NHỮNG LƯU Ý KHI "SỐNG CÙNG" BỆNH GLÔCÔM
Glôcôm (dân gian còn gọi là bệnh cườm nước) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng.
Glôcôm là bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và độ tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất ở người trên 40 tuổi. Có khoảng 1-2% trường hợp glôcôm có thể gặp phải ở trẻ sơ sinh. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới glôcôm bao gồm: Gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm, người bị tiểu đường, người có độ khúc xạ cao, tiền sử sử dụng steroid kéo dài, do chấn thương ở mắt, đục thủy tinh thể, viêm nhiễm ở mắt nặng và biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Bệnh nhân glôcôm nếu không được điều trị kịp thời, thị lực sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Người bệnh thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Cuối cùng, khi bệnh tiến triển trở nên nặng hơn, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn.
Lưu ý với người bệnh khi sống cùng bệnh lý glôcôm
Theo lời khuyên của chuyên gia, cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu là bệnh nhân, đặc biệt là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần chủ động trong việc tầm soát và thăm khám mắt định kỳ. Bên cạnh đó, người mắc bệnh glôcôm tuân thủ đúng kế hoạch điều trị từ bác sĩ cũng như chú ý một số lưu ý dưới đây:
Sử dụng thuốc điều trị glôcôm đúng thời gian và liều lượng
Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng tăng nhãn áp là một trong những phương pháp điều trị glôcôm phổ biến, đặc biệt là trong việc điều trị glôcôm góc mở. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống như beta-blocker hay carbonic anhydrase inhibitor, giúp làm giảm tiết dịch (nước) trong mắt.
Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Việc sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt/thuốc uống đúng theo chỉ định của bác sĩ là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tạo thói quen đặt giờ hẹn hay thông báo trên điện thoại để giúp người bệnh ghi nhớ được chính xác thời gian cần sử sử dụng thuốc.
Lưu ý hạn chế một số hoạt động có thể gây tăng nhãn áp
Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh glôcôm có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động mà họ yêu thích. Tuy nhiên, với những người mắc glôcôm ở giai đoạn nặng hơn cần hạn chế một số hoạt động như:
- Yoga: Các tư thế yoga, đặc biệt là những tư thế đầu cúi thấp hoặc ngang bằng với tim có thể liên quan tới việc tăng nhãn áp. Vì vậy, với các bệnh nhân glôcôm nên tránh tập yoga với những tư thế này.
- Bơi lội: Theo các bác sĩ nhãn khoa, kính bơi thường làm tăng áp lực nội nhãn khi sử dụng đặc biệt là những loại kính bơi nhỏ, ôm sát vào hốc mắt. Bệnh nhân nên tránh dùng những loại kính này, thay vào đó có thể dùng những loại kính dạng lớn như kính lắn khi đi bơi.
- Đeo cà vạt: Với bệnh nhân glôcôm, nên hạn chế thắt cà vạt quá chặt vì nó có thể tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở đầu và cổ, từ đó có thể làm tăng áp lực nội nhãn ở mắt.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Thay đổi chế độ dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm có thể gây tác động đến nhãn áp và bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày những thực phẩm giàu dinh dưỡng:
- Trái cây và rau quả: Chất chống oxy hóa và nitrat có thể làm giảm nguy cơ tăng nhãn áp và được tìm thấy trong trái cây và rau quả. Bổ sung nhiều trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin A, vitamin C, carotene, nitrat như các loại rau màu xanh, cà rốt, Tốt nhất nên ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là những loại có nhiều Vitamin A và C, carotenes và nitrat. Chúng bao gồm các loại rau lá xanh, cà rốt, rau họ cải, quả mọng, trái cây họ cam quýt và đào.
- Vitamin B3: Vitamin B3 có thể có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh glôcôm. Thực phẩm giàu B3 bao gồm gà tây, thịt gà, đậu phộng, nấm, gan, cá ngừ,...
- Axit béo omega 3: Axit béo omega-3 trong cá biển như cá ngừ, cá hồi,….hay trong hạt chia rất quan trọng đối với sức khoẻ mắt. Thiếu hụt DHA có thể làm suy giảm thị lực. Thường xuyên bổ sung omega-3 cũng có thể giảm nguy cơ mắc glôcôm.
- Luôn uống nhiều nước: Hãy uống đủ nước mỗi ngày để bổ sung nước cho cơ thể. Một người bình thường cần ít nhất 2l nước mỗi ngày, nếu ít hơn con số này, cơ thể bạn sẽ mệt mỏi. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn có thể làm tăng nhãn áp tạm thời. Vì vậy, hãy uống nước với lượng vừa đủ và trải đều trọng một ngày.
Bên cạnh đó, người bệnh glôcôm cũng nên hạn chế một số loại thực phẩm đồ uống như:
- Cà phê: Uống cà phê hoặc đồ uống có chứa caffein khác có thể làm tăng nhãn áp trong khoảng hai giờ. Caffeine được cho là làm tăng sự sản xuất của thủy dịch trong mắt. Sự gia tăng ngắn hạn này không gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với hầu hết mọi người, nhưng những người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm hoặc mắc bệnh glôcôm tiến triển nên cân nhắc giảm lượng caffein không quá 3-5 tách cà phê mỗi ngày.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Thực phẩm như mỡ động vật, bánh quy, đồ ăn nhanh… vì mức cholesterol cao trong máu có thể gây xơ cứng, hư hại các mạch máu và gây tăng cân. Việc tăng cân, béo phì có liên quan tới sự tăng áp lực trong mắt. Vậy nên việc duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp không chỉ ngăn ngừa bệnh glôcôm mà còn có thể ngăn ngừa đc nhiều bệnh lý khác.
Luyện tập thể dục hợp lý
Việc tập thể dục nhịp điệu, đi bộ, đạp xe ở mức độ trung bình hoặc nhanh từ 30 – 45 phút một lần, 3 – 4 lần/tuần sẽ làm giảm nhãn áp, đồng thời cải thiện lưu lượng máu đến não và mắt. Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng đều đem lại lợi ích cho người bệnh glôcôm mắt. Đối với một số bệnh nhân mắc bệnh như glôcôm sắc tố (pigmentary glaucoma) có thể có nguy cơ tăng nhãn áp và bệnh trở nên nặng hơn khi tham gia vào các hoạt động như chạy bộ các bài tập cardio khác. Vậy nên trước khi bắt đầu một bộ môn thể dục nào, hãy thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ nhãn khoa.
Bảo vệ đôi mắt
Bên cạnh bổ sung các chất dinh dưỡng, người bệnh cũng nên có các phương pháp bảo vệ mặt từ bên ngoài. Đeo kính bảo vệ khi làm việc ngoài làm việc ngoài trời hay chơi các môn thể thao dễ gặp tai nạn hoặc té ngã. Bên cạnh đó, sử dụng kính râm đặc biệt là trong những ngày hè khi tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe mắt, đặc biệt người mắc bệnh glôcôm cũng gặp phải vấn đề nhạy cảm với ánh sáng.
Những tổn thương do glôcôm gây nên là không có khả năng hồi phục vì vậy việc chẩn đoán sớm, tuân thủ phác đồ điều trị cũng như có một lối sống lành mạnh là những điều rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, hạn chế nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.