TÌNH TRẠNG LÃO HÓA MẮT SỚM Ở NGƯỜI TRẺ

26/11/2019

Lão hóa cơ thể nói chung và lão hóa mắt nói riêng là quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi. Theo các chuyên gia, lão hóa ở mắt với các triệu chứng ban đầu như như nhìn mờ, mỏi mắt, khô mắt…là hệ quả của rối loạn quá trình tổng hợp protein tại các thành phần vốn dĩ trong suốt như thủy tinh thể, dịch kính, giác mạc và sự “già yếu” của các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc.

Khoa học đã chứng minh các thoái hóa ở mắt thường xảy ra từ khi con người bước vào độ tuổi 40 và rõ rệt hơn ở giai đoạn 50-60 tuổi. Tuy nhiên, một thực tế đáng ngại là các triệu chứng của thoái hóa mắt đang xuất hiện ngày càng nhiều ở độ tuổi ngoài 30. Nghĩa là từ khi còn rất trẻ, nhiều người đã có nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt thường gặp ở người già như khô mắt kéo dài, vẩn đục dịch kính – các chấm đen hay mạng lưới di chuyển theo tầm nhìn, lão thị  khả năng mắt điều tiết khi nhìn gần kém, thoái hóa võng mạc – nhìn mờ, độ tương phản màu sắc kém… Không ít người ở độ tuổi ngoài 40 nhưng đã mắc bệnh đục thủy tinh thể hay chức năng thị lực bị suy giảm như người 60 tuổi.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng lão hóa mắt xảy ra ngày càng sớm hơn nhưng nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống ngày càng ô nhiễm, công nghệ số khiến mắt thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh có hại từ các thiết bị điện tử và chế độ sinh hoạt không lành mạnh của người trẻ. Hiểu rõ các tác nhân này, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động làm chậm lại quá trình lão hóa mắt bằng việc chăm sóc đôi mắt đúng cách như:

Tình trạng lão hóa mắt sớm ở người trẻ

Các triệu chứng của thoái hóa mắt đang xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi

Đeo kính bảo vệ mắt

Ngay cả khi không mắc các tật khúc xạ cận – viễn – loạn thị, việc đeo kính cũng rất quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt tốt trước các tác nhân gây hại trong môi trường sống xung quanh.

  • Kính râm có tráng lớp chống tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời – một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, mộng mắt…. Bên cạnh đó, kính giúp che chắn bụi, gió, côn trùng rơi vào mắt.
  • Kính bảo hộ: Đối với những người có công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất gây hại hoặc phóng xạ, làm việc trong hoặc sống xung quanh các nhà máy sản xuất, việc đeo kính bảo hộ là cần thiết để tránh mắt tiếp xúc với các tác nhân có hại này.
  • Kính chống ánh sáng xanh bảo vệ mắt khỏi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, ti vi, điện thoại. Đây là loại ánh sáng năng lượng cao, có khả năng xuyên qua các tế bào thần kinh thị giác tới võng mạc, gây giảm thị lực và tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa mắt.

Chế độ làm việc mắt hợp lý

Cuộc sống hiện đại và công nghệ số ngày nay gắn chặt với hình ảnh những người trẻ ngồi miệt mài bên máy tính, điện thoại hay máy tính bảng để học tập, làm việc và giải trí. Theo đó, mắt cũng phải tiếp xúc liên tục với các thiết bị này trong nhiều giờ liền khiến sức khỏe của mắt suy giảm. Để kéo dài tuổi thọ cho mắt, cần tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi xen giữa thời gian làm việc căng thẳng bằng cách:

  • Áp dụng quy tắc 20-20-20: Cứ mỗi 20 phút làm việc liên tục, nên nhắm mắt 20 giây hoặc nhìn ra xa 20 feet, tương đương 6 mét để mắt có thời gian nghỉ ngơi và điều tiết.
  • Điều chỉnh khoảng cách thích hợp: để mắt cách mặt sách báo khoảng 25cm - 35cm, cách màn hình máy tính 50cm - 60cm, cách màn hình ti vi 2,5m – 4m… (Khoảng cách từ nhỏ đến lớn, lần lượt đối với học sinh và người trưởng thành).
  • Đảm bảo giấc ngủ đêm trọn vẹn: Theo nghiên cứu cho thấy, một người trưởng thành cần ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm đôi mắt, hoạt động khỏe mạnh. Nhiều người trẻ có thói quen thức khuya thường xuyên, ngủ ngày hoặc ít ngủ khiến mắt luôn trong tình trạng mỏi mệt, kém linh hoạt.

Từ bỏ các thói quen xấu cho mắt

  • Dụi mắt: Thói quen này có thể phá vỡ các mạch máu nhỏ dưới da khiến mí mắt nhanh sụp, xuất hiện các quầng thâm hoặc gây tổn thương bề mặt giác mạc làm hình ảnh mờ nhòe ngay cả khi đeo kính.
  • Hút thuốc: Thuốc lá làm suy yếu hệ tuần hoàn của cơ thể dẫn đến giảm lượng máu đến mắt, góp phần tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
  • Uống ít nước: Một người trưởng thành khỏe mạnh cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo các hoạt động của cơ thể được cân đối. Uống quá ít nước có thể khiến mắt nhanh khô, mỏi, thị lực không ổn định.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt

Chăm sóc sức khoẻ mắt từ bên trong bằng chế độ dinh dưỡng hằng ngày 

Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt

Để chăm sóc đôi mắt khỏe mạnh từ bên trong cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày tốt cho mắt như bổ sung vitamin A, B, lutein có trong các loại rau có lá màu xanh đậm và củ quả có màu vàng/cam. Ngoài ra, vitamin E, kẽm, lutenin, zeaxanthin và omega-3 được tìm thấy trong quả gấc, các loại hạt, thịt gà, tôm cua, cá biển…có tác dụng tăng cường thị lực và chống lão hóa. 

Kiểm tra mắt định kỳ

Các triệu chứng ban đầu của thoái hóa mắt thường đến từ từ và tưởng chừng rất bình thường như nhìn mờ, chảy nước mắt, nhức mỏi mắt… khiến không ít người bỏ qua. Việc thăm khám định kỳ 3-6 tháng/lần thực sự cần thiết để kiểm soát các thay đổi bất thường ở mắt, phát hiện sớm và kịp thời điều trị các bệnh lý nếu có, đồng thời nhận lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa về cách chăm sóc mắt theo nhu cầu, công việc hằng ngày.