PHẪU THUẬT ĐỤC THỦY TINH THỂ CÓ THỂ LÀM GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ? 

19/02/2022

Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể là phẫu thuật thay thế thủy tinh thể bị mờ đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo để khôi phục thị lực cho người bệnh. Đây là giải pháp an toàn và hiệu quả giúp điều trị triệt để bệnh đục thủy tinh thể. Bên cạnh “nhiệm vụ” khôi phục ánh nhìn sáng rõ cho người bệnh, mới đây, một nghiên cứu đã cho thấy phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. 

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 3.038 người có độ tuổi từ 65 trở lên, bị đục thủy tinh thể và chưa từng được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ trước đây. Trong số này, có 1381 người đã từng phẫu thuật đục thủy tinh thể. 

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ ở những bệnh nhân đục thủy tinh thể giảm đi 29% sau khi đã làm phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, một loại phẫu thuật khác cũng giúp ngăn ngừa mất thị lực, nghiên cứu lại chỉ ra rằng phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến nguy cơ xuất hiện sa sút trí tuệ. 

phau-thuat-duc-thuy-tinh-the

Theo Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Cecilia S. Lee, những nghiên cứu trong quá khứ đã phát hiện ra các bệnh lý tại mắt (thoái hóa điểm vàng do lão hóa, bệnh võng mạc đái tháo đường) có liên hệ với tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ. Bà cho biết những người gặp khó khăn trong việc nhìn hoặc nghe, sẽ ngần ngại hoặc không tham gia vào các hoạt động thể thao, tương tác xã hội, đọc sách,...và có thể dẫn tới nguy cơ sa sút trí tuệ. 

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra một khả năng có liên quan tới cơ chế sinh lý (physiological mechanism). Theo nghiên cứu, vỏ não thị giác (visual cortex) trải qua những sự thay đổi nhất định do suy giảm và mất thị giác. Việc thị giác bị suy giảm có thể làm giảm thông tin tới não bộ, dẫn tới dẫn tới teo não - một nguy cơ có thể dẫn đến mất trí nhớ. Trên thực tế, đã có nghiên cứu trước đây cho thấy được sự tăng lên của chất xám ở não bộ sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. 

Mặc dù cơ chế chính xác về lợi ích của phẫu thuật đục thủy tinh thể vẫn chưa được biết rõ, Tiến sĩ Cecilia S. Lee cho biết không có gì quá ngạc nhiên khi sự thay đổi về thị giác có thể ảnh hưởng tới não bộ khi mắt và não luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. 

Kết quả của nghiên cứu được kỳ vọng sẽ giúp các bác sĩ và người bệnh nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe mắt đặc biệt là ở người cao tuổi, là nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ. Khi người lớn tuổi có các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể như gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm, nhìn thấy quầng sáng xung quanh bóng đèn, có hiện tượng nhìn mờ sương,... họ cần phải được thăm khám và kiểm tra bởi các bác sĩ nhãn khoa để từ đó được phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng thời điểm giúp cải thiện thị lực một cách hiệu quả.

                                                                                                                            *Nguồn: Today, MedicalNewsToday