Kính chỉnh hình giác mạc Ortho-K
Ortho-K là gì?
Kính Ortho-K hay còn gọi là Orthokeratology, là loại kính áp tròng cứng thấm khí được thiết kế đặc biệt để đeo vào ban đêm và tháo ra vào sáng hôm sau. Kính hoạt động bằng cách làm phẳng trung tâm giác mạc trong khi ngủ, từ đó giúp ánh sáng hội tụ vào đúng võng mạc và bệnh nhân có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tháo kính Ortho-K ra mà không cần phụ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng khác. Những thấu kính qua đêm này là thấu kính cứng, thấm khí, đủ cứng để định hình lại giác mạc, nhưng cũng cho phép oxy đi qua để đảm bảo mắt luôn khỏe mạnh.
 

Kính Ortho K chỉnh hình giác mạc

 
Tác dụng điều trị

Kính Ortho-K được bác sỹ chỉ định cho hai mục đích:

  • Điều chỉnh tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị và loạn thị): Bằng việc đeo kính trong khoảng thời gian 6-8 tiếng lúc ngủ, bệnh nhân có thể nhìn rõ mà không cần phụ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng trong một khoảng thời gian nhất định sau đó.
  • Để làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em: Đây là phương pháp có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng cận thị, có thể áp dụng cho các trường hợp trẻ em có tiển triển cận thị nhanh.

Tác dụng điều trị của Ortho K

Đặc trưng của kính Ortho-K

Đeo vào ban đêm
Không giống như kính áp tròng thông thường, Ortho-K được đeo khi ngủ và tháo ra khi thức dậy

Cần thời gian để đạt hiệu quả tối đa
Kính Ortho-K cần một khoảng thời gian để định hình giác mạc một cách ổn định, do đó tùy thuộc vào độ khúc xạ ban đầu của mắt, bệnh nhân sẽ đạt được thị lực tối đa sau trung bình từ 1 đến 4 tuần. Đối với mắt có độ cận thấp, thị lực có thể đạt mức tối đa sau vài ngày. Cho đến khi mắt được điều chỉnh hoàn toàn, mắt có thể bị mờ, chói và quầng sáng xung quanh ánh đèn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải đeo một cặp kính với số độ thấp hơn ban đầu trong quá trình chỉnh hình để hỗ trợ thị lực.

Tính khả hồi
Việc điều chỉnh giác mạc chỉ là tạm thời, do vậy bệnh nhân sẽ cần đeo kính Ortho-K thường xuyên. Khi ngừng sử dụng kính, hình dạng giác mạc và độ khúc xạ của mắt sẽ phục hồi lại.

Hiệu quả nhất với cận thị nhẹ đến trung bình
Tùy thuộc vào hãng kính, ngưỡng điều trị của Ortho-K có thể lên tới -10 diop cận thị và -3 diop loạn thị. Tuy nhiên, kính phát huy hiệu quả cao nhất với mắt có độ cận thấp đến trung bình (từ -1 diop đến -4 diop) và loạn thị nhẹ (không quá -1 diop).

Đối tượng phù hợp với phương pháp Ortho-K
  • Có độ cận, loạn thị nằm trong ngưỡng điều trị của kính Ortho-K (dưới 10 độ cận và dưới 3 độ loạn).
  • Trẻ em dưới 18 tuổi mắc tật khúc xạ nhưng chưa đủ tuổi để thực hiện phẫu thuật.
  • Trẻ em mắc tật khúc xạ, tiến triển cận thị nhanh.
  • Những người gặp khó khăn hoặc không thoải mái khi mang kính gọng hay kính tiếp xúc thông thường.

Kính Ortho K kiểm soát cận thị

Điều kiện để thực hiện phương pháp Ortho-K

Ortho-K là phương pháp chống chỉ định với những trường hợp dưới đây:

  • Có viêm nhiễm ở mắt
  • Bị khô mắt kéo dài hoặc rối loạn tuyến nước mắt
  • Bệnh nhân bị dị ứng với contact lens nói chung
  • Có các bệnh về giác mạc hoặc giác mạc hình chóp
  • Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú
  • Mắc bệnh tự miễn hoặc bệnh tiểu đường
  • Có bất thường ở cấu trúc giác mạc, kết mạc hoặc mi mắt
  • Người hay đỏ mắt, thường có cảm giác cộm vướng bên trong mắt
  • Bệnh nhân không thể tuân thủ các chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ
  • Bệnh nhân không thể tuân thủ lịch kiểm tra định kỳ
  • Bệnh nhân có công việc đòi hỏi thị lực ổn định kéo dài
  • Bệnh nhân có loạn thị không đều hoặc độ khúc xạ giác mạc không ổn định
  • Độ nhạy cảm trên bề mặt giác mạc thấp
  • Có tiền sử phẫu thuật cận thị hoặc các loại phẫu thuật mắt khác
Một số triệu chứng có thể gặp khi đeo kính Ortho-K

Ortho-K với cơ chế làm phẳng giác mạc ở phần trung tâm, nhưng không thay đổi hình dạng giác mạc phần ngoại vi và phần viền, gây nên sự khác nhau về công suất khúc xạ ở ba phần giác mạc này. Từ đó có thể gây ra hiện tượng mờ nhòe hoặc chói sáng (glare và halo). Hiện tượng này có thể gây khó chịu nhất định cho bệnh nhân.

