THUỐC NHỎ MẮT HẠN CHẾ GIA TĂNG ĐỘ CẬN Ở TRẺ - THẮC MẮC THƯỜNG GẶP

25/08/2020

Tật cận thị học đường đang bùng phát mạnh mẽ với số lượng ở trẻ em trong độ tuổi đi học mắc phải tăng nhanh. Ở giai đoạn phát triển, nguy cơ gia tăng độ cận thị ở mắt của trẻ là điều không thể tránh khỏi, do vậy việc áp dụng các biện pháp kiểm soát cận thị là hết sức cần thiết.

Một trong các giải pháp kiểm soát tiến triển cận thị được áp dụng phổ biến hiện nay là sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa Atropine dựa trên nghiên cứu và thực nghiệm của các chuyên gia Singapore.

Thuốc được sử dụng cho các bệnh nhân là trẻ em theo chỉ định của bác sỹ. Dưới đây, hãy cùng Bác sỹ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản giải đáp những câu hỏi thường gặp liên quan đến phương án hạn chế gia tăng độ cận hiệu quả này.

1.  Thuốc có tác dụng đối với trẻ ở độ tuổi nào?

Độ tuổi khuyến cáo sử dụng thuốc hiệu quả là từ 6 tuổi trở lên có độ cận tăng ít nhất -0.5 Diop trong vòng 6 tháng trước đó. Trẻ 5 tuổi đang được nghiên cứu và sẽ có báo cáo mới nhất vào hội nghị ngành nhãn khoa châu Á năm 2021. Trẻ dưới 5 tuổi hiện chưa có nghiên cứu.

2. Thuốc Atropine 0.01% có  tác dụng làm chậm tốc độ tăng độ cận thị hay không?

Có. Thực tế nghiên cứu và điều trị cho thấy độ cận thị ở trẻ em từ 6-12 tuổi tăng chậm lại 50% so với tăng tự nhiên sau 2 năm điều trị, 100% trẻ trong nghiên cứu ghi nhận tác dụng.

3. Liều dùng của thuốc Atropine 0.01% như thế nào và dùng trong bao lâu thì có tác dụng?

  • Liều dùng của thuốc: nhỏ vào mỗi mắt bị cận thị liều 1 giọt 1 lần / ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Tác dụng hiệu quả: Các bác sĩ khuyến cáo tra mắt hàng ngày và liên tục trong tối thiểu 6 tháng rồi theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ. Sau đó tra duy trì tới 2 năm hoặc tới tận năm 18 tuổi (khi chiều cao đã tăng chậm lại).

4. Dùng thuốc Atropine 0.01% có tác hại gì không?

Thuốc có tác dụng phụ tại mắt: Bệnh nhân thường nhìn gần mờ vào buổi sáng do giãn đồng tử, tác dụng thay đổi theo màu mắt, tác dụng này sẽ hết khoảng 1-2 giờ sau khi thức dậy. Nguyên nhân là do atropin nồng độ thấp ảnh hưởng nhất định đến kích thước đồng tử, khả năng điều tiết và nhìn gần. Thuốc chưa có ghi nhận tác dụng phụ toàn thân và rất hiếm gặp phản ứng dị ứng.

5. Việc sử dụng thuốc atropine 0,01% cho chỉ định kiểm soát cận thị ở trẻ em vẫn được phê duyệt chính thức (Off-label use) ở Nhật, Mỹ và Việt Nam có đúng không?

Đúng. Chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt hạn chế gia tăng độ cận được đưa ra dựa trên nghiên cứu mở đầu của Gs. Donald Tan, các chuyên gia nhãn khoa đang dựa vào đó để tiến hành đánh giá tác dụng điều trị và tác dụng phụ khi dùng kéo dài. Đến khi có nhiều nghiên cứu có kết quả tương đồng và chứng minh được độ an toàn khi sử dụng kéo dài thì chỉ định này mới được phê duyệt chính thức.

6. Tôi có thể mua thuốc nhỏ mắt hạn chế tăng độ cận thị ở đâu?

Hiện nay sản phẩm này đã được bán rộng rãi tại các nhà thuốc của bệnh viện mắt tư nhân và công lập. Gia đình có thể mua theo đơn của bác sĩ để điều trị cho bé.

7. Tôi có thể tự mua thuốc này về tra cho bé để làm hạn chế sự gia tăng độ cận thị không?

Thuốc chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tra mắt. Khi trẻ bị cận thị, cha mẹ cần cho bé đi khám thị lực tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chú ý thăm khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để theo dõi được tình trạng mắt của trẻ một cách chính xác nhất

8. Con tôi không bị cận thị nhưng tôi muốn phòng ngừa thì có nên mua atropine 0.01% để tra cho bé không?

Không nên. Thuốc không có tác dụng phòng ngừa cận thị mà chỉ làm giảm tốc độ tăng độ cận thị.

9. Atropine 0.01% chỉ hiệu quả đối với cận thị thôi đúng không và thuốc không thể điều trị hết hẳn độ cận thị?

Đúng. Thuốc chỉ hiệu quả đối với trẻ có độ cận thị tiến triển (có hoặc không kèm loạn thị). Tuyệt đối không dùng cho trẻ bị viễn thị vì atropine 0.01% ức chế sự phát triển chiều dài của trục nhãn cầu trong khi chiều dài trục nhãn cầu tăng sẽ giúp mắt bé giảm dần độ viễn thị. Còn các bé bị nhược thị thì phải thận trọng vì có thể làm giảm kết quả điều trị nhược thị.

Atropin không phải là phương pháp điều trị giúp triệt tiêu hết độ cận, chỉ có phẫu thuật Lasik, ReLEx SMILE hoặc Phakic ICL là phương pháp điều trị cận thị triệt để, phù hợp sử dụng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên và mắt đủ các điều kiện phẫu thuật.

10. Thuốc atropin có tác dụng điều trị cho bệnh nhân trên 18 tuổi giống như khi dùng cho trẻ từ 6-12 tuổi không?

Không. Tác dụng giảm tốc độ tăng độ cận thị của hoạt chất atropin sulfat nói chung là dựa vào việc ức chế phát triển chiều dài trục nhãn cầu. Ở người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), chiều dài trục nhãn cầu có thể coi như đã hoàn thiện. Do vậy, thuốc khả năng cao sẽ không có tác dụng với nhóm đối tượng này.

11. Dùng Atropine 0.01% là phương pháp duy nhất hạn chế tăng độ cận?

Không đúng. Có nhiều phương pháp hạn chế tăng độ cận ở trẻ em như sử dụng kính áp tròng ban đêm OrthoK, kính gọng đa tròng, kính tiếp xúc đa tròng, tăng thời gian hoạt động ở không gian rộng.

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp các bậc cha mẹ hiểu đúng và rõ hơn về phương pháp nhỏ thuốc kiểm soát cận thị ở trẻ em. Để nắm được rõ tình trạng cận thị của đôi mắt bé, cha mẹ có thể đưa bé đến khám theo chương trình "Kiểm soát cận thị - Myopia Control". Theo đó, bệnh nhân ở độ tuổi học đường (6-17 tuổi) sẽ được hưởng các ưu đãi sau:

  • Giảm 50% phí thăm khám khúc xạ cho trẻ, chỉ còn 250.000/ lần khám.
  • Thẻ "Kiểm soát cận thị - Myopia Control" chỉ 750.000 VND cho 2 năm thăm khám khúc xạ không giới hạn số lần.