CÁC BÁC SĨ JIEH THAM DỰ HỘI NGHỊ NHÃN KHOA CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG APAO 2019
Hội nghị nhãn khoa Châu Á Thái Bình Dương APAO là một trong những hội nghị lớn trong ngành nhãn khoa, được tổ chức thường niên tại các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị là cơ hội để các bác sĩ, dược sỹ cùng những người hoạt động trong ngành Nhãn khoa tiếp cận và cập nhật nhiều công nghệ mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về mắt. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các công ty, nhãn hàng triển lãm những phương tiện, máy móc phục vụ cho việc khám chữa bệnh nhãn khoa giới thiệu đến những chuyên gia, bác sĩ.
Từ ngày 5-9/3/2019 vừa qua, Các bác sĩ và dược sỹ tại JIEH đã tham dự Hội nghị APAO lần thứ 34 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Với chủ đề "Khoa học, Nghệ thuật và Kết nối", Hội nghị có mục tiêu rõ ràng là giới thiệu và tạo khả năng tiếp cận các công nghệ phát triển và ứng dụng cho tất cả các nước trên thế giới trong việc chăm sóc và điều trị bệnh mắt, trong đó nổi bật nhất là công nghệ về thủy tinh thể và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.500 diễn giả hàng đầu, 6.000 đại biểu từ 86 quốc gia, trình bày về những nghiên cứu, báo cáo về khoa học công nghệ , kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, phẫu thuật nhãn khoa. Bên cạnh đó, hội nghị còn có 250 gian hàng triển lãm của nhiều công ty dược phẩm, thiết bị y tế giới thiệu về các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ phát hiện và điều trị bệnh về mắt.
Tại Hội nghị APAO 2019, các báo cáo, nghiên cứu của cac chuyên gia chủ yếu xoay quanh bệnh lý về măt phổ biến như tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, glaucoma, bệnh lý võng mạc, thần kinh nhãn khoa và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data trong lĩnh vực nhãn khoa - khi mà công nghê 4.0 đang là xu hướng của toàn thế giới.
Trong Hội nghị lần này, chủ đề về phẫu thuật thay thủy tinh thể và các công nghệ được ứng dụng trong chế tạo thủy tinh thể nhân tạo được giới thiệu nhiều nhất và cũng nhận được nhiều sự chú ý của các chuyên gia phẫu thuật, bác sĩ trên thế giới cũng như bác sĩ của Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản.
Đối với phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo, công nghệ Femtosecond Cataract đang được sử dụng ở nhiều nước. Phương pháp này sử dụng tia laser femtosecond để hỗ trợ phẫu thuật viên thao tác xé bao thủy tinh thể và tán nhuyễn nhân thủy tinh thể đã bị đục. Công nghệ này giúp cho đường mổ chính xác, mịn và nhanh chóng phục hồi, ít để lại độ loạn thị cho người bệnh. Sau đó, phẫu thuật viên vẫn cần tự tay tạo đường mổ để đưa thủy tinh thể nhân tạo vào thay cho thủy tinh thể đục đã bị hút ra.
Đặc biệt, Hội nghị APAO lần này, nhiều thủy tinh thể công nghệ cao được giới thiệu, trong đó đáng chú ý nhất là thủy tinh thể nhân tạo ứng dụng EDOF (Extended Depth of Focus) - mở rộng độ sâu trường nhìn mà Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản đang áp dụng. EDOF là công nghệ tiên tiến duy nhất được cấp bằng sáng chế về sự thay thế khả năng điều tiết gần với thủy tinh thể tự nhiên, do vậy nhiều hãng trên thế giới cũng bắt đầu sản xuất IOL-EDOF. Điểm khác biệt tại đây, các hãng này chú trọng vào khoảng cách nhìn xa của người bệnh nên các IOL của họ ưu tiên tầm nhìn xa, còn các thủy tinh thể của SAViol (Swiss Advanced Vision- Thụy Sỹ) ưu tiên tầm nhìn gần và trung gian, vì đây là tầm nhìn mà con người thường sử dụng nhiều nhất trong sinh hoạt, công việc. Thủy tinh thể của Hãng SAViol: INFO và LUCIDIS (hiện đang được áp dụng độc quyền trong phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản) cũng được trưng bày triển lãm tại hội nghị APAO 2019 và nhân được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, phẫu thuật viên.
Một sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo mới được ra mắt tại Hội nghị, thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu tham gia chính là loại thủy tinh thể có giá đỡ hỗ trợ người bệnh trong việc thay thế thủy tinh thể nhiều hơn 2 lần nếu có sự thay đổi về khúc xạ hay các vấn đề liên quan. Hiện nay, việc thay thủy tinh thể nhiều lần trên mắt dường như là rất khó khăn, vì bao thể thủy tinh sẽ gặp các tình trạng như bị dính IOL hoặc rách ảnh hưởng đến chất lượng tầm nhìn. Tuy nhiên công nghệ này có cơ chế là đặt giá đỡ vào trong bao thủy tinh thể, sau đó cố định IOL lên giá đỡ, trong tương lai nếu cần thay thể chỉ cần rút IOL cũ và thay IOL mới vào, bảo vệ và giữ vững được bao thủy tinh thể trong mắt bệnh nhân. Loại thủy tinh thể này hiện đã đang được áp dụng trên nhiều người bệnh ở nước ngoài và kết quả đáp ứng từ phía người bệnh được đánh giá tốt.
Bên cạnh các thông tin về thủy tinh thể, trong Hội nghị cũng đề cập đến các phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc và glaucoma. Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh tân mạch Anti-VEGF vẫn là tối ưu và ổn định, đem lại hiệu quả cho mắt người bệnh. Ngoài ra, một số máy móc, thiết bị y tế cũng được triển lãm tại hội nghị thu hút sự quan tâm của các bác sĩ chính là hệ thống máy OCT chụp cắt lớp đáy mắt hiện đại, hình ảnh hiển thị rõ các mạch máu bị viêm, hỗ trợ bác sĩ trong việc phát hiện, giải thích, chẩn đoán và theo dõi bệnh tình người bệnh.
Là sự kiện lớn trong ngành Nhãn khoa thế giới, hội nghị là cơ hội được gặp gỡ các chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu trên thế giới để trao đổi kiến thức, cập nhật công nghệ kỹ thuật tiên tiến mới, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm. Các bác sĩ cho biết, những kinh nghiệm và kiến thức tại đây sẽ được áp dụng trong quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng chuyên môn tại Bệnh viện.