ẢNH HƯỞNG CỦA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐẾN THỊ LỰC TRẺ NHỎ
Thiết bị điện tử (TBĐT) kết nối mạng internet như smartphone, máy tính bảng, latop, tivi…đóng vai trò không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của người lớn cũng như trẻ em. Từ các hoạt động làm việc, học tập, đến giải trí, thư giãn cũng cần đến sự hỗ trợ của TBĐT. Cuộc sống ngày càng hiện đại và bận rộn hơn, cha mẹ cũng tất bật với công việc và việc nhà, ít khi dành thời gian chơi với con cái, do vậy, các loại điện thoại smartphone, máy tính bảng, tivi trở thành bạn đồng hành của trẻ em…. Dùng TBĐT đúng mục đích ở mức vừa phải sẽ hỗ trợ trẻ em tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ sự phát triển của trẻn. Tuy nhiên nếu tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số quá nhiều sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, trong đó có các vấn đề về thị lực.
Bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản chỉ ra những ảnh hưởng không tốt đến thị lực của trẻ khi sử dụng TBĐT liên tục như sau:
- Mắc hội chứng thị giác màn hình
Ánh sáng xanh (High energy visible) phát ra từ màn hình của các TBĐT rất có hại cho mắt nếu tiếp xúc trong thời gian dài mà không có biện pháp giảm trừ hay bảo vệ. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn nằm trong dải hẹp từ 400 - 450nm nằm sát vùng tia tử ngoại, là một trong những loại ánh sáng có bước sóng thấp và năng lượng cao nhất. Mắt người khi tiếp xúc với ánh sáng xanh liên tục sẽ gây nên hội chứng thị giác màn hình, khiến mắt đau nhức, mỏi, khô mắt, rối loạn điều tiết… về lâu dài sẽ khiến mắt bị suy giảm thị lực. Trẻ em chưa có ý thức về thời gian sử dụng TBĐT nên khi sử dụng lâu sẽ dẫn đến hiện tượng mờ mắt, nheo mắt khi nhìn xa, chóng mặt, đau đầu….ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị sớm, khả năng nhược thị cao
Khi sử dụng các TBĐT, trẻ thường để rất sát mắt để nhìn cho rõ, đôi khi quá tập trung, không để ý đến xung quanh. Điều này dẫn đến hiện tượng mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, khiến lực khúc xạ của mắt tăng lên, gây nên tật cận thị. Một số trẻ có tật cận, viễn, loạn thị bẩm sinh lại được tiếp xúc TBĐT sớm khiến độ khúc xạ thay đổi nhanh. Do vậy, khi cha mẹ đưa đi khám thì đã bị mắc tật khúc xạ với số độ kính tương đối cao.
Nếu tật khúc xạ ở trẻ không được phát hiện sớm và đeo kính phù hợp để cải thiện thị lực thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc tật nhược thị (hay còn gọi là bệnh mắt lười ). Nhược thị là tình trạng mắt lười điều tiết trong 1 khoảng thời gian dài, khiến cho thị lực của mắt không thể tăng hơn kể cả khi đeo kính đúng số hoặc hơn.
- Nguy cơ mắc bệnh về võng mạc
Ánh sáng xanh từ màn hình TBĐT có khả năng xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và tiếp cận tới vùng võng mạc gây ảnh hưởng tới các tế bào thụ cảm ánh sáng tại khu vực này, gây ra tổn thương trên lớp biểu mô sắc tố và làm mất dần các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc (tế bào nón, tế bào que), việc tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều sẽ làm tăng khả năng bị bệnh thoái hóa hoàng điểm sớm. Bệnh có nguy cơ làm suy giảm, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện tại các phương pháp điều trị bệnh này còn rất hạn chế, phần lớn là để làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng, ngăn chặn sự sụt giảm thị lực quá nhanh.
Dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ khiến trẻ lãng quên đi các hoạt động bổ ích khác. Do vậy cha mẹ có thể vận dụng các cách sau để tách con trẻ khỏi TBĐT:
- Hạn chế thời gian sử dụng TBĐT
Hãy giới hạn thời gian sử dụng máy tính bảng, điện thoại, tivi…., chỉ nên cho trẻ dùng TBĐT tối đa 2 tiếng mỗi ngày, giãn cách các lần sử dụng để mắt trẻ được nghỉ ngơi.
- Không nhìn màn hình trước khi đi ngủ
Theo các bác sĩ, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trước khi đi ngủ sẽ kích thích tinh thần và gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Sử dụng thiết bị điện tử trong điều kiện thiếu ánh sang vào ban đêm cũng khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn và ảnh hưởng lớn tới thị lực. Nên tắt máy tính, tivi và điện thoại ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để trẻ cảm thấy dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
- Phát triển kỹ năng và năng khiếu cho trẻ
Cho trẻ học thêm các môn học phát triển kỹ năng như học ngoại ngữ, phát triển kỹ năng giao tiếp, học võ, vẽ, múa, đàn, hát tùy theo sở thích và khả năng của trẻ là giải pháp hữu hiệu để tách trẻ khỏi các thiết bị điện tử.
- Hoạt động ngoài trời ít nhất 2h mỗi ngày
Ánh sáng tự nhiên rất tốt cho mắt trẻ, đồng thời việc nhìn xa ở không gian rộng giúp mắt của trẻ ít phải điều tiết hơn. Do vậy, phụ huynh nên dành thời gian chơi với con, cho trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như đi dạo, chạy bộ, đá bóng, đạp xe, vui chơi cùng bạn bè để trẻ được thư giãn, giao tiếp với thế giới xung quanh.
- Thăm khám mắt định kỳ.
Kiểm tra mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để đánh giá tình trạng sức khỏe của mắt trẻ sau khoảng thời gian học tập và tiếp xúc các thiết bị điện tử và có các giải pháp điều trị kịp thời nếu trẻ mắc các tật khúc xạ hay bệnh lý ở mắt.
Trẻ em ngày nay đang bị “bao vây” bởi những thiết bị công nghệ hiện đại, nếu không có sự định hướng và quản lý tốt từ cha mẹ, trẻ em sẽ mất dần đi tuổi thơ và gây nên nhiều hệ lụy về sức khỏe, trong đó có cả các vấn đề về mắt. Vì vậy, phụ huynh nên quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ một cách phù hợp, phòng tránh các bệnh về mắt cho trẻ. Và đừng quên cho trẻ đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để nắm được tình trạng mắt của con.