So sánh phẫu thuật SILK và phẫu thuật Phakic - Đâu là lựa chọn phù hợp?

02/04/2025

Phẫu thuật SILKPhakic là hai phương pháp điều trị khúc xạ tiên tiến, được đánh giá cao nhờ tính an toàn, hiệu quả và khả năng bảo vệ mắt tối ưu sau phẫu thuật. Mỗi phương pháp đều có cơ chế phẫu thuật, ngưỡng điều trị khác nhau, cũng như những ưu điểm và hạn chế riêng.

Vậy nên lựa chọn SILK hay Phakic để điều trị tật khúc xạ? Để giúp bệnh nhân có cái nhìn rõ ràng hơn về hai phương pháp phẫu thuật này, bài viết dưới đây sẽ phân tích chi tiết về cơ chế hoạt động, ngưỡng điều trị, kết quả sau mổ, đối tượng phù hợp và chi phí của từng phương pháp.

Hình ảnh minh hoạ phẫu thuật SILK và phẫu thuật Phakic

 

1. Cơ chế hoạt động và ngưỡng điều trị của SILK và Phakic

Phẫu thuật SILK

Phương pháp SILK là công nghệ laser khúc xạ tiên tiến nhất hiện nay, ứng dụng Femtosecond Laser thế hệ mới từ Mỹ. Phương pháp này sử dụng thiết bị Elita hiện đại của hãng Johnson & Johnson để tạo và loại bỏ một lớp mô giác mạc với thiết kế hai mặt lồi độc quyền, giúp điều chỉnh tật khúc xạ chính xác hơn. SILK hoạt động dựa trên tia laser thế hệ thứ 5, thay đổi hình dạng giác mạc nhằm khôi phục thị lực sáng rõ cho bệnh nhân. Phương pháp này có ngưỡng điều trị cận thị lên đến -12.00D và loạn thị đến -6.00D, nhưng không thể điều trị viễn thị. Tổng độ cận thị và loạn thị mà phẫu thuật SILK có thể điều trị được nằm trong ngưỡng từ -1.00D tới -12.00D.

 

Phẫu thuật Phakic

Phakic là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng cách đặt thấu kính nội nhãn có độ an toàn cao, được thiết kế riêng theo thông số của từng mắt. Thấu kính này được đặt vào vị trí sau mống mắt và trước thủy tinh thể, giúp điều chỉnh thị lực mà không bào mòn hay làm thay đổi hình dạng giác mạc. Phương pháp này mang lại chất lượng thị giác sắc nét (Full HD) và phù hợp với những bệnh nhân có độ cận hoặc loạn thị cao, đặc biệt là những người có giác mạc mỏng, không đủ điều kiện phẫu thuật bằng các phương pháp laser.

Hiện nay, có hai loại thấu kính nội nhãn được sử dụng trong phẫu thuật Phakic:

  • Thấu kính ICL: Điều trị lên đến 18 độ cận, 10 độ viễn đi kèm 6 độ loạn thị.
  • Thấu kính IPCL: Có phạm vi điều trị rộng hơn, lên đến 30 độ cận, 15 độ viễn đi kèm 10 độ loạn thị.

2. Thời gian phẫu thuật và hồi phục thị lực của SILK và Phakic

Thời gian phẫu thuật

Phẫu thuật SILK và phẫu thuật Phakic đều diễn ra nhanh chóng (khoảng 10-15 phút) cho cả hai mắt.

  • Đối với SILK - phương pháp sử dụng laser thế hệ mới nhất, bệnh nhân có thể thăm khám - phẫu thuật - ra về ngay trong cùng một ngày nếu tình trạng mắt đáp ứng đủ điều kiện mổ.
  • Đối với Phakic, do sử dụng thấu kính nội nhãn cá nhân hóa, bệnh nhân cần đặt hàng từ nước ngoài, với thời gian chờ 5 - 7 tuần để thấu kính được sản xuất và vận chuyển về Việt Nam. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi 3 - 4 giờ tại bệnh viện trước khi xuất viện trong ngày.

Về thời gian phẫu thuật, SILK có lợi thế về thời gian thực hiện nhanh gọn, trong khi Phakic yêu cầu thời gian chuẩn bị dài hơn do cần thấu kính cá nhân hóa.

Thời gian hồi phục

  • Về thị lực, cả phẫu thuật SILK và Phakic đều mang lại chất lượng thị giác tối ưu, tương đương với thị lực tối đa khi đeo kính trước mổ. Tuy nhiên, do cơ chế của phương pháp Phakic không bào mòn giác mạc, thị lực bệnh nhân sau mổ có xu hướng sắc nét hơn trong điều kiện ánh sáng yếu so với phương pháp SILK.
  • Về thời gian hồi phục, cả hai phương pháp giúp bệnh nhân khôi phục tầm nhìn rõ nét trong 4 - 6 giờ sau phẫu thuật. Sau 1 ngày, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, vận động nhẹ sau 2 tuần và tham gia các hoạt động thể thao sau 1 tháng.
  • Về tình trạng khô mắt, Phakic không gây khô mắt do không tác động đến cấu trúc giác mạc. Trong khi đó, phẫu thuật SILK có thể gây khô mắt nhẹ, nhưng tỷ lệ thấp hơn so với các phương pháp laser thế hệ trước và có thể được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc nhỏ mắt bôi trơn hoặc nước mắt nhân tạo trong 1 - 3 tháng đầu sau mổ.

