Giác mạc chóp là bệnh lý có tỷ lệ người mắc khoảng 1/2000, thường bắt đầu ở độ tuổi 10 đến 25 và có nguy cơ cao ở nhóm bệnh nhân mắc tật cận thị. Vậy, đây là bệnh lý như thế nào và nếu mắc thì người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật điều trị tật khúc xạ được hay không?

Giác mạc chóp là gì? 

Giác mạc là một lớp màng trong suốt, có hình cầu và độ cong đều, đóng vai trò như một thấu kính hội tụ hình ảnh lên võng mạc giúp con người có thể nhận biết hình ảnh vật thể. Giác mạc hình chóp là tình trạng giác mạc lồi ra thành hình nón, phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới giác mạc bị giãn phình ra và tiêu mỏng.  

benh-giac-mac-chop

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của giác mạc chóp có thể gồm thị lực giảm, hình ảnh bị méo mó (đường thẳng nhìn bị cong, lượn sóng), nhạy cảm hơn với ánh sáng và mắt đỏ hoặc sưng. Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc chóp có thể khiến tầm nhìn bị biến dạng, độ cận loạn thị tăng nhanh, không thể đeo kính áp tròng do không vừa vặn hoặc không thoải mái. Nghiêm trọng hơn, giác mạc có thể phồng lên, gây giảm thị lực đột ngột hoặc gây sẹo giác mạc.

Giác mạc chóp có thể thực hiện phẫu thuật khúc xạ được không? 

Các phương pháp điều trị tật khúc xạ (cận-viễn-loạn) bằng laser có cơ chế chung là khắc phục tật khúc xạ bằng cách làm thay đổi độ cong giác mạc, qua đó làm mỏng giác mạc. Độ khúc xạ càng cao, giác mạc cần làm mỏng càng nhiều.

Vì giác mạc chóp là bệnh liên quan trực tiếp tới giác mạc, cụ thể là thay đổi độ cong giác mạc, khiến độ cận, loạn thị có thể thay đổi liên tục và khó để dự đoán được những thay đổi ở bề mặt của giác mạc. Do đó, mắt bị giác mạc chóp thường không được chỉ định phẫu thuật khúc xạ bởi hiệu quả điều trị không cao, tác dụng không lâu dài và có thể khiến bệnh giác mạc chóp trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với người bị giác mạc chóp, người bệnh sẽ cần điều trị ổn định bệnh trước tiên. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh mà bác sỹ có thể chỉ định điều trị bằng kính áp tròng cứng, gia cố giác mạc với collagen hoặc phẫu thuật ghép giác mạc. 

kham-mat-dinh-ky

Giác mạc chóp thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn khởi phát mà chỉ có thể phát hiện thông qua các kiểm tra chuyên sâu về giác mạc. Do đó, việc thăm khám mắt định kỳ là quan trọng để giúp tầm soát nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ như giảm thị lực đột ngột, nhạy cảm với ánh sáng, hình ảnh méo mó, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời để kiểm tra và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.
Hiện nay, việc khám chuyên sâu trước phẫu thuật khúc xạ sẽ giúp bệnh nhân đánh giá được tình trạng sức khỏe của mắt, giúp người bệnh nắm được các vấn đề ở mắt có thể ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật. 

Nếu vẫn còn những băn khoăn cần tháo gỡ, hãy thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản để được giải đáp và tư vấn chi tiết hơn. Đăng ký thăm khám với bác sỹ nhãn khoa tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản TẠI ĐÂY