CÁC BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Tuổi tác cao luôn đồng hành với sự lão hóa của cơ thể. Bất cứ bộ phận nào của cơ thể cũng đều phải chịu sự lão hóa này, và mắt cũng không ngoại lệ. Ngoài 40 tuổi, quá trình lão hóa tự nhiên của mắt bắt đầu bằng sự suy giảm thị lực và xuất hiện một số triệu chứng bệnh. Các bệnh về mắt này có thể gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc có thể dẫn đến mù lòa.
Hãy cùng tìm hiểu xem những bệnh lý tại mắt nào thường gặp ở người cao tuổi để có cách chăm sóc mắt hợp lý, hạn chế bệnh khi lớn tuổi.
1. Khô mắt
Người già thường có hiện tượng thiếu hụt lượng nước mắt dẫn đến việc nhãn cầu không còn được làm ẩm gây khô mắt. Nguyên nhân là do càng cao tuổi, tuyến nước mắt càng hoạt động kém, bên cạnh đó, người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều các loại thuốc kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến mắt, khiến mắt bị khô. Bệnh khô mắt cần được điều trị sớm, để bệnh kéo dài có thể dẫn tới các viêm nhiễm về mắt.
Nếu phát hiện các dấu hiệu khô mắt như cay mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, nhức mỏi mắt….thì cần đi khám chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị hỗ trợ kịp thời như nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc tra thuốc dạng gel để giữ ẩm cho mắt.
2. Đục Thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể do tuổi già chiếm 80% số người bị đục thủy tinh thể. Khi bị bệnh, mắt sẽ dần mất thị lực trung tâm, lóa mắt khi nhìn trực tiếp vào ánh sáng. Bệnh này có thể điều trị triệt để bằng cách Phẫu thuật phaco thay thủy tinh thể nhân tạo để lấy lại thị lực.
Trong phẫu thuật thay thủy tinh thể, bác sĩ sẽ dùng sóng siêu âm tần suất cao để tán nhuyễn thủy tinh thể đục. Sau đó hút thủy tinh thể đục ra và thay thế bằng 1 thấu kính nội nhãn nhỏ, hay còn gọi là thủy tinh thể nhân tạo.
Bệnh đục thủy tinh thể không có triệu chứng rõ rệt, chỉ đến khi thị lực suy giảm nhiều người bệnh mới đi khám và được phát hiện. Bệnh đục thủy tinh thể không nguy hiểm nhưng nếu để bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hổi thị lực sau phẫu thuật, nặng hơn là thị lực có thể không khôi phục được. Vì thế cần thường xuyên khám mắt định kỳ, nhất là người trên 60 tuổi nên khám mắt 2 lần trong 1 năm tại các bệnh viện mắt uy tín để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
3. Thoái hóa hoàng điểm (điểm vàng)
Thoái hóa hoàng điểm không có triệu trứng rõ rệt, khi bệnh đã tiến triển sẽ gây giảm thị lực, tầm nhìn mờ dần, gây cảm giác đau nhức, khó chịu.
Hoàng điểm là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh thị giác nhất. Quá trình lão hóa diễn ra khiến chức năng nuôi dưỡng hoàng điểm bị làm rối loạn dẫn đến việc tạo ra các mạch máu bất thường ảnh hưởng đến tế bào thần kinh thị giác.
Thoái hóa điểm vàng có nguy cơ xảy ra với những người hút thuốc là thường xuyên cao hơn 2 -5 lần với người không hút thuốc. Ngoài ra những người bị thừa cân, huyết áp cao, tăng cholesterol, đái tháo đường cũng góp phần gây ra bệnh thoái hóa điểm vàng.
Thoái hóa điểm vàng không thể điều trị triệt để nhưng vẫn có thể điều trị bằng các tiêm nội nhãn thuốc Anti-VEGF chống tăng sinh tân mạch, nhằm duy trì thị lực và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Nếu để bệnh nặng sẽ gây mất thị lực hoàn toàn. Điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm cần một quá trình lâu dài và kiên nhẫn.
Người bệnh có nguy cơ cần đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để đề phòng hoặc phát hiện sớm bệnh.
4. Tăng nhãn áp (glaucoma)
Tăng nhãn áp hay còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống, đây là một bệnh rất nguy hiểm, gây mất thị lực và tầm nhìn nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gia tăng theo tuổi tác.
Người bị bệnh tăng nhãn áp cần thường xuyên đi khám mắt định kỳ và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ vì diễn biến bệnh glaucoma rất khó kiểm soát, khi thị lực bị mất đi do Glaucoma thì sẽ sẽ không thể lấy lại được.
Bệnh tăng nhãn áp không thể điều trị triệt để hoàn toàn, tùy mức độ nặng nhẹ và từng dạng tăng nhãn áp, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cần dùng thuốc để duy trì hoặc phải làm thủ thuật như làm laser mống mắt, hoặc phải thực hiện phẫu thuật cắt bè củng mạc, đặt van Express để hạn chế sự phát triển của bệnh và bảo vệ thị lực của mắt.
5. Võng mạc tiểu đường
Võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, khiến mao mạch ở võng mạc bị tổn thương.
Bệnh sẽ gây ra những tổn thương nặng nề ở đáy mắt như xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính,…thậm chí dẫn đến mù lòa.
Người bị bệnh võng mạc tiểu đường cần phải điều trị kiên trì theo phác đồ điều trị của bác sĩ nhãn khoa, kết hợp với điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ và khám mắt định kỳ.
Ở tuổi xế chiều, ai cũng mong muốn khỏe mạnh, mắt tinh để có thể tận hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu. Hãy kiểm tra mắt định kỳ ít nhất 3- 6 tháng 1 lần để đề phòng và phát hiện sớm các bệnh lý ở mắt người cao tuổi.