Cả SILK và Phakic đều có thời gian hồi phục nhanh, tuy nhiên, Phakic có ưu thế hơn về thị lực trong điều kiện ánh sáng yếu và không gây khô mắt.

3. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp SILK và Phakic

Phẫu thuật SILK

Ưu điểm

Phẫu thuật SILK là công nghệ laser khúc xạ tiên tiến nhất hiện nay, ứng dụng Femtosecond Laser thế hệ thứ 5 với nhiều cải tiến vượt trội về năng lượng, tốc độ và độ chính xác.

  • Năng lượng laser siêu thấp (40 - 50 nJ)
    • Giảm thiểu tổn thương mô giác mạc, giúp bảo toàn cấu trúc giác mạc và hạn chế biến chứng sau mổ.
    • Hạn chế tác động nhiệt, giúp giảm viêm, kích ứng sau phẫu thuật.
  • Khoảng cách điểm bắn nhỏ (~1 µm)
    • Tạo bề mặt cắt mịn màng cho lõi nhu mô, giúp phẫu thuật viên thao tác nhẹ nhàng và chính xác, hạn chế tổn thương vùng mô xung quanh.
    • Tối ưu hóa chất lượng thị lực sau mổ, giúp bệnh nhân có thị giác sắc nét hơn.
  • Tốc độ bắn laser nhanh (10 MHz), thời gian phẫu thuật tối ưu (~16 giây)
    • Thời gian bắn laser chỉ khoảng 16 giây, giúp rút ngắn tổng thời gian phẫu thuật, giảm căng thẳng cho bệnh nhân.
    • Tốc độ xung cao giúp phân phối năng lượng đồng đều hơn, hạn chế tác động nhiệt và giảm nguy cơ kích ứng giác mạc sau mổ.
    • Quá trình phẫu thuật nhanh chóng, chính xác, giúp bệnh nhân có trải nghiệm nhẹ nhàng và hồi phục nhanh hơn.
  • Bên cạnh ưu thế về laser tân tiến, SILK còn sở hữu thiết kế lõi nhu mô hai mặt lồi độc quyền, mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phẫu thuật và hồi phục:
    • Phân bố lực cắt đồng đều, giúp giác mạc ổn định hơn sau mổ, giảm nguy cơ biến dạng giác mạc, bảo vệ sức bền cơ sinh học của giác mạc.
    • Tạo bề mặt cắt mịn hơn, giúp lấy lõi nhu mô dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian thao tác của phẫu thuật viên.
    • Làm giảm tình trạng mờ sương sau phẫu thuật do không tạo ra nếp gấp giác mạc so với lõi nhu mô có thiết kế một mặt phẳng và một mặt cong.

Nhược điểm

Mặc dù phẫu thuật SILK được đánh giá phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng laser tiên tiến nhất hiện nay, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế mà bệnh nhân cần cân nhắc trước khi lựa chọn:

  • Không điều trị được viễn thị.

SILK hoạt động dựa trên cơ chế rút lõi nhu mô giác mạc để điều chỉnh tật khúc xạ, phù hợp cho cận thị và loạn thị nhưng không thể thay đổi độ cong giác mạc theo hướng cần thiết để điều trị viễn thị. Bệnh nhân mắc viễn thị sẽ cần xem xét các phương pháp khác như LASIK hoặc Phakic.

  • Yêu cầu độ dày giác mạc phù hợp.

Với những bệnh nhân có giác mạc mỏng, phương pháp này có thể không khả thi, vì việc rút lõi nhu mô có thể làm giảm độ bền giác mạc, tăng nguy cơ biến dạng giác mạc sau mổ.

  • Có thể gây khô mắt tạm thời.

Do sử dụng laser Femtosecond để loại bỏ mô giác mạc, SILK có thể gây ra tình trạng khô mắt nhẹ sau phẫu thuật, mặc dù tỷ lệ này thấp hơn so với các phương pháp laser thế hệ trước. Tình trạng khô mắt thường kéo dài từ 1 - 3 tháng sau mổ, nhưng có thể kiểm soát được bằng nước mắt nhân tạo và thuốc nhỏ mắt bôi trơn.

  • Thị lực có thể hơi mờ sương trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật

Do quá trình rút lõi nhu mô để điều chỉnh tật khúc xạ, một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng mờ sương nhẹ trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, tình trạng này ở phẫu thuật SILK có thể được hạn chế đáng kể nhờ thiết kế lõi nhu mô chỉ diễn ra tạm thời và thường tự hết sau một thời gian ngắn khi giác mạc thích nghi với sự thay đổi.