Cũng giống như các loại kính tiếp xúc khác, kính áp tròng cứng ban đêm cũng có thể gây nên một số triệu chứng trên mắt như:

  • Chảy nước mắt, mắt đỏ, cộm, vướng, có ghèn
  • Khô mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ
  • Xước hoặc viêm giác mạc

Để tránh gặp phải các triệu chứng trên, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc vệ sinh, sử dụng và bảo quản kính cũng như tái khám định kỳ. Trường hợp xảy ra các triệu chứng trên, bệnh nhân cần thông báo với bác sỹ để được hướng dẫn xử trí và nhận chỉ định điều trị bằng thuốc để hỗ trợ.

Các loại kính Ortho-K

KÍNH ORTHO-K BREATH-O CORRECT (HÃNG SEED - NHẬT BẢN)

Breath-O Correct là dòng kính Ortho-K đến từ hãng SEED của Nhật Bản và là sản phẩm kính áp tròng cứng ban đêm được lựa chọn hàng đầu tại quốc gia này. Được làm từ vật liệu độc quyền của hãng Toray, kính Breath-O Correct sở hữu những ưu điểm vượt trội.

Ngưỡng điều trị:

  • Cận thị: -1.00D đến -8.00D;
  • Loạn thị: Nhỏ hơn -1,5D đối với loạn thị thuận; Nhỏ hơn -0,75D đối với loạn thị nghịch

Ưu điểm của thấu kính:

  • Tính thẩm thấu oxy cao, an toàn với giác mạc
  • Độ đàn hồi của kính tốt nên độ bền cao, hạn chế nguy cơ nứt vỡ trong quá trình sử dụng, dễ thao tác và phù hợp với trẻ em.
  • Thiết kế kính phù hợp với cấu trúc giác mạc người châu Á

KÍNH ORTHO-K CONTEX OK® E-SYSTEM (HÃNG BAUSCH & LOMB - MỸ)

Ngưỡng điều trị:

  • Cận thị: -0.75 đến -9.25D;
  • Loạn thị: -2.00D

Ưu điểm của kính:

  • CONTEX OK® là kính áp tròng cứng với thiết kế hình học ngược. Chất liệu kính là Boston® XO ít hấp thụ tia cực tím, có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy, yếu tố quyết định sự khỏe mạnh của giác mạc

KÍNH FARGO ORTHO-K (HÃNG FARGO - MỸ)

Ngưỡng điều trị:

  • Cận thị: -1.00D to -9.00D;
  • Loạn thị: Đến 3D đối với loạn thị

Ưu điểm của thấu kính:

  • Ngưỡng điều trị loạn thị cao
Quy trình khám, tư vấn và sử dụng kính Ortho-K

Gói dịch vụ khám và tư vấn Ortho-K tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản bao gồm các bước:

Bước 1: Tư vấn tổng quát xác định mức độ phù hợp của mắt với phương pháp Ortho-K

  • Đo khúc xạ
  • Đo nhãn áp
  • Kiểm tra thị lực
  • Tư vấn bác sỹ

Bước 2: Chốt thông số, thử kính và đặt mua kính

  • Chụp bản đồ giác mạc
  • Chốt thông số kính
  • Thử kính (fitting kính)
  • Đặt mua kính

Bước 3: Nhận kính và hướng dẫn sử dụng

  • Nhận kính Ortho-K theo thông số đã tính toán theo mắt của Bệnh nhân
  • Bác sỹ hướng dẫn cách thao tác sử dụng kính và các lưu ý trong bảo quản kính

Bước 4: Tái khám định kỳ

  • Lịch tái khám định kỳ: 1 tuần – 1 tháng – 3 tháng kể từ ngày bắt đầu sử dụng kính Ortho-K

Việc tái khám định kỳ giúp xác định mức độ thích ứng của mắt và hiệu quả điều trị.

Hướng dẫn tháo, lắp kính Ortho-K

Hướng dẫn lắp kính

  • Lắp kính tiếp xúc cứng trước khi đi ngủ khoảng 15 phút.
  • Trước khi lắp kính cần rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô.
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt.
  • Rửa lại kính bằng nước muối sinh lý
  • Kiểm tra xem kính và tròng đen có bụi hay không.
  • Để kính tiếp xúc trên đầu ngón trỏ của bàn tay phải (tay thuận), nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo vào lòng kính tiếp xúc.
  • Mắt nhìn thẳng vào gương, dùng ngón giữa – tay phải kéo mi dưới xuống, dùng 3 ngón giữa – tay trái giữ mi trên, đặt nhẹ kính tiếp xúc vào giữa tròng đen.
  • Thả nhẹ hai mi mắt, chớp mắt và nhắm lại vài giây, nhìn vào gương kiểm tra lại chắc chắn kính đã giữa tròng đen.
  • Lắp kính xong, đổ bỏ nước ngâm kính và để khay ngâm kính tự khô.

Hướng dẫn tháo kính:

  • Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt. Rửa sạch tay bằng xà phòng.
  • Mắt nhìn thẳng vào gương, dùng ngón tay giữa – tay trái giữ mi trên, ngón giữa – tay phải kéo mi dưới, áp đầu que lấy kính vào giữa hoặc 2/3 dưới tròng đen, nhẹ nhàng lấy kính ra.
  • Cầm vuốt nhẹ lấy kính khỏi que và rửa kính bằng nước muối sinh lý. Đặt kính vào khay ngâm kính, cho nước ngâm kính vào ngập kính, đậy nắp khay ngâm kính và sau đó tiếp tục tháo kính mắt kia.