COVID-19 VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỚI THỊ LỰC
Sự bùng phát dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng bị xáo trộn. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như ho, khó thở, đau cơ, rối loạn tiêu hóa,... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết virus Sars Cov 2 có thể gây nên những ảnh hưởng nhất định tới thị lực của người bệnh.
COVID-19 có khiến thị lực bị mờ đi?
Virus Sars Cov 2 không trực tiếp khiến thị lực bị suy giảm, thay vào đó nó có thể gây ra hiện tượng viêm kết mạc do virus hay còn gọi là đau mắt đỏ. Trong một nghiên cứu từ đợt bùng phát COVID đầu tiên vào năm 2020 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, người ta thấy rằng 31,6% bệnh nhân (gần 1/3) có các triệu chứng đau mắt đỏ sau khi nhiễm COVID. Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng màng trong suốt (kết mạc) và che phủ vùng trắng (củng mạc) trong mắt. Ở một số trường hợp, viêm kết mạc và các tình trạng mắt tương tự khác có thể dẫn đến thị lực mờ nhẹ.
Một số triệu chứng có thể là dấu hiệu của đau mắt đỏ:
- Đỏ mắt
- Chảy nhiều nước mắt
- Khô mắt
- Cảm giác 'ngứa ngáy' trong mắt bạn
- Nhạy cảm với ánh sáng
Thông thường, viêm kết mạc là tình trạng phổ biến và dễ gặp nhất, tuy nhiên covid cũng có thể gây ra các bệnh lý khác ở mắt:
- Khô mắt mãn tính: Phản ứng miễn dịch của cơ thể người bệnh có thể góp phần gây ra chứng khô mắt. Về lý thuyết, nếu virus Sars Cov 2 xâm nhập vào các tế bào ở mắt, nó có thể làm suy giảm khả năng giữ ẩm cho bề mặt mắt của cơ thể.
- Tổn thương dây thần kinh giác mạc: Tình trạng này có thể dẫn đến mờ và đau mắt. Những người bị tổn thương dây thần kinh giác mạc có nguy cơ bị nhiễm trùng mắt cao hơn và có thể để lại sẹo trên giác mạc.
- Viêm màng bồ đào: Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm phần trước của mắt, liên quan đến bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống đa cơ quan. Những người bị viêm màng bồ đào sẽ thấy đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và mắt có cảm giác đau. Viêm màng bồ đào có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
- Ảnh hưởng tới võng mạc: Covid-19 có thể ảnh hưởng lên võng mạc và hắc mạc (phần phía sau nhãn cầu) thông qua tình trạng thiếu máu, viêm mạch, tổn hại tế bào nội mô mạch máu võng mạc, dẫn đến tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc, nặng hơn là tắc động mạch võng mạc, gây mất thị lực.
Hội chứng thị giác màn hình
Việc nhiễm Covid-19 không trực tiếp gây ra tình trạng này, tuy nhiên thời gian làm việc và học tập online gia tăng trong giai đoạn vừa qua đã dẫn đến nhiều trường hợp mắc hội chứng thị giác màn hình. Nguyên nhân gây nên các rối loạn thị giác là do lượng ánh sáng đến mắt và ánh sáng xanh phản xạ từ màn hình máy tính quá nhiều trong một thời gian dài và ở khoảng cách gần nên khiến mắt bị co quắp điều tiết dẫn đến điều tiết chậm, nhìn xa hay gần đều mờ, nhức mắt, đau đầu, đồng thời làm giảm lượng nước mắt đến giác mạc khiến mắt bị khô.
Hiện tại hội chứng thị giác màn hình tuy chưa gây tác động quá nguy hiểm lên mắt nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc và sinh hoạt của chúng ta rất nhiều. Người mắc hội chứng này sẽ luôn cảm thấy mắt bị nặng hơn, mệt mỏi và trong tình trạng khó chịu.
Để phòng tránh hội chứng thị giác màn hình và cải thiện tình trạng mắt khi sử dụng máy tính, cần chú ý các điều sau:
- Vị trí ngồi làm việc hợp lý, đủ ánh sáng phù hợp
- Nên sử dụng thiết bị có màn hình chống ánh sáng xanh hoặc đeo kính lọc ánh sáng xanh (kính blue cut)
- Luyện tập thị giác theo quy tắc 20-20-20 mỗi khi làm việc
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học
Làm gì để bảo vệ thị lực khi mắc COVID-19?
Có một số điều người bệnh có thể làm để bảo vệ đôi mắt của mình:
- Tránh chạm tay vào mắt.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
- Nếu sử dụng đeo kính áp tròng, hãy đảm bảo kính được vệ sinh sạch sẽ và được bảo quản đúng cách.
- Không dùng chung khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác gần mặt và mắt.
Bên cạnh đó, hãy uống đủ nước, bổ sung thêm các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của bác sĩ. Hậu covid, nếu có các triệu chứng như nhìn mờ, đỏ hoặc đau mắt - hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra mắt toàn diện.