Phẫu thuật Phakic

Ưu điểm

  • Không làm mỏng giác mạc, bảo toàn cấu trúc mắt

Khác với các phương pháp phẫu thuật bằng laser như Lasik hay SILK, Phakic không loại bỏ mô giác mạc, giúp giữ nguyên cấu trúc giác mạc tự nhiên. Điều này đặc biệt đem lại ưu thế cho những bệnh nhân có giác mạc mỏng hoặc độ cận quá cao, không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật laser.

  • Không gây khô mắt sau phẫu thuật

Cơ chế của phẫu thuật Phakic không tác động đến giác mạc, không ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh bề mặt giác mạc – nguyên nhân chính gây khô mắt sau phẫu thuật khúc xạ bằng laser.

  • Chất lượng thị lực tốt hơn, nhìn rõ cả trong điều kiện ánh sáng yếu

Phakic mang lại thị lực sắc nét và rõ ràng hơn, đặc biệt trong môi trường ánh sáng yếu hoặc ban đêm, nhờ vào thấu kính có độ quang học cao. Điều này giúp hạn chế hiện tượng lóa sáng, quầng sáng mà một số bệnh nhân có thể gặp phải sau các phương pháp laser.

  • Bảo vệ mắt khỏi tia UV, giảm nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc

Thấu kính ICL được làm từ vật liệu Collamer, có tính năng chống tia UV vượt trội, giúp bảo vệ mắt khỏi tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời. Nhờ đó, Phakic có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mắt nghiêm trọng như đục thủy tinh thể sớm, thoái hóa hoàng điểm, tổn thương võng mạc do tia UV.

Nhược điểm

  • Chi phí phẫu thuật cao

Phẫu thuật Phakic có chi phí dao động từ 90 - 100 triệu đồng/2 mắt, cao hơn đáng kể so với các phương pháp laser như SILK hay LASIK. Nguyên nhân là do thấu kính nội nhãn được sản xuất riêng cho từng bệnh nhân, đòi hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến và vật liệu chất lượng cao.

  • Thời gian chờ đợi phẫu thuật dài

Do thấu kính nội nhãn được sản xuất cá nhân hóa theo thông số từng bệnh nhân, thời gian chờ đợi thấu kính từ khi đặt hàng đến khi có thể phẫu thuật thường kéo dài 5 - 7 tuần.

  • Nguy cơ tăng nhãn áp sau phẫu thuật

Một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng tăng nhãn áp tạm thời ngay sau phẫu thuật do sự thay đổi dòng thủy dịch trong mắt.Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thủ thuật của bác sĩ nếu cần.

  • Không phù hợp với tất cả bệnh nhân

Bệnh nhân muốn thực hiện phẫu thuật Phakic cần có độ sâu tiền phòng phù hợp, tức là khoảng trống giữa giác mạc và thủy tinh thể phải đủ rộng để đặt thấu kính an toàn.

4. Chi phí phẫu thuật của phương pháp SILK và Phakic

Hiện tại, chi phí phẫu thuật SILK và Phakic tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Nhật Bản được áp dụng như sau:

  • Phẫu thuật SILK: 55 triệu đồng/2 mắt
  • Phẫu thuật Phakic: 90 - 100 triệu đồng/2 mắt

Tất cả bệnh nhân phẫu thuật điều trị tật khúc xạ sẽ được tặng gói quà trị giá 4,5 triệu đồng, bao gồm:

  • Khám chuyên sâu trước phẫu thuật
  • Thuốc bảo vệ mắt và kính bảo hộ
  • 12 tháng tái khám miễn phí

Lưu ý, chi phí có thể thay đổi tùy vào chương trình ưu đãi và chính sách của bệnh viện theo từng thời điểm. Để biết thông tin chi tiết và cập nhật mới nhất, bệnh nhân nên liên hệ trực tiếp với bệnh viện để được tư vấn.

Phẫu thuật SILK và Phakic là hai giải pháp điều chỉnh tật khúc xạ cho những nhóm bệnh nhân khác nhau. SILK là lựa chọn lý tưởng cho những người cận thị nhẹ đến trung bình, có độ dày giác mạc phù hợp và mong muốn một phương pháp phẫu thuật tân tiến, nhanh chóng và nhẹ nhàng. Trong khi đó, Phakic phù hợp với bệnh nhân có tật khúc xạ cao, giác mạc mỏng hoặc không đủ điều kiện thực hiện các phương pháp laser, với điều kiện độ sâu và rộng tiền phòng phải đạt yêu cầu.

Để đảm bảo lựa chọn phương pháp tối ưu nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, thực hiện thăm khám chuyên sâu và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng mắt trước khi quyết định phẫu thuật.