NÊN CHỌN ĐEO KÍNH ORTHO-K HAY PHẪU THUẬT KHÚC XẠ ĐỂ ĐIỀU TRỊ TẬT CẬN THỊ?
Kính áp tròng cứng ban đêm Ortho-K và phẫu thuật khúc xạ đều là các phương pháp an toàn, đem đến hiệu quả cao và được sử dụng phổ biến hiện nay trong điều trị tật cận thị. Hãy cùng Bệnh viện mắt Nhật Bản phân tích cơ chế, khả năng điều trị, chi phí và đối tượng phù hợp của cả 2 phương pháp này để tìm ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân thông qua bài viết dưới đây!
Kính áp tròng cứng Ortho-K là gì?
Ortho-K là phương pháp sử dụng kính áp tròng cứng thấm khí để định hình lại giác mạc trong lúc ngủ, từ đó triệt tiêu độ cận tạm thời, đồng thời giúp kiểm soát tiến triển cận thị. Đây là phương pháp được FDA công nhận và được các chuyên gia khuyến khích sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Trung bình hiệu quả kiểm soát tiến triển cận thị của kính Ortho-K là 45%, hiệu quả tối đa có thể lên tới 63%. Tuy nhiên, kính Ortho-K không được khuyến khích cho những bệnh nhân có đồng tử lớn, mức độ cận thị cao hoặc những người mắc hội chứng khô mắt.
Phẫu thuật khúc xạ là gì?
Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ với cơ chế triệt tiêu độ cận, viễn, loạn bằng cách thay đổi độ cong của giác mạc với công nghệ Laser hoặc điều chỉnh độ khúc xạ bằng cách đặt thấu kính nội nhãn sẽ giúp bệnh nhân phục hồi thị lực một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến là Phakic, ReLEx SMILE, Femtosecond Lasik và SBK Lasik. Đây là giải pháp triệt tiêu dứt điểm độ khúc xạ được khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật rơi vào khoảng 98% - 99% và tỷ lệ tái cận rất thấp (chỉ 1% - 2% với phẫu thuật Femtosecond Lasik và SBK Lasik, chỉ dưới 1% với phẫu thuật ReLEx SMILE).
Nên chọn kính áp tròng cứng Ortho-K hay phẫu thuật khúc xạ để điều trị tật cận thị?
Kính Ortho-K và phẫu thuật khúc xạ đều là những giải pháp an toàn và hiệu quả để điều trị tật cận thị. Tuy nhiên, nếu người bệnh vẫn đang phân vân, hãy tham khảo những so sánh chi tiết về 2 phương pháp này:
Về cơ chế hoạt động
- Kính Ortho-K: Thông qua việc đeo kính liên tục trong 6-8 tiếng lúc ngủ vào ban đêm, Ortho-K sẽ tạm thời làm giảm độ cong của giác mạc, qua đó cho phép các tia sáng khi đi vào mắt sẽ tập trung chính xác vào võng mạc, giúp người bệnh có thể nhìn rõ mà không cần phải sử dụng kính trong các hoạt động ban ngày. Ortho-K cũng làm giảm sự mất nét ở vùng ngoại vi, giúp hạn chế tăng độ cận ở mắt cận thị.
- Phẫu thuật khúc xạ: Với các phẫu thuật bằng laser, cơ chế chung sẽ là thay đổi độ cong của giác mạc bằng cách lấy đi một phần giác mạc, giúp triệt tiêu hoàn toàn độ khúc xạ trên mắt. Với phẫu thuật Phakic, cơ chế đặt một thấu kính nội nhãn với thông số phù hợp với tình trạng mắt vào vị trí sau mống mắt và trước thủy tinh thể, giúp điều chỉnh độ khúc xạ, cho phép hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc.
Về khả năng điều trị tật cận thị
- Kính Ortho-K: Khả năng điều trị tật cận thị mang tính tạm thời. Để duy trì thị lực sắc nét, người bệnh cần sử dụng kính Ortho-K hằng ngày (trong vòng 6 - 8 tiếng vào ban đêm). Khi ngưng sử dụng kính, độ cận sẽ dần trở về như trạng thái ban đầu.
- Phẫu thuật khúc xạ: Khả năng điều trị tật cận thị dứt điểm tại thời điểm phẫu thuật bằng công nghệ laser hoặc đặt thấu kính nội nhãn chỉ trong 15 - 20 phút. Sau phẫu thuật, mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ, người bệnh vẫn có thể tái cận do một số nguyên nhân như thực hiện phẫu thuật trong giai đoạn độ khúc xạ chưa ổn định, lựa chọn phương pháp phẫu thuật không hợp lý hoặc duy trì thói quen sử dụng mắt thiếu khoa học sau phẫu thuật.
Về chi phí
- Kính Ortho-K: Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, chi phí mỗi cặp kính Ortho-K rơi vào khoảng 16.000.000 VND - 20.000.000 VND và được sử dụng trong vòng 1 - 3 năm.
- Phẫu thuật khúc xạ: Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, phẫu thuật Phakic có chi phí 90.000.000 VND - 100.000.000 VND/2 mắt, phẫu thuật ReLEx SMILE có chi phí 45.000.000 VND/2 mắt, phẫu thuật Femtosecond Lasik có chi phí 38.000.000 VND/2 mắt, phẫu thuật SBK Lasik có chi phí 24.200.000 VND/2 mắt.
Về đối tượng sử dụng
- Kính Ortho-K: Độ cận càng cao thì khả năng triệt tiêu độ cận tạm thời càng hạn chế, do đó Ortho-K phù hợp với độ cận dưới 10 độ, tối ưu với mắt có độ cận dưới 5 độ. Bệnh nhân dưới 18 tuổi sử dụng Ortho-K còn có tác dụng giúp hạn chế tăng độ cận.
- Phẫu thuật khúc xạ: Người trên 18 tuổi bị cận thị trên 0.5 độ và dưới 30 độ.
Kết luận, người trên 18 tuổi vẫn có thể đeo kính Ortho-K, tuy nhiên ở độ tuổi này độ cận hầu như không còn tiến triển, chức năng kiểm soát tiến triển cận thị của kính Ortho-K sẽ không được phát huy tối đa. Nếu biết sử dụng, chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách, việc tăng độ cận thường không xảy ra với mắt của người trưởng thành. Trường hợp người mắc tật khúc xạ muốn loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào các loại kính, kể cả việc đeo kính áp tròng Ortho-K mỗi đêm thì việc phẫu thuật cận thị bằng các phương pháp hiện đại như Phakic, ReLEx SMILE, Femtosecond Lasik, SBK Lasik sẽ là lựa chọn tối ưu hơn. Trường hợp mắt của người bệnh không đủ điều kiện để thực hiện các phẫu thuật khúc xạ, thì Ortho-K vẫn là phương án phù hợp để loại bỏ tạm thời các loại kính trong các hoạt động ban ngày.
Thăm khám và điều trị tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản
Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, người bệnh sẽ được thăm khám kỹ càng cùng bác sĩ nhãn khoa và được tư vấn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng mắt của mình. Được đầu tư và quản lý bởi Tập đoàn Paris Miki Holdings, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản cung cấp dịch vụ Ortho-K và phẫu thuật khúc xạ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, mang đến chất lượng thị giác vượt trội cho người bệnh với hệ thống máy móc tân tiến, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và dịch vụ chăm sóc toàn diện.
Đặt lịch hẹn thăm khám ngay tại: https://jieh.vn/dat-lich-kham.