GIA TĂNG ĐỤC THỦY TINH THỂ Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI - ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

12/03/2022

Đục thủy tinh thể vốn được biết đến là bệnh về mắt phổ biến ở người lớn tuổi và thực tế có khoảng 1/5 người trên 65 tuổi bị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, có không ít người ở độ tuổi còn rất trẻ cũng mắc phải bệnh lý này. Vậy đâu là nguyên nhân? Làm sao để chăm sóc và phòng ngừa căn bệnh này? Cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Sự phổ biến của bệnh đục thủy tinh thể

duc-thuy-tinh-the-o-nguoi-tre

 

Đục thủy tinh thể (có tên gọi khác là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, cản trở ánh sáng đến võng mạc. Đục thủy tinh thể làm cho thị lực của bệnh nhân suy giảm, tầm nhìn mờ và nếu không được điều trị có thể dẫn tới mù lòa. 
 
Trên toàn cầu, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và là nguyên nhân thứ hai gây ra thị lực kém ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và dân tộc. Trong tổng số 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực trên thế giới, có 1 tỷ người bị suy giảm thị lực mà lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Trong số 1 tỷ người bị mất thị lực có thể được ngăn ngừa, 65,2 triệu người bị mắc đục thủy tinh thể. Trong số 39 triệu (14%) người mù và 246 triệu (86%) người có thị lực kém theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2010, đục thủy tinh thể chiếm 50% nguyên nhân gây mù và 33% nguyên nhân gây thị lực kém. 

Tại sao đục thủy tinh thể ngày càng gia tăng ở người trẻ?

 

Đục thủy tinh thể thường được biết đến nhiều hơn như là một bệnh lý phổ biến và “độc quyền” ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu tính đến năm 2016 thì tỷ lệ người trẻ bị đục thủy tinh thể ở Việt Nam đã lên đến 30%. Đây là con số đáng phải lưu tâm vì vốn dĩ trước đây đục thủy tinh thể thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, hiếm khi gặp ở người trẻ tuổi.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, việc đục thủy tinh thể ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi do lối sống không khoa học cùng với việc ô nhiễm môi trường. Một số nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể ở người trẻ tuổi có thể lý giải như:

1. Lạm dụng thuốc chứa corticoid

Thuốc corticoid thuộc nhóm thuốc kháng viêm mạnh. Đây là một thành phần phổ biến trong một số loại thuốc nhỏ mắt và thuốc điều trị viêm xương khớp. Việc lạm dụng thường xuyên thuốc nhỏ mắt chứa corticoid có thể làm gia tăng nguy cơ tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh thị giác dẫn tới gây mù lòa. Do vậy, việc sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần này cần phải theo đơn chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng. 

2. Dinh dưỡng thiếu cân đối

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Nutrients (2019), hiện tượng mất cân bằng oxy hóa hay còn gọi là stress oxy (Oxidative Stress) gây ra những tác động có hại đến các protein và enzyme trong thủy tinh thể, dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể. Sự mất cân bằng giữa các gốc tự do (nguyên tử phá hủy tế bào trong cơ thể) và chất chống oxy hóa (giúp trung hòa các gốc tự do) sẽ gây ra stress oxy. 

do-an-dau-mo

Việc ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều mỡ, các chất phụ gia, đồ ăn nhanh hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Thực phẩm không lành mạnh là một nguồn gốc chính của các gốc tự do. Theo một số bác sĩ nhãn khoa, có một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể và thậm chí giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể ngay từ đầu.

3. Ô nhiễm môi trường 

Môi trường ngày càng ô nhiễm, khí thải, khói bụi, chất độc hại dày đặc trong không khí cũng là nguyên nhân làm đôi mắt nhanh già đi. Đặc biệt bức xạ mặt trời ngày càng gay gắt do sự suy thoái của tầng ozon là một trong những nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể sớm.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Phẫu thuật đục thủy tinh thể và khúc xạ Mỹ, tia cực tím trong ánh mặt trời chiếm 65% nguy cơ gây đục thủy tinh thể. Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt, cần đeo khẩu trang, kính râm.

4. Công việc tiếp xúc với ánh sáng cường độ lớn

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những ngành đặc thù tiếp xúc với ánh sáng cường độ lớn như: Hàn xì, thợ điện, cơ khí, khai thác mỏ, dầu khí, gia công kim loại,... cũng là đối tượng dễ bị đục thủy tinh thể do bức xạ ion hóa lớn. Những người làm việc trong các ngành này cần trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cũng như các nguyên tắc an toàn lao động để tránh hậu quả đáng tiếc.

Phòng ngừa đục thủy tinh thể 

 

Hiện nay chưa thực sự có cách nào để phòng ngừa đục thủy tinh thể một cách chính xác nhất, tuy nhiên việc tạo cho mình những thói quen tốt hằng ngày sẽ giúp giảm được khả năng mắc đục thủy tinh thể. 

  • Một số chất dinh dưỡng và vitamin giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể bằng cách ngăn cản chúng phát triển hoặc làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể hiện có. Vitamin A cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng, cảm thụ được màu sắc; Lutein và zeaxanthin là hai chất tập trung ở võng, giúp bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh nguy hại; Vitamin C, E chống oxy hóa, bảo vệ võng mạc, tăng cường thị lực cho mắt....
  • Bỏ thói quen hút thuốc vì hút thuốc lá có thể làm giảm nồng độ oxy trong thủy tinh thể khiến nó dần dần mất đi độ trong suốt tự nhiên và chuyển thành đục mờ
  • Bảo vệ mắt khỏi các tác động từ môi trường như đeo kính râm khi đi ra ngoài để tránh tác hại của tia UV hay sử dụng kính gọng để bảo vệ mắt khỏi khói bụi. 

deo-kinh-ram-ra-duong

  • Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu vì tổn thương mạch máu do đường huyết trong máu không ổn định có thể gây nên đục thủy tinh thể 
  • Đối với các bạn trẻ nên khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm một lần. Đối với người ở độ tuổi trên 40 nên đi kiểm tra mắt tổng quát từ 1 - 2 năm một lần.

Đục thủy tinh thể không còn là bệnh lý chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, vậy nên mỗi người đều cần biết cách tự chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình để phòng tránh được bệnh đục thủy tinh thể cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác.