GỠ BỎ LẦM TƯỞNG VỀ BỆNH LÝ GLÔCÔM 

17/08/2022

Ước tính có khoảng 80 triệu người trên thế giới sống chung với căn bệnh glôcôm, và là nguyên nhân thứ hai gây mất thị lực chỉ sau đục thủy tinh thể. Với luồng thông tin cùng kiến thức chính xác, việc chăm sóc và bảo vệ mắt khi sống chung với glôcôm không phải là một vấn đề quá phức tạp. Tuy nhiên cho đến nay vẫn có không ít những hiểu lầm về glôcôm, gây ra nhiều hoang mang dành cho người bệnh. Trong bài viết hôm nay, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giúp bệnh nhân tháo gỡ những lầm tưởng về glôcôm.

Lầm tưởng 1: Nếu thị lực đạt 20/20 và không có triệu chứng gì thì có nghĩa là không có khả năng bị glôcôm!

Sự thật: Thị lực hoàn hảo không có nghĩa là bạn mắt sẽ không có khả năng mắc bệnh glôcôm. Glôcôm thường được biết đến với tên gọi “kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng” do đây là loại bệnh xuất hiện âm thầm, tùy thuộc vào thể bệnh mà có thể có hoặc không có các triệu chứng rõ ràng, ở giai đoạn sớm, thị lực có thể chưa bị ảnh hưởng nên bệnh nhân hoàn toàn không nhận thấy. Glôcôm chỉ có thể được chẩn đoán chính xác thông qua các bài kiểm tra thị trường  và đánh giá tình trạng đầu dây thần kinh thị giác bởi các bác sĩ nhãn khoa. Nếu không được tầm soát kịp thời do sự chủ quan, người bệnh sẽ có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, việc thăm khám, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị là hết sức cần thiết, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Lầm tưởng 2: Glôcôm chỉ xảy ra ở người có nhãn áp cao

Sự thật: Nhãn áp trung bình giao động trong khoảng từ 8 đến 20 mmHg. Người mắc bệnh glôcôm thường có nhãn áp cao nhưng không phải tất cả những người có nhãn áp cao hơn mức trung bình đều bị glôcôm, tuy nhiên những người này cần được theo dõi một cách chặt chẽ tại các cơ sở nhãn khoa.  

Việc đánh giá nhãn áp cao hay thấp sẽ còn phù thuộc vào thể chất cũng như mắt của mỗi người. Áp lực nội nhãn (IOP) cao có thể là dấu hiệu của bệnh glôcôm hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh glôcôm. Những người có nhãn áp liên tục trên 27mm Hg thường phát triển bệnh glôcôm, trừ khi áp lực được giảm bớt nhờ thuốc.

kiem-tra-mat

Bên cạnh đó, một số thể bệnh glôcôm không gây nên tình trạng nhãn áp cao. Do vậy nhãn áp chỉ được coi là một yếu tố cần được tham khảo, để đánh giá mắt có bị glôcôm hay không cần thêm các chỉ số khác. Việc thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng bởi bác sỹ nhãn khoa là yếu tố cần thiết để đánh giá chính xác nguy cơ mắc glôcôm.

Lầm tưởng 3: Người bị Glôcôm đồng nghĩa với mù lòa 

Sự thật: Nếu được phát hiện và điều trị sớm, Glôcôm hoàn toàn có thể được kiểm soát, ngăn chặn được nguy cơ mù lòa.

Lầm tưởng 4: Glôcôm là bệnh lý có tính chất di truyền và chỉ xảy khi gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm

Sự thật: Glôcôm (cườm nước) là một bệnh lý có yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4-9 lần nếu bất kỳ ai trong gia đình cùng huyết thống, đặc biệt là ông bà, cha mẹ mắc bệnh này. Các bác sĩ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản khuyến cáo nếu gia đình có người được chẩn đoán bệnh glôcôm, bạn nên tầm soát bệnh và đi khám mắt toàn diện định kỳ 6 tháng/ lần. Bên cạnh đó, bệnh glôcôm còn có nguy cơ cao xảy ra ở những người ở độ tuổi ngoài 40; người cận thị cao trên 4 diop; người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp… 

Lầm tưởng 5: Các phương pháp phẫu thuật có thể hoàn toàn chữa trị được glôcôm

Sự thật: Hiện nay chưa có phương pháp này có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh glôcôm. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc, thủ thuật laser (laser cắt mống mắt chu biên, laser tạo hình vùng bè hoặc laser tạo hình góc tiền phòng) hoặc phẫu thuật (phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng) có thể giúp kiểm soát bệnh, làm chậm quá trình tiến triển, ngăn ngừa các biến chứng do glôcôm gây ra. 

Lầm tưởng 6: Các bài kiểm tra glôcôm thường đau và phức tạp

Sự thật: Để chẩn đoán glôcôm, bác sỹ nhãn khoa dựa vào 3 yếu tố chính là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường. Hai bài kiểm tra phổ biến nhất để phát hiện bệnh lý glôcôm bao gồm: 

Đo nhãn áp không tiếp xúc: đây là phương pháp đo không tiếp xúc, không chạm vào mắt mà sử dụng một luồng khí để làm phẳng giác mạc. Từ đó đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám, phát hiện tình trạng tăng nhãn áp.  
Soi đáy mắt: đây là bước giúp bác sĩ nhãn khoa kiểm tra dây thần kinh thị giác của người bệnh xem có bất kì tổn thương nào hay không. Đầu tiên, đồng tử được làm giãn bằng thuốc nhỏ mắt để giúp bác sĩ có thể soi đáy mắt, từ đó xem xét hình dạng và màu sắc của dây thần kinh thị giác. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị nhỏ có đầu đèn để chiếu sáng và phóng đại dây thần kinh thị giác. Bác sĩ có thể yêu cầu các khám nghiệm bổ sung như đo thị trường, chụp OCT vùng gai thị (đầu dây thần kinh thị giác) trong trường hợp nhãn áp của một người không nằm trong giới hạn bình thường hoặc dây thần kinh thị giác có vẻ bất thường.

Những tổn thương do glôcôm gây nên là không có khả năng hồi phục vì vậy đừng chủ quan trước những dấu hiệu bất thường ở thị lực. Người có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm cần được thăm khám và tầm soát sức khỏe mắt định kỳ. Với người bệnh glôcôm cần duy trì thăm khám theo lịch mà bác sĩ đã đưa ra để theo dõi thường xuyên tình trạng thị lực nhãn áp, khi thấy có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời.