8 VẤN ĐỀ VỀ MẮT Ở TRẺ EM CHA MẸ KHÔNG NÊN BỎ QUA

25/07/2022

Thời thơ ấu là thời kỳ quan trọng để phát triển thị lực khỏe mạnh. Các vấn đề ở mắt của trẻ trong thời kỳ này có thể rõ ràng nhưng cũng có những dấu hiệu có thể dễ dàng bị bỏ qua. Đối với trẻ nhỏ, việc bảo vệ mắt lại nên được quan tâm ngay từ khi còn nhỏ, để đôi mắt luôn khỏe mạnh cùng trẻ phát triển. Dưới đây là 8 vấn đề về mắt ở trẻ em cha mẹ không nên bỏ qua:

Chớp/Dụi mắt 

dui-mat-tre-em

Thường xuyên chớp hoặc dụi mắt phần lớn xảy ra do kích ứng ở mắt và có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kê đơn. Tuy nhiên, chớp hay dụi mắt thường xuyên cũng có thể là một dấu hiệu của tật khúc xạ. Vậy nên nếu trẻ dụi mặt liên tục hay nhiều lần trong ngày, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được kiểm tra thị lực và phát hiện sớm tật khúc xạ (cận-viễn-loạn)

Đốm trên lòng trắng của mắt

Đốm trong mắt có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Cha mẹ cần chú ý đến màu sắc và kích thước của những vết đốm này để từ đó có thể nhận biết sớm các vấn đề ở mắt của trẻ.

  • Đốm đỏ tươi: thường được gọi là xuất huyết dưới màng kết mạc mắt. Nó có thể không gây đau, ngứa hay ảnh hưởng đến thị lực. Nguyên nhân là do một số mạch máu dưới tròng trắng mắt bị vỡ, khiến nơi đó nổi đốm đỏ và thường vô hại. 
  • Đốm xám: có thể là dấu hiệu của một tình trạng lành tính, nhưng cần được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra. Đôi khi, nó có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu.
  • Đốm nâu: thường là nốt ruồi, hoặc tàn nhang ở mắt. Bản thân những đốm nâu này không phải là vấn đề, tuy nhiên vẫn cần được bác sĩ nhãn khoa theo dõi theo thời gian để biết sự thay đổi về màu sắc hoặc kích thước.

Nếu một đốm xuất hiện sau chấn thương ở mắt, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.

Đồng tử lớn 

Đồng tử của trẻ em thường lớn hơn (giãn hơn) so với đồng tử của người lớn. Khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, đồng tử sẽ phản ứng bằng cách nhỏ lại. Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến kích thước đồng tử. Ví dụ, thuốc dùng để điều trị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) cũng như một số loại thuốc ngăn tiết mồ hôi có thể kích thích đồng tử mở rộng.

Nếu cha mẹ nhận thấy đồng tử ở một bên mắt của trẻ lớn hơn bên còn lại hoặc nếu cha mẹ lo lắng về phản ứng đồng tử của con mình, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra chuyên sâu.

Nhìn thấy các đốm, vệt đen

Những đốm, vệt đen thường trông như một con sâu hay một giọt nước trong suốt, và khi cố gắng nhìn gần hơn nó lại biến mất, và chỉ xuất hiện lại khi dời mắt đi. Hiện tượng này thường được biết tới với tên gọi “ ruồi bay trước mắt” . “Ruồi bay trước mắt" thực chất là những vẩn đục trong buồng dịch kính của mắt và thường xuất hiện nhiều ở người lớn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở trẻ em. 
 
Hiện tượng “Ruồi bay trước mắt”  phần lớn không gây nguy cơ gì cho mắt. Tuy nhiên nếu hiện tượng ruồi bay trước mặt xuất hiện nhiều kèm theo chớp sáng thì đó có thể là dấu hiệu của thoái hóa hoặc rách võng mạc. Vậy nên cha mẹ cần quan tâm và để ý tới những bất thường ở thị lực của trẻ để từ đó có thể đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa mắt kịp thời.

Khó chịu/ ngứa mắt 

Ngứa và / hoặc khó chịu ở mắt thường là tình trạng tạm thời liên quan đến dị ứng theo mùa. Dị ứng mắt cũng có thể gây chảy nước mắt có thể đi kèm cảm giác nóng rát, mí mắt sưng húp. Lông thú cưng, bụi, phấn hoa, khói, nước hoa và thậm chí cả thức ăn có thể gây ra phản ứng dị ứng ở mắt.

tre-ngua-mat

Nếu cảm giác khó chịu kèm theo đỏ và chảy dịch dính hoặc có mủ, đó có thể là dấu hiệu của viêm kết mạc do vi rút hoặc vi khuẩn, hay còn gọi là đau mắt đỏ. Khi có những triệu chứng của bệnh viêm kết mạc, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến các bệnh viện mắt uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng lưu ý tránh để trẻ day dụi mắt vì có thể khiến mắt bị viêm nặng hơn, thậm chí có thể gây xước giác mạc ảnh hưởng đến thị lực.

Ghèn mắt

Dịch tiết ra khỏi mắt có thể làm khô mi, lông mi và dẫn đến “mắt có vảy”. Mắt có ghèn có thể do viêm bờ mi, hoặc viêm tuyến dầu của mí mắt. Ống dẫn nước mắt bị tắc cũng có thể liên quan đến chứng khô mắt. Điều này xảy ra khi hệ thống thoát nước mắt của mắt bị tắc nghẽn và nước mắt không thể thoát ra bình thường. Điều này có thể dẫn đến chảy nước, kích ứng và / hoặc mắt bị nhiễm trùng mãn tính.

Đau mắt đỏ cũng có thể gây ra ghèn hoặc mắt có vảy. Bác sĩ nhãn khoa sẽ giúp đánh giá tình trạng chảy dịch khô hay ướt của mắt và đưa ra phương pháp điều trị chính xác.

Mắt lác

Lác mắt, hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Lác rất dễ nhận biết khi cha mẹ có thể phát hiện thấy mắt trẻ bị lệch. Đối với những trường hợp lác ẩn thì cần khám chuyên khoa mới phát hiện được. Đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, nếu lác không được điều trị đúng cách có thể làm cho thị giác kém phát triển, gây ra nhược thị mất khả năng nhìn bằng hai mắt.

Nghiêng đầu

Có nhiều vấn đề ở mắt có thể khiến trẻ phải nghiêng đầu để nhìn. Đây có thể là dấu hiệu mắt trẻ bị lác, lệch có thể dẫn đến nhược thị. Nghiêng đầu cũng có thể là dấu hiệu của tật khúc xạ. Một số trẻ bị loạn thị sẽ nghiêng đầu sang một bên để nhìn rõ hơn. Trẻ em bị cận thị sẽ thường cố gắn nhìn đồ vật một cách rõ hơn khi hướng cắm lên, ngược lại trẻ bị viễn thị sẽ thường hướng cằm xuống để nhìn rõ hơn.

Việc bảo vệ thị lực cho trẻ là vô cùng quan trọng, tuy nhiên không phải bạn nhỏ nào cũng có thể tự nhận thức được những thay đổi về thị lực của mình. Chính vì vậy, việc thăm khám để phát hiện sớm các bệnh lý ở mắt và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời là cần thiết nhằm duy trì chất lượng thị giác của trẻ, giúp trẻ đảm bảo việc sinh hoạt và học tập.