GIẢI ĐÁP CÁC TRƯỜNG HỢP BỆNH GLÔCÔM ĐẶC BIỆT CÙNG TS. BS VŨ ANH TUẤN - GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN TẠI BỆNH VIỆN MẮT QUỐC TẾ NHẬT BẢN (PHẦN 2)
Một số trường hợp đặc biệt của những người mắc bệnh Glôcôm có thể kể đến như nhãn áp không ổn định sau điều trị, bị bệnh trong quá trình mang thai,... Liệu chúng có nguy hiểm không và làm cách nào để khắc phục? Hãy tìm hiểu ngay cùng TS. BS Vũ Anh Tuấn - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Glôcôm thông qua bài viết dưới đây!
1. Tôi được chẩn đoán mắc Glôcôm khi mang thai mới được 2 tháng. Việc sử dụng thuốc điều trị có ảnh hưởng gì tới thai nhi không? Liệu tôi có sinh thường được không? Con tôi liệu có mắc Glôcôm hay không?
Các thuốc điều trị Glôcôm cho đến nay chưa gây tác hại đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên ở giai đoạn cuối, khi sắp đến kỳ sinh nở, một số loại thuốc điều trị Glôcôm có thể làm ảnh hưởng đến trương lực cơ tử cung, dẫn đến việc co bóp tử cung kém, quá trình chuyển dạ có thể không được như ý muốn.
Trong trường hợp này, tùy theo diễn biến thực tế mà bác sĩ sản phụ khoa có thể quyết định phẫu thuật hoặc sinh thường cho bệnh nhân.
Bệnh Glôcôm đã được chứng minh là bệnh di truyền. Gen của bệnh Glôcôm là gen trội trên nhiễm sắc thể số 1 và có một số là gen phụ. Khi xác định gen gây bệnh, các nhà khoa học khẳng định đây là bệnh di truyền trội. Người bệnh có nguy cơ truyền bệnh cho con lên đến 50%.
2. Tôi được chẩn đoán mắc bệnh Glôcôm góc mở nguyên phát, đã được kê thuốc nhỏ nhãn áp và đã hạ nhãn áp xuống dưới 20. Hiện tại đôi lúc nhìn ánh đèn tôi vẫn thấy quầng sáng, cảm giác có màn sương mờ rất khó chịu. Xin hỏi về lâu dài bệnh của tôi có phát triển thêm không? Có cách nào để bệnh ngừng tiến triển không?
Với những trường hợp sử dụng thuốc, mà nhãn áp về dưới 20 mmHg thì đây chỉ là nhãn áp tại thời điểm đi khám.
Đặc thù của bệnh Glôcôm đó là nhãn áp có sự dao động rất lớn. Đặc biệt là rất nhiều người có nhãn áp cao về đêm. Khi đến khám với bác sĩ vào thời điểm ban ngày, nhãn áp có thể ở mức tương đối bình thường, nhưng buổi tối có thể tăng lên. Có một số thời điểm, mắt bệnh nhân sẽ nhức hơn, nhìn đèn có quầng, đó có thể là lúc nhãn áp tăng.
Để biết bệnh có tiến triển hay không, người bệnh cần theo dõi bằng cách đo thị trường và chụp OCT dây thần kinh thị giác theo định kỳ 2 - 3 tháng 1 lần. Nếu như bệnh có tiến triển, kết quả đo thị trường và chụp OCT không có sự thay đổi lớn, thì có thể đánh giá là bệnh đã ổn định.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, điều trị ổn định không có nghĩa là khỏi bệnh, mà nó chỉ làm bệnh không tiến triển thêm nhờ điều trị. Vì vậy, người bệnh cần duy trì quá trình điều trị đến suốt đời.
3. Tôi phát hiện mình bị Glôcôm góc đóng bán cấp cách đây 2 tháng. Tuy đã sử dụng thuốc nhưng vẫn thường xuyên bị đau đầu và nhức hốc mắt về đêm. Mỗi lần như vậy mắt lại xuất hiện quầng sáng và tạm thời mất đi thị lực, qua cơn đau thì lại trở về như bình thường. Xin hỏi bệnh này có thể chữa dứt điểm không? Tình trạng của tôi có cần thiệp đến phẫu thuật hay không?
Tình trạng nhãn áp dao động là hiện tượng phổ biến với bệnh Glôcôm. Có nghĩa là nhãn áp có thể bình thường vào lúc này, nhưng lại cao ở thời điểm khác. Nhãn áp tại thời điểm khám sẽ khác với thời điểm vào lúc nửa đêm hoặc sáng sớm.
Thời điểm người bệnh bị đau đầu, nhức hốc mắt, xuất hiện quầng sáng, tạm thời mất thị lực có thể là lúc nhãn áp tăng cao.
Để khẳng định điều này có đúng hay không, người bệnh có thể theo dõi 24h, đo nhãn áp liên tục trong suốt 1 ngày đêm, để tìm được thời điểm nhãn áp thường xuyên tăng cao.
Khi nhãn áp đôi lúc tăng cao, cũng đồng thời thể hiện rằng việc điều trị chưa được hoàn thiện, chưa đem lại đúng với nhãn áp đích mong muốn. Người bệnh có thể tham khảo đổi sang những loại thuốc có tác dụng kéo dài ban ngày lẫn ban đêm, hoặc điều trị bằng phẫu thuật.
4. Mắt tôi đã ổn định sau một thời gian điều trị Glôcôm thì có cần phải tiếp tục điều trị hay không? Tôi có phải điều trị Glôcôm cả đời không?
Điều trị bệnh Glôcôm phải tiến hành suốt đời vì đây là căn bệnh không bao giờ được chữa khỏi. Nếu như sau một thời gian, mắt đã ổn định mà người bệnh ngừng điều trị, ngừng đi khám, ngừng theo dõi thì đó là một sai lầm rất lớn. Người bệnh Glôcôm cần lưu ý phải theo dõi và điều trị suốt đời bệnh Glôcôm để bảo vệ thị lực.
5. Sau phẫu thuật điều trị Glôcôm, mắt tôi có thể khỏi bệnh và hết đau nhức không? Tôi có thể dừng sử dụng thuốc sau khi mổ không?
Việc phẫu thuật cũng là một phương pháp điều trị để hạ nhãn áp nếu như phẫu thuật thành công trọn vẹn. Sau phẫu thuật, nhãn áp sẽ ở mức an toàn, bệnh nhân sẽ không cần sử dụng thuốc nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trọn vẹn chỉ chiếm 60% đến 70%.
Còn lại một số trường hợp dù đã phẫu thuật, nhưng nhãn áp vẫn ở mức vừa, có thể hơi cao hoặc vẫn cao như trước mổ, và cần dùng thêm thuốc bổ sung. Bởi vậy, không nên quan niệm đã phẫu thuật thì sẽ khỏi hoàn toàn.
👉 Đừng bỏ lỡ cơ hội được MIỄN PHÍ KIỂM TRA NHÃN ÁP & NHẬN VOUCHER GÓI KHÁM TẦM SOÁT BỆNH GLÔCÔM qua chương trình “TẦM SOÁT SỚM, ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI” (Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm 12/3 - 18/3) tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản: https://by.com.vn/oXLWA