LÀM SAO ĐỂ HẠN CHẾ TĂNG ĐỘ CẬN KHI CHƯA TỚI TUỔI PHẪU THUẬT?
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến gây suy giảm thị lực và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người mắc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tật cận thị như bất thường ở cấu trúc nhãn cầu (giác mạc quá cong hoặc trục nhãn cầu quá dài), thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hoặc yếu tố di truyền từ bố mẹ sang con cái.
Phẫu thuật cận thị được biết đến là giải pháp tối ưu giúp giải phóng đôi mắt khỏi cặp kính cận vướng víu. Tuy nhiên phẫu thuật chỉ có thể thực hiện khi bệnh nhân trên 18 tuổi và có độ khúc xạ ổn định. Ở độ tuổi dưới 18, cùng với quá trình phát triển của cơ thể, tình trạng cận thị cũng sẽ tiếp tục tiến triển. Độ cận tăng cao, không chỉ khiến người bệnh phải thay kính nhiều lần mà còn mang lại nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt nghiêm trọng hơn như thoái hóa võng mạc, lác, nhược thị… Bên cạnh đó, cận thị nặng cũng khiến bệnh nhân không có nhiều lựa chọn về các phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ khi đến tuổi trưởng thành. Bởi vậy, việc kiểm soát tiến triển cận thị là yếu tố rất quan trọng và cần được quan tâm để giúp bảo vệ và chăm sóc cho đôi mắt.
Trong bài viết này, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ đưa ra các giải pháp để giúp kiểm soát tiến triển cận thị, làm chậm quá trình tăng độ cận trên mắt khi chưa đến tuổi thực hiện phẫu thuật khúc xạ.
1. Sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho-K
Ortho-K là phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ an toàn, không xâm lấn, linh hoạt và có tính khả hồi. Ortho-K có cơ chế điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời thông qua cơ chế định hình giác mạc bởi một thấu kính áp tròng cứng được đeo vào buổi đêm khi đi ngủ (trung bình 6 – 8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Người bệnh sẽ có được tầm nhìn rõ nét vào ban ngày mà không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng. Đây là phương pháp có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng cận thị, có thể áp dụng cho các trường hợp tăng độ nhanh. Theo một số nghiên cứu, trẻ em sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển cận thị khoảng 36-56% so với trẻ chỉ sử dụng kính gọng hay kính áp tròng mềm.
2. Sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropin 0.01% theo chỉ định của bác sỹ
Thuốc nhỏ mắt Atropin 0.01% là giải pháp có thể làm chậm tiến triển của bệnh cận thị. Thuốc được bác sỹ chỉ định cho bệnh nhân mắc tật cận thị trong độ tuổi từ 6 – 15, độ cận tối thiểu 0,5 đi-ốp và có mức độ tiến triển cận thị nhanh. Dựa trên nghiên cứu thực tế, thuốc giúp kiểm soát độ cận thị ở trẻ em từ 6-12 tuổi tăng chậm lại 50% so với tăng tự nhiên sau 2 năm điều trị, 100% trẻ trong nghiên cứu ghi nhận tác dụng.
Atropine 0.01% là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ với liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng theo hướng dẫn cụ thể, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có tư vấn từ bác sỹ.
3. Dùng kính gọng đa tròng kiểm soát độ cận
Kính gọng đa tròng được thiết kế từ 2 vùng nhìn trở lên trên một mắt kính với số độ khúc xạ khác nhau ở các vùng để phù hợp với từng khoảng cách nhìn và hầu như không có đường phân tách giữa các vùng này. Kính có tác dụng giảm bớt điều tiết của mắt khi thay đổi các khoảng nhìn xa – gần – trung gian, theo đó kiểm soát sự tăng độ cận gây ra khi mắt phải làm việc quá căng thẳng.
4. Đeo kính đúng số
Quan niệm trước đây cho rằng việc đeo kính thấp hơn so với độ cận thực tế sẽ tốt hơn cho mắt do hạn chế việc mắt phải điều tiết khi nhìn gần, khiến mắt đỡ căng mỏi. Tuy nhiên, thực tế việc này lại không đảm bảo thị lực nhìn xa tốt, buộc mắt phải điều tiết bù trừ phần thiếu hụt để bắt nét hình ảnh khi muốn nhìn ra xa. Các bác sĩ nhãn khoa khuyên rằng người mắc tật khúc xạ nên đeo kính đúng số và thường xuyên sẽ giúp mắt đạt thị lực tối đa và thuận tiện trong sinh hoạt. Với một số trường hợp cá biệt, không thể thích nghi với kính đúng số, đặc biệt là người có độ loạn thị cao, bác sĩ sẽ có chỉ định điều chỉnh số kính phù hợp để mắt làm quen.
5. Thói quen sinh hoạt
Các chuyên gia tin rằng việc dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để sinh hoạt ngoài trời, tăng cường nhìn xa, tắm nắng, nhìn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp ức chế sự phát triển của cận thị mà còn ngăn ngừa cận thị trên người đang có đôi mắt khỏe mạnh.
Hơn nữa, người mắc tật cận thị cũng cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, hạn chế nhìn gần kéo dài liên tục, tuân thủ nguyên tắc 20:20:20. Hạn chế sử dụng các thiết bị màn hình như điện thoại, máy tính, TV, trò chơi điện tử. Bàn học kê gần cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên. Kích thước bàn, ghế phù hợp với độ tuổi. Ngồi cao, cách xa mặt bàn, khoảng cách từ cằm đến mặt bàn bằng chiều dài cánh tay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên rằng các phương pháp hạn chế gia tăng độ cận thị nên được kết hợp với nhau một cách khoa học dưới sự chỉ định của bác sỹ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Việc khám mắt định kỳ tại cơ sở nhãn khoa uy tín là cần thiết để nắm bắt được tình trạng mắt và có hướng cải thiện thị lực phù hợp