TRẺ EM NÊN SỬ DỤNG MẮT Ở CỰ LY GẦN TRONG KHOẢNG THỜI GIAN BAO NHIÊU LÀ HỢP LÝ?

28/06/2022

Sử dụng mắt ở cự ly gần với màn hình máy tính điện tử hay đọc sách là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ thông tin, máy tính, điện thoại trở thành công cụ học tập đặc lực dành cho trẻ ở độ tuổi đi học. Tuy nhiên việc sử dụng mắt ở cự ly gần và tiếp xúc với các thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài, không chỉ khiến mắt nhức mỏi, mà còn làm tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ ở trẻ nhỏ. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ đưa ra những khuyến cáo về khoảng thời gian sử dụng mắt phù hợp dành cho trẻ. 

Quy tắc nên ghi nhớ 

Có ba quy tắc cơ bản quan trọng cha mẹ nên ghi nhớ ghi cho trẻ sinh hoạt và hoạt động tại nhà. Đây là những nguyên tắc quan trọng sẽ giúp trẻ giảm được nguy cơ mắc các tật khúc xạ cũng như hạn chế tăng độ ở trẻ đã có tật cận thị. Ba quy tắc này bao gồm 

  • Chớp mắt thường xuyên và áp dụng nguyên tắc 20 – 20 – 20 bảo vệ mắt: Khi tập trung nhìn vào màn hình, trẻ thường quên chớp mắt, khiến mắt khô mỏi, do đó hãy nhắc trẻ chớp mắt. Việc nhìn gần lâu có thể khiến trẻ mỏi điều tiết, hãy nhắc trẻ áp dụng theo nguyên tắc 20-20-20 - cứ sau 20 phút sử dụng mắt ở cự ly gần, nên dành ra 20 giây để nhìn ra xa 20 feet (=6m) để mắt được thư giãn.
  • Giữ khoảng cách hợp lý khi đọc sách hay sử dụng các thiết bị điện tử: Khoảng cách từ mắt trẻ tới màn hình các thiết bị điện tử hay sách vở nên duy trì khoảng từ 25 – 35cm hoặc không ngắn hơn chiều dài một khuỷu tay, ngồi thẳng lưng và mắt hơi chếch xuống màn hình.
  • Dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để sinh hoạt ngoài trời, tăng cường nhìn xa, tắm nắng. Nhìn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp ức chế sự phát triển của cận thị mà còn ngăn ngừa cận thị trên những trẻ đang có đôi mắt khỏe mạnh.

tre-hoat-dong-ngoai-troi

Thông thường, chúng ta hay có thói quen cầm sách hay các thiết bị điện tử để đọc với cự ly gần. Tuy nhiên, việc sử dụng mắt ở khoảng cách gần như vậy liên tục sẽ đòi hỏi các cơ ở mắt phải tập trung với cường độ lớn, khiến mắt rất dễ bị mỏi. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu từ Ireland (1) trẻ sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn 3 giờ một ngày có nguy cơ mắt tật cận thị cao gấp 4 lần so với trẻ sử dụng các thiết bị này ít hơn 1 tiếng mỗi ngày. Trẻ ở độ tuổi 6-7 tuổi cũng là nhóm tuổi chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thói quen sử dụng mắt không tốt, đặc biệt nếu trẻ sử dụng các thiết bị điện tử với cường độ cao sẽ có nguy cơ mắc tật cận thị cao gấp 5 lần so với các trẻ khác. 

Một nghiên cứu khác từ Trung Quốc (2) cũng chỉ ra rằng trẻ đọc hoặc viết ở khoảng cách từ 20cm trở xuống cho thấy sự tiến triển cận thị nhanh hơn. Tương tự với trẻ xem ti vi ở khoảng cách gần hơn 3 mét và trẻ sử dụng mắt để đọc sách liên tục hơn 45 phút mỗi ngày.

Cha mẹ có thể làm gì để kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con trẻ?  

  • Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị: Cha mẹ có thể dễ dàng cài đặt giới hạn thời gian sử dụng trên các thiết bị như điện thoại hay tablet. Thậm chí có thể tùy chỉnh để khóa các ứng dụng sau khoảng thời gian mặc định hoặc thời điểm nhất định trong ngày. 
  • Cha mẹ hãy tự mình trở thành một hình mẫu tốt: Trẻ em thường học tập và bắt chước bố mẹ rất nhiều thói quen, hành động trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, cha mẹ hãy tạo cho mình thói quen sử dụng thiết bị điện tử trong một khoảng thời gian hợp lý, dành nhiều thời gian hơn để chơi với con, tương tác và trò chuyện cùng con, từ đó cũng giúp cho trẻ ít bị phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử 

Thời gian sử dụng thiết bị nên tham khảo 

  • Trẻ em dưới hai tuổi không nên sử dụng các thiết bị điện tử. Việc xem điện thoại hay máy tính bảng ở độ tuổi này có thể hạn chế trẻ tham gia các hoạt động khác như vui chơi học tập, giảm cơ hội phát triển ngôn ngữ, ảnh hưởng không tốt đến kỹ năng chú ý của trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của cử động mắt.
  • Trẻ em từ 2-5 tuổi nên sử dụng các thiết bị điện tử tối đa 1 giờ mỗi ngày. Ở nhóm tuổi này, thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều sẽ khiến trẻ có ít thời gian vận động, vui chơi ngoài trời dẫn tới trẻ ít có cơ hội hơn để phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng về ngôn ngữ hay sáng tạo. 

tre-su-dung-may-tinh-bang

  • Trẻ em ở độ tuổi đi học (5-17 tuổi) nên được giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử để giải trí trong khoảng 2 giờ mỗi ngày. Trẻ ở độ tuổi này nên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm xã hội cũng như giảm lượng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Giấc ngủ cũng rất quan trọng ở nhóm tuổi này. Trẻ em từ 5-13 tuổi nên ngủ đủ từ 9-11 tiếng mỗi đêm và từ 8-10 tiếng mỗi đêm với trẻ trong độ tuổi 14–17 tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cũng không nên sử dụng các thiết bị này trước khi đi ngủ. Theo các bác sĩ, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trước khi đi ngủ sẽ kích thích tinh thần và gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Nên tắt máy tính, tivi và điện thoại ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để trẻ cảm thấy dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Bên cạnh việc thay đổi thói quen sử dụng mắt ở cự ly gần và thời gian sử dụng mắt hợp lý, kiểm tra mắt định kỳ cũng vô cùng quan trọng. Kiểm tra mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của mắt trẻ sau khoảng thời gian học tập và tiếp xúc các thiết bị điện tử, đồng thời có các giải pháp điều trị kịp thời nếu trẻ mắc các tật khúc xạ hay bệnh lý ở mắt.