CÁC PHƯƠNG PHÁP HẠN CHẾ TĂNG ĐỘ CẬN THỊ

22/10/2019

Tật cận thị là nguyên nhân gây giảm thị lực nhiều nhất ở người trẻ tuổi hiện nay. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, đây được xem dấu hiệu đáng báo động ở nhiều nước trên thế giới. Tại Hội thảo chuyên đề về phòng chống cận thị được tổ chức tại Kojimachi, Tokyo vào tháng 9 năm 2019, các chuyên gia đến từ các bệnh viện, viện nghiên cứu và các trường đại học về nhãn khoa của nhiều nước như Nhật Bản, Úc, Pháp, Mỹ… đã cùng bàn luận về thực trạng tật cận thị, nguyên nhân và các thức để phòng ngừa cận thị và hạn chế gia tăng độ cận

Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, tia sáng hội tụ ở trước võng mạc thay vì phải hội tụ tại đúng võng mạc, điều này khiến cho người bị cận thị chỉ có thể nhìn được những vật ở gần mà không nhìn rõ những vật ở xa. Để cải thiện thị lực, người cận thị phải sử dụng kính gọng để tầm nhìn xa được rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cận thị không chỉ đơn thuần làm giảm thị lực mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt như gây nên các bệnh lý võng mạc do tăng độ cận nhanh. Đây chính là mối lo của những người mắc tật cận thị và là thách thức đặt ra cho các chuyên gia nhãn khoa nói chung.

cận thị

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến gia tăng độ cận thị nhanh, trong đó nguyên nhân do trục nhãn cầu dài ra vì những sự kích thích tác động lên võng mạc được các chuyên gia quan tâm:

  • Việc mắt nhìn mờ lâu khiến cho tiêu điểm nhìn được mờ, kích thích trục nhãn cầu dài ra và gia tăng độ cận thị
  • Việc mắt nhìn gần quá lâu dẫn đến thời gian tiêu điểm nằm ngoài võng mạc càng dài cũng kích thích trục nhãn cầu dài ra khiến độ cận thị tăng

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng được đánh giá là nguyên nhân gây cận thị, nếu cha mẹ bị cận thị thì nhiều khả năng con cũng có nguy cơ bị cận thị.

Một số phương pháp phòng ngừa cận thị và hạn chế gia tăng độ cận thị được chuyên gia đề xuất tại Hội thảo:

  • Nên hoạt động ngoài trời ít nhất 1-2 tiếng mỗi ngày

Để giảm tình trạng cận thị ở trẻ em, phụ huynh nên khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, học tập ngoài trời. Những công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài để mắt tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng tự nhiên và cây cối xanh tươi giúp mắt điều tiết linh hoạt ở các khoảng nhìn từ gần, trung gian đến xa, việc này có thể giảm nguy cơ bị cận thị. Bên cạnh đó, trong công việc và học tập hàng ngày chúng ta thường sử dụng thị lực nhìn gần nhiều, khiến mắt chỉ quen điều tiết nhìn gần và trung gian, do vậy đôi khi chúng ta cần nhìn ra xa, vào khoảng không gian xanh mát vừa giúp mắt thư giãn, vừa tránh mỏi điều tiết, hạn chế việc tăng độ cận đối với những người bị cận thị.

Kiểm soát độ cận

  • Đeo kính đơn tròng đúng số

Các bác sĩ khuyến cáo người bị cận thị nên đeo kính đúng số để cải thiện thị lực một cách tốt nhất có thể. Điều này giúp cho mắt cận thị nhìn xa tốt mà không phải điều tiết nhiều hoặc cố nhìn, góp phần hạn chế gia tăng độ cận. Nếu đeo kính non số, mắt sẽ phải điều tiết nhiều để nhìn xa rõ hơn, dẫn đến khả năng gia tăng độ cận cao hơn người đeo kính đúng số.

  • Sử dụng kính áp tròng đeo ban đêm ortho-K

Kính áp tròng ban đêm là phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ bằng kính tiếp xúc cứng vào ban đêm trong lúc ngủ (trung bình từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi đêm) giúp điều chỉnh tạm thời hình dạng giác mạc, làm giảm độ cận, giúp người cận thị hạn chế sự phụ thuộc kính gọng hoặc kính áp tròng mềm vào ban ngày.

Người có tật khúc xạ đeo kính áp tròng ban đêm, cùng với lực tác động của mi mắt khi nhắm mắt ngủ sẽ có tác dụng tạo khuôn nhẹ làm thay đổi độ cong của giác mạc trong một thời gian vào ban ngày.

Đây là phương pháp có khả năng khống chế được mức độ tiến triển của tật cận thị. Đeo kính áp tròng ban đêm chỉnh tật khúc xạ là phương pháp áp dụng đặc biệt cho đối tượng là trẻ em có mức độ tiến triển của tật cận thị tăng nhanh.

  • Nhỏ atropine 0.01% theo chỉ định của bác sĩ

Phương pháp sử dụng atropine 0.01% để nhỏ mắt hàng ngày thường được chỉ định áp dụng ở trẻ em cận thị trong độ tuổi từ 6-15 tuổi, có độ cận tối thiểu -0.50 Diop, với độ cận gia tăng tối thiểu -0.50 Diop trong vòng 6 tháng trước khi sử dụng thuốc. Thuốc atropin nồng độ thấp có hiệu quả làm chậm tốc độ tiến triển độ cận thị khoảng 30-50% so với trẻ em không sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc với liều lượng và thời gian cần có sự chỉ định của bác sĩ nhãn khoa, phụ huynh không nên tự ý mua và nhỏ cho trẻ, tránh việc phản tác dụng của thuốc. Trẻ từ 5 tuổi trở lên cần được khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần, nhất là với những bạn có mắc tật khúc xạ để bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách giúp hạn chế gia tăng độ cận.

  • Đeo kính gọng/kính áp tròng đa tròng phù hợp:

Đeo kính gọng/kính áp tròng đa tròng để hạn chế gia tăng độ cận cũng là một phương án được các chuyên gia nhãn khoa khuyên dùng. Loại kính đa tròng không có đường phân tách các vùng nhìn có độ khác nhau như kính hai tròng, nhưng vẫn mang tới cho người dùng tầm nhìn rõ ràng ở mọi khoảng cách mà không gây mất thẩm mỹ hay khó chịu mỗi khi thay đổi tầm nhìn. Việc đeo kính đa tròng giúp cho mắt không phải điều tiết quá nhiều mỗi khi điều chỉnh tầm nhìn, góp phần hạn chế gia tăng độ cận. Người cận thị cần được đo thị lực và thử kính một cách chính xác để đeo kính phù hợp nhất.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng các phương pháp hạn chế gia tăng độ cận thị nên được kết hợp với nhau một cách khoa học dưới sự chỉ định của bác sỹ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Việc khám mắt định kỳ tại cơ sở nhãn khoa uy tín là cần thiết để nắm bắt được tình trạng mắt và có hướng điều trị phù hợp nhằm hạn chế gia tăng độ cận thị nói riêng và bảo vệ mắt nói chung.