THẾ NÀO ĐƯỢC COI LÀ NHÃN ÁP BÌNH THƯỜNG?

29/08/2022

Nhãn áp của một người có thể thay đổi theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần. Đo nhãn áp (IOP) là một trong những bước quan trọng khi người bệnh tới các cơ sở nhãn khoa để thăm khám. Nhãn áp có thể cung cấp cho bác sĩ những dấu hiệu quan trọng về sức khỏe mắt của người bệnh. Vậy nhãn áp như thế nào được coi là bình thường và nhãn áp cao có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh lý nào? 

Nhãn áp bình thường trung bình thường dao động từ 8-21 mm Hg. Người có nhãn áp liên tục cao hơn 21 mmHg nhưng không có tổn thương thần kinh thị giác được gọi là tăng nhãn áp. 

Mối liên hệ giữa nhãn áp cao và bệnh glôcôm

Áp lực nội nhãn (IOP) cao có thể là dấu hiệu của bệnh glôcôm hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh glôcôm. Những người có nhãn áp liên tục trên 27mm Hg thường phát triển bệnh glôcôm, trừ khi áp lực được giảm bớt nhờ thuốc. Bản thân nhãn áp cao không phải là yếu tố duy nhất gây ra bệnh glôcôm, tuy nhiên nếu không được điều trị, nhãn áp cao liên tục trong một thời gian dài có thể gây ra gây ra áp lực lên dây thần kinh thị giác, gây tổn thương từ đó có thể dẫn tới bệnh glôcôm. 

tang-nhan-ap

Người mắc bệnh glôcôm có thể phải đối mặt với nguy cơ mất thị lực do nhãn áp tăng quá cao và không được điều trị kịp thời. Những tổn thương mà glôcôm gây ra là không thể hồi phục. 

Nguyên nhân nào khiến nhãn áp cao?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng tăng nhãn áp, trong đó có thể kể đến nguyên nhân đường đi của thủy dịch bị nghẽn hoặc bị hạn chế, hoặc do thủy dịch sản sinh ra quá nhiều. Thủy dịch là chất dịch do thể mi tiết ra tiền phòng và hậu phòng (tiền phòng là khoang nằm giữa giác mạc và thể thủy tinh; hậu phòng là khoang nằm sau mống mắt), tạo nên áp lực (nhãn áp) để duy trì dạng hình cầu căng cho mắt và cung cấp dưỡng chất cho giác mạc và thủy tinh thể.

Để duy trì nhãn áp bình thường, thủy dịch sẽ cần được lưu thông từ hậu phòng ra tiền phòng. Nếu vì bất kỳ lý do nào, thủy dịch bị tích tụ lại và không thể thoát ra ngoài thì sẽ gây ra hiện tượng gia tăng nhãn áp.

Nhãn áp được đo như thế nào?

Bởi vì những thay đổi về nhãn áp không gây ra bất kỳ đau đớn nào, nên nhãn áp thường khó có thể được phát hiện. Để đo nhãn áp một cách chính xác và nhất quán nhất, người bệnh sẽ cần tới các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được kiểm tra mắt toàn diện. Trong buổi khám mắt, bác sĩ sẽ thực hiện một trong những bài kiểm tra để đo nhãn áp của người bệnh:

Đo nhãn áp tiếp xúc
Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt để gây tê bề mặt của mắt. Một dải giấy có chứa thuốc nhuộm (fluorescein) sẽ được đắp lên mắt, hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc nhuộm sẽ được sử dụng. Thuốc nhuộm giúp bác sĩ có thể quan sát giác mạc của bệnh nhân dễ dàng hơn. Bệnh nhân sẽ để cằm trên một miếng đệm và nhìn thẳng vào kính hiển vi (hay gọi là đèn khe). Bác sĩ sẽ ngồi ở phía trước và chiếu đèn vào mắt người bệnh, nhẹ nhàng đặt đầu dò nhãn kế vào mắt. Bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số áp suất trên nhãn kế để xác nhận áp lực nội nhãn (IOP) của mắt.

Phương pháp đo nhãn áp không tiếp xúc

do-nhan-ap


Phương pháp này không cần đến thuốc nhỏ tê. Bạn sẽ đặt cằm trên một miếng đệm và nhìn thẳng vào máy. Một luồng không khí ngắn được thổi vào mắt bạn. Bạn sẽ nghe thấy một tiếng phụt và cảm thấy mát hoặc có một áp lực nhẹ đè lên mắt.

Đo nhãn áp đè dẹt bằng điện tử
Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt để gây tê bề mặt của mắt. Bạn nhìn thẳng về phía trước. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đặt đầu dò nhãn kế vào mắt bạn. Mỗi mắt sẽ được đo một vài lần. Sau khi đã đo được chỉ số chính xác sẽ có kết quả IOP trung bình sẽ xuất hiện trên màn hình hiển thị của thiết bị.

Nhãn áp có duy trì liên tục suốt cả ngày không?

Nhãn áp có thể thay đổi hàng giờ, hàng ngày và hàng tuần. Do đó, việc đo nhãn áp không thể chỉ ra thông tin chính xác nhất về áp lực nội nhãn thông thường của người bệnh. Sự dao động lớn của áp lực nội nhãn trong ngày có thể nguy hiểm cho sức khỏe mắt của người bệnh, đặc biệt nếu bệnh nhân bị bệnh tăng nhãn áp.

Mặc dù những thay đổi nhỏ về nhãn áp là bình thường, nhưng điều cần thiết là người trong nhóm nguy cơ cao bị tăng nhãn áp cần được thăm khám định kỳ để xác định cách theo dõi áp lực nội nhãn. Tùy thuộc vào mức độ kiểm soát nhãn áp và tổn thương thần kinh thị giác, lịch tái khám định kỳ có thể thay đổi từ 2 tháng/lần đến 1 năm/lần.