NÊN DUY TRÌ KHÁM MẮT ĐỊNH KỲ NHƯ THẾ NÀO VỚI NHÓM NGUY CƠ MẮC BỆNH GLÔCÔM?

05/09/2022

Glôcôm đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây mù lòa, chỉ sau đục thủy tinh thể. Đây là bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi ở mắt và được ví như “kẻ cắp ánh sáng thầm lặng”

Phần lớn người bệnh không biết mình nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nên thời điểm phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nặng. Người bệnh thường không cảm nhận được sự bất thường ở tầm nhìn, thị lực thường tốt cho đến giai đoạn cuối của bệnh lý. Vì vậy, việc đi thăm khám định kỳ, tầm soát để phát hiện bệnh rất cần thiết với những người trong nhóm nguy cơ cao nhằm tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” trong điều trị.

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh glôcôm

nhom-doi-tuong-mac-glocom

  • Người trên 40 tuổi 
  • Sắc tộc: Những người gốc Phi, Châu Á hoặc người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha có nhiều khả năng phát triển bệnh glôcôm và ở độ tuổi sớm hơn.
  • Tiền sử gia đình: Điều quan trọng là người bệnh cần phải nắm được tiền sử bệnh glôcôm trong gia đình vì glôcôm thể phổ biến nhất là glôcôm góc mở có tính di truyền. 
  • Tật khúc xạ: Mắt người cận thị cao hoặc rất cao (trên 8 độ) có trục nhãn cầu dài kéo căng các lớp sợi thần kinh thị giác khiến lớp liên kết này mỏng và yếu đi. Trường hợp người bệnh có triệu chứng mất thị trường một phần tương ứng với nơi tổn thương trên lớp sợi thần kinh này, nhiều khả năng đã mắc glôcôm góc mở. Người mắc bệnh này sẽ có tầm nhìn thu hẹp dần vào trung tâm, hình ảnh ở các góc và xung quanh sẽ mờ dần rồi mất hẳn.
  • Độ dày giác mạc: Giác mạc là một bộ phận quan trọng ở phía ngoài cùng của nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi qua để hội tụ trên võng mạc, từ đó hình ảnh được truyền lên não bộ giúp con người nhận thức được vật thể xung quanh. Giác mạc mỏng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, đặc biệt là giác mạc có độ dày giác mạc trung tâm dưới 0,540 mm

Các bệnh lý khác: 

  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân bị đái tháo đường nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường có thể ngăn chặn hệ thống thoát thủy dịch ở mắt và gây ra glôcôm. 
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật: Các chấn thương ở mắt, chẳng hạn như chấn thương đụng dập và chấn thương thể thao, hoặc tiền sử phẫu thuật mắt nhiều lần cho các bệnh mãn tính về mắt có thể gây ra bệnh glôcôm thứ phát. Chấn thương cũng có thể tạo ra tình trạng viêm trong mắt hoặc làm thay đổi cấu trúc giải phẫu của hệ thống thoát thủy dịch của mắt và khiến bệnh nhân có nhiều nguy cơ phát triển bệnh glôcôm. Tuy hiếm xảy ra, nhưng tình trạng viêm sau phẫu thuật mắt cũng có thể khiến người bệnh có nguy cơ mắc glôcôm.
  • Các tình trạng khác: Có một số tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh glôcôm như rối loạn tuyến giáp, đau nửa đầu, huyết áp thấp, tăng huyết áp,...
  • Người có nhãn áp tăng: Áp lực nội nhãn (IOP) cao có thể là dấu hiệu của bệnh glôcôm hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh glôcôm. Những người có nhãn áp liên tục trên 27mm Hg thường phát triển bệnh glôcôm, trừ khi áp lực được giảm bớt nhờ thuốc.

Cũng giống như các bệnh lý khác, việc hiểu và xác định được yếu tố nguy cơ có thể giúp người bệnh tầm soát và điều trị kịp thời bệnh lý glôcôm.

Người có yếu tố nguy cơ cần thăm khám tầm soát glôcôm bao lâu một lần? 

Tuổi và tần suất bắt đầu tầm soát bệnh glôcôm sẽ cần phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân. Theo nguyên tắc chung, Học viện nhãn khoa Hoa kỳ khuyến nghị: 

  • Tuổi 20-29: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm hoặc người nằm trong nhóm sắc tộc có nguy cơ mắc bệnh nên đi khám từ ba đến năm năm một lần.
  • Tuổi 30-39: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm hoặc người người nằm trong nhóm sắc tộc có nguy cơ mắc bệnh nên đi khám hai đến bốn năm một lần.
  • Tuổi 40-64: Nên đi khám mắt từ hai đến bốn năm một lần.
  • Tuổi 65+: Nên đi khám mắt một đến hai năm một lần.

Glôcôm được chẩn đoán như thế nào? 

Để chẩn đoán glôcôm, bác sỹ nhãn khoa dựa vào 3 yếu tố chính là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường. Bệnh thường được chẩn đoán qua các bài kiểm tra: 

  • Đo nhãn áp bằng thiết bị đo nhãn áp tiếp xúc hoặc không tiếp xúc, đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám, phát hiện tình trạng tăng nhãn áp
  • Kiểm tra thị lực để đánh giá sức nhìn  tối đa của mắt và mức độ ảnh hưởng về thị lực do bệnh glôcôm (nếu có).
  • Đánh giá đầu dây thần kinh thị giác bằng phương pháp soi đáy mắt hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như OCT, HRT…
  • Kiểm tra thị trường giúp đánh giá thị trường nhằm phát hiện, theo dõi tiến triển của bệnh lý glôcôm cũng như những tổn thương về thị trường gây ra bởi hệ thần kinh

Tầm soát Glôcôm tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản

tam-soat-glocom

Gói khám glôcôm tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản với các bước thăm khám toàn diện và chuyên sâu sẽ giúp bệnh nhân tầm soát nguy cơ mắc bệnh và nhận chỉ định điều trị kịp thời. Gói khám bao gồm các bước

  • Bước 1: Đo khúc xạ tự động.
  • Bước 2: Đo nhãn áp bằng thiết bị đo nhãn áp không tiếp xúc, đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám, phát hiện tình trạng tăng nhãn áp (nếu có).
  • Bước 3: Kiểm tra thị lực.
  • Bước 4: Kiểm tra thị trường.
  • Bước 5: Chụp OCT 3D – cắt lớp bán phần sau (chụp cắt lớp phân tích gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc)
  • Bước 6: Khám bác sỹ. Dựa trên các kết quả thăm khám, bác sỹ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh Glocom, mức độ bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp