HIỂU VỀ BỆNH LÝ GIÁC MẠC CHÓP

25/10/2022

Giác mạc chóp là một bệnh lý về mắt khiến cho giác mạc - bề mặt trước hình vòm rõ ràng của mắt, trở nên méo mó và phồng lên. Giác mạc chóp thường xảy ra ở cả hai mắt và ảnh hưởng đến khoảng 50-200 trên mỗi 100.000 người.

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của giác mạc chóp có thể gồm thị lực giảm, hình ảnh bị méo mó (đường thẳng nhìn bị cong, lượn sóng), nhạy cảm hơn với ánh sáng và mắt đỏ hoặc sưng. Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc chóp có thể khiến tầm nhìn bị biến dạng, độ cận loạn thị tăng nhanh, không thể đeo kính áp tròng do không vừa vặn hoặc không thoải mái. Nghiêm trọng hơn, giác mạc có thể phồng lên, gây giảm thị lực đột ngột hoặc gây sẹo giác mạc.

1.  Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh giác mạc chóp

Mọi người đều có các yếu tố nguy cơ khác nhau để phát triển bệnh giác mạc chóp, trong đó có một số nguy cơ phổ biến như:

  • Di truyền: Bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh giác mạc chóp hoặc mắc một số bệnh toàn thân như hội chứng Down, hen suyễn hay các bệnh liên quan tới rối loạn mô liên kết khác, sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh giác mạc chóp.
  • Viêm kết mạc mãn tính: Viêm kết mạc liên tục do dị ứng hoặc chất kích thích có thể phá hủy mô giác mạc, dẫn đến phát triển giác mạc chóp.
  • Thói quen dụi mắt thường xuyên

2. Triệu chứng phổ biến của bệnh giác mạc chóp

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, nhưng những thay đổi của giác mạc có thể tiến triển với tốc độ khác nhau ở mỗi mắt. Điều này có nghĩa là các triệu chứng của người bệnh có thể khác nhau ở mỗi mắt.

trieu-chung-giac-mac-chop

Một số triệu chứng thường xảy ra trong giai đoạn đầu của giác mạc chóp bao gồm:

  • Đỏ hoặc sưng mắt
  • Mắt cảm thấy ngứa
  • Mờ mắt
  • Nhìn đôi
  • Thấy quầng sáng xung quanh ánh đèn
  • Tầm nhìn hơi méo (đường thẳng trông gợn sóng)
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Khi tình trạng bệnh giác mạc chóp trở nên tồi tệ hơn, người bệnh có thể nhận ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn như hình ảnh trở nên mờ, méo mó hơn,...

3. Giác mạc chóp có thể phát triển ở mọi lứa tuổi

Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc giác mạc chóp được chẩn đoán lần đầu ở tuổi thiếu niên hoặc thanh niên, nhưng nó có thể xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời. Đó là lý do tại sao kiểm tra mắt thường xuyên là rất quan trọng, ngay cả khi thị lực có vẻ rõ ràng và đôi mắt của có vẻ khỏe mạnh.

4. Chẩn đoán sớm là chìa khóa để điều trị bệnh giác mạc chóp

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết việc thăm khám và chẩn đoán sớm tình trạng của bệnh là chìa khóa để điều trị hầu hết các bệnh về mắt trong đó có bệnh giác mạc chóp. Việc phát hiện sớm có thể cho phép bác sĩ nhãn khoa thực hiện các phương pháp điều trị khác nhau để làm chậm sự tiến triển của bệnh trong giai đoạn đầu, khi tình trạng này có xu hướng xấu đi nhanh chóng hơn.

5. Giác mạc chóp có thể tiến triển với tốc độ khác nhau trong suốt cuộc đời

Sự tiến triển của bệnh giác mạc chóp có thể khác nhau ở mỗi người và một người có thể trải qua các mức độ tiến triển khác nhau ở mỗi mắt. Một số bệnh nhân có thể có mức độ tiến triển bệnh giác mạc chóp chậm và bệnh thường ở thể nhẹ cả đời, trong khi có những bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng giác mạc chóp tiến triển nhanh và chuyển nặng từ rất sớm.

Thông thường, các bác sĩ nhãn khoa sẽ khuyến nghị bệnh nhân áp dụng một số phương pháp giúp củng cố giác mạc và ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

6. Điều trị giác mạc chóp

Điều trị giác mạc chóp tập trung vào việc điều chỉnh thị lực và phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn đầu
Phương pháp điều trị giác mạc chóp ở giai đoạn đầu sẽ bao gồm đeo kính gọng để điều trị tật khúc xạ như cận thị và loạn thị. Khi giác mạc chóp tiến triển và nặng hơn, kính gọng không có thể giúp người bệnh nhìn rõ ràng, bệnh nhân sẽ cần phải đeo kính áp tròng, thường là kính áp tròng cứng.

Giai đoạn trung bình
Ở giai đoạn này, giác mạc chóp có thể được điều trị bằng liên kết chéo collagen giác mạc (Cross-linking). Mặc dù phương pháp điều trị không thể làm cho giác mạc hoàn toàn bình thường trở lại, nhưng nó có thể giữ cho thị lực không bị xấu đi và trong một số trường hợp, có thể cải thiện thị lực. Quy trình này có thể yêu cầu loại bỏ lớp mỏng bên ngoài của giác mạc (biểu mô) để cho phép riboflavin dễ dàng thâm nhập vào mô giác mạc hơn, giúp làm bền vững các liên kết giác mạc, quá đó hạn chế tình trạng giác mạc chóp tiến triển nặng.

dieu-tri-giac-mac-chop

Giai đoạn nặng
Sử dụng vòng trong giác mạc (Intracorneal ring segments) là một trong các phương pháp sẽ được áp dụng để điều trị giác mạc chóp. Một vòng PMMA sẽ được đưa vào giác mạc để hỗ trợ làm thẳng độ cong giác mạc và cải thiện thị lực.

Khi giác mạc quá mỏng để trải qua phẫu thuật cross-linking và người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng, ghép giác mạc được coi là lựa chọn cuối cùng.

Giác mạc chóp thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn khởi phát mà chỉ có thể phát hiện thông qua các kiểm tra chuyên sâu về giác mạc. Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết việc thăm khám mắt định kỳ là quan trọng để giúp tầm soát nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ như giảm thị lực đột ngột, nhạy cảm với ánh sáng, hình ảnh méo mó, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời để kiểm tra và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.

Hiện nay, việc khám chuyên sâu trước phẫu thuật khúc xạ sẽ giúp bệnh nhân đánh giá được tình trạng sức khỏe của mắt, giúp người bệnh nắm được các vấn đề ở mắt có thể ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật.

Nếu vẫn còn những băn khoăn cần tháo gỡ, hãy thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản để được giải đáp và tư vấn chi tiết hơn. Đăng ký thăm khám với bác sỹ nhãn khoa tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản TẠI ĐÂY