9 CÁCH LÀM GIẢM HỘI CHỨNG THỊ GIÁC MÀN HÌNH

01/04/2020

Điện thoại thông minh, máy tính, laptop, máy tính bảng, tivi…. Là những thiêt bị công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống và công việc của con người. Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ con người làm việc, học tập, giải trí,…các thiết bị công nghệ này cũng mang lại những phiền toái cho đôi mắt như nhức mỏi, khô mắt, khó tập trung.

Các nghiên cứu của The Vision Council đã chỉ ra rằng 60% những người thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử đều gặp phải các triệu chứng của mỏi mắt kỹ thuật số (còn gọi là hội chứng thị giác màn hình - CVS).

Các triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình bao gồm: mệt mỏi và khó chịu ở mắt, khô mắt, nhức đầu, mờ mắt, đau cổ và vai, co giật mí mắt và mắt đỏ.

Dưới đây là 10 cách dễ dàng giúp bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ bị mỏi mắt và các triệu chứng phổ biến khác của hội chứng thị màn hình (CVS):

1. Sử dụng ánh sáng thích hợp

Ánh sáng trong phòng quá mức hoặc ánh sáng mặt trời quá gắt chiếu qua cửa sổ sẽ khiến mắt chúng ta dễ bị căng mỏi mắt khi làm việc. Loại bỏ ánh sáng bên ngoài bằng cách che rèm, giảm ánh sáng bên trong bằng cách sử dụng ít bóng đèn hơn hoặc sử dụng bóng đèn led có độ sáng dịu. Ngoài ra, nếu có thể, hãy đặt màn hình máy tính của bạn bên cạnh cửa sổ, thay vì ở phía trước hoặc phía sau nó để mắt cảm thấy thoải mái hơn.

2. Giảm thiểu ánh sáng xanh từ màn hình

Ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử là tác nhân lớn gây nên hiện tượng nhức mỏi mắt, tật khúc xạ nếu sử dụng trong thời gian lâu, do đây là loại ánh sáng có bước sóng ngắn cùng năng lượng cao, dễ dàng xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể, gây tổn thương các tế bào cảm thụ ánh sáng ở giác mạc. Do vậy nên sử dụng kính ngăn ánh sáng xanh khi làm việc lâu với máy tính, laptop. Thông thường kính chống ánh sáng xanh chất lượng cao sẽ chống được 90-95% ánh sáng, tạo cảm giác thoải mái hơn khi làm việc nhiều giờ với máy tính.

3. Nên sử dụng màn hình LED

Màn hình LED mỏng, phẳng, chống chói và làm dịu mắt hơn các màn hình CRT lỗi thời có thể gây ra hiện tượng "nhấp nháy" - là nguyên nhân chính gây mỏi mắt và mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc. Khi chọn màn hình máy tính, hãy chọn màn hình LED có độ phân giải cao nhất có thể  để hình ảnh sắc nét hơn, màn hình cũng nên có độ lớn vừa phải (khỏang 19in) để mắt nhìn sẽ thoải mái hơn.

4. Điều chỉnh cài đặt hiển thị của máy tính

Điều chỉnh cài đặt hiển thị của máy tính có thể giúp giảm mỏi mắt và mệt mỏi.

Độ sáng: Điều chỉnh độ sáng của màn hình  sao cho không quá sáng, hay quá tối, để mắt nhìn cảm thấy dịu, có thể điều chỉnh giảm ánh sáng xanh nếu như máy của bạn có chức năng này.
Kích thước và độ tương phản của văn bản: Điều chỉnh kích thước và độ tương phản của văn bản cho thoải mái, đặc biệt là khi đọc hoặc soạn các tài liệu dài.
Màu sắc: Giảm nhiệt độ màu sắc của màn hình về mức dịu nhẹ sẽ giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình màu để mắt thoải mái xem lâu hơn.

5. Chớp mắt thường xuyên hơn

Chớp mắt là rất quan trọng khi làm việc với máy tính; chớp mắt giúp làm ẩm đôi mắt của bạn để tránh khô và kích ứng.

Theo các nghiên cứu, khi nhìn chằm chằm vào màn hình, mọi người chớp mắt ít thường xuyên hơn - chỉ khoảng 1/3 so với bình thường khiến mắt dễ bị khô rát do nước mắt trên bề mặt giác mạc bốc hơi nhanh. Ngoài ra, không khí trong môi trường văn phòng khô do sử dụng điều hòa liên tục, điều này có thể làm tăng tốc độ nước mắt của bạn bay hơi nhanh, khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về khô mắt lâu dài. Nếu bạn gặp các triệu chứng khô mắt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ mắt về nước mắt nhân tạo để sử dụng trong ngày.

6. Luyện tập mắt

Để giảm nguy cơ mỏi mắt do liên tục tập trung vào màn hình, hãy rời mắt khỏi máy tính ít nhất 20 phút một lần và nhìn vào một vật ở xa (cách xa ít nhất 20 feet) hoặc nhìn ra ngoài không gian rộng trong ít nhất 20 giây. Đây chính là "quy tắc 20-20-20”. Việc nhìn ra xa giúp thư giãn các cơ mắt để giảm mệt mỏi.

Một bài tập khác là nhìn xa một vật trong vòng 10 - 15 giây, sau đó nhìn vào vật ở gần trong 10 - 15 giây, rồi lại nhìn vật ở xa, thực hiện điều này 10 lần. Bài tập này sẽ giúp luyện điều tiết, tránh mắt bị co quắp điều tiết do nhìn gần vào màn hình máy tính quá lâu.

7. Nghỉ giải lao thường xuyên

Để giảm nguy cơ mắc hội chứng thị giác màn hình và đau cổ, lưng và vai, hãy thường xuyên nghỉ giải lao trong ngày làm việc của bạn (ít nhất một lần nghỉ 10 phút mỗi giờ).

Trong thời gian nghỉ, hãy đứng lên, di chuyển và duỗi tay, chân, lưng, cổ và vai để giảm căng thẳng và mỏi cơ và nhớ uống nước để cơ thể cũng như đôi mắt được thoải mái, dễ chịu hơn.

8. Thay đổi tư thế ngồi làm việc

Tư thế ngồi sai cũng góp phần gây ra hội chứng thị giác màn hình. Điều chỉnh vị trí để màn hình, laptop và ghế ngồi của bạn phù hợp chiều cao để chân bạn thoải mái đặt trên sàn.

Đặt màn hình máy tính của bạn cách mắt từ 40-50 cm. Vị trí trung tâm màn hình của bạn nên nằm dưới mắt khoảng 10 đến 15 độ để tránh bị căng mắt và mỏi cổ, vai, gáy.

9. Kiểm tra mắt định kỳ

Kiểm tra mắt định kỳ hàng năm là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa hoặc điều trị các vấn đề về mắt kịp thời.

Hãy áp dụng những cách làm trên để phòng ngừa những tác hại từ màn hình điện tử và làm giảm sự khó chịu từ hội chứng thị giác màn hình. Bảo vệ đôi mắt của mình để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.