ĐỤC THỦY TINH THỂ DO DÙNG THUỐC

28/11/2022

Đục thủy tinh thể là bệnh lý với các triệu chứng phổ biến như hình ảnh mờ nhòe, mắt nhạy cảm với ánh sáng, nhìn kém vào ban đêm…Ngoài ra, đục thủy tinh thể đến độ chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu. Khi đó, bệnh nhân có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như mù lòa vĩnh viễn.

Đục thủy tinh thể thường được biết đến nhiều hơn như là một bệnh lý phổ biến và “độc quyền” ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, tính đến năm 2016 thì tỷ lệ người trẻ bị đục thủy tinh thể đã lên đến 30%. Đây là con số đáng phải lưu tâm vì vốn dĩ trước đây đục thủy tinh thể thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, hiếm khi gặp ở người trẻ tuổi. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắc bệnh đục thủy tinh thể ngày càng trẻ hóa này là do việc lạm dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc uống có các thành phần có thể làm gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

duc-thuy-tinh-the

Các nhóm thuốc gây ra tác dụng làm đục thủy tinh thể khi sử dụng thời gian dài hoặc không đúng cách/đúng liều lượng

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid: Thuốc corticosteroid (hay corticoid) thuộc nhóm thuốc kháng viêm mạnh. Đây là một thành phần phổ biến trong một số loại thuốc nhỏ mắt và thuốc điều trị viêm xương khớp. Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết việc lạm dụng thường xuyên thuốc nhỏ mắt chứa corticoid có thể làm gia tăng nguy cơ tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh thị giác dẫn tới gây mù lòa. Do vậy, việc sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần này cần phải theo đơn chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng.

Nhóm thuốc chống loạn thần (Risperidon, chlorpromazine…) thường được sử dụng trong các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt… Các thuốc chống loạn thần, khi sử dụng trong một thời gian dài, thường gây ra tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Nhóm thuốc gây co đồng tử (Miotic): với các hoạt chất như Pilocarpine, (Ephinephrine: thuốc này gây giãn đồng tử)… thường được sử dụng  trong điều trị bệnh glôcôm. Nhóm thuốc này, khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ gây ra tình trạng mờ, đục thủy tinh thể.

Nhóm thuốc ức chế enzym cholinesterase (pyridostigmine, neostigmin) là những thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ. Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài, thường gây ra tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, nortriptyline, clomipramine…) thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu… Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, sẽ làm gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể khi sử dụng trong một thời gian dài.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn đưa ra lưu ý, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, người bệnh cần phải hết sức thận trọng, tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy thị lực bị giảm sút, cần đi khám mắt và nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc để có hướng xử lý kịp thời.

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

Hiện nay chưa thực sự có cách nào để phòng ngừa đục thủy tinh thể một cách chính xác nhất, tuy nhiên việc tạo cho mình những thói quen tốt hằng ngày sẽ giúp giảm được khả năng mắc đục thủy tinh thể.

  • Một số chất dinh dưỡng và vitamin giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể bằng cách ngăn cản chúng phát triển hoặc làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể hiện có. Vitamin A cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng, cảm thụ được màu sắc; Lutein và zeaxanthin là hai chất tập trung ở võng mạc, giúp bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh nguy hại; Vitamin C, E chống oxy hóa, bảo vệ võng mạc, tăng cường thị lực cho mắt....

chat-dinh-duong

  • Bỏ thói quen hút thuốc vì hút thuốc lá có thể làm giảm nồng độ oxy trong thủy tinh thể khiến nó dần dần mất đi độ trong suốt tự nhiên và chuyển thành đục mờ
  • Bảo vệ mắt khỏi các tác động từ môi trường như đeo kính râm khi đi ra ngoài để tránh tác hại của tia UV hay sử dụng kính gọng để bảo vệ mắt khỏi khói bụi.
  • Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu vì tổn thương mạch máu do đường huyết trong máu không ổn định có thể gây nên đục thủy tinh thể
  • Đối với các bạn trẻ nên khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm một lần. Đối với người ở độ tuổi trên 40 nên đi kiểm tra mắt tổng quát từ 1 - 2 năm một lần.
  • Sử dụng thuốc: đối với thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sỹ về liều lượng và thời gian sử dụng; khi có các bệnh lý việc thăm khám để nhận hướng dẫn từ bác sỹ là cần thiết, tránh việc tự ý mua và sử dụng thuốc dẫn đến việc gặp các biến chứng, tác dụng phụ không lường trước.

Đục thủy tinh thể không còn là bệnh lý chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, vậy nên mỗi người đều cần biết cách tự chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình để phòng tránh được bệnh đục thủy tinh thể cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác.