ĐỘ DÀY GIÁC MẠC – YẾU TỐ QUAN TRỌNG CẦN XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC TRONG PT CẬN THỊ
Với cơ chế thay đổi độ cong giác mạc để triệt tiêu độ khúc xạ, các phẫu thuật điều trị cận, viễn và loạn thị bằng tia laser sẽ tác động trực tiếp lên giác mạc để giúp người bệnh lấy lại thị lực. Là bộ phận đóng vai trò quan trọng tại mắt, giác mạc không chỉ là yếu tố quyết định khả năng thực hiện phẫu thuật mà còn phản ánh sức khỏe của mắt và chất lượng thị giác sau phẫu thuật. Nội dung dưới đây sẽ làm rõ hơn về vai trò của giác mạc và những thông tin cần lưu ý liên quan đến giác mạc khi quyết định phẫu thuật cận thị.
1. Vai trò của giác mạc
Giác mạc là một lớp màng trong suốt, trơn láng, rất dai, không có mạch máu, nằm ở phía trước của vỏ nhãn cầu và có vai trò thiết yếu với mắt:
- Giác mạc cùng với hốc mắt, mi mắt và củng mạc (lòng trắng) bảo vệ bề mặt nhãn cầu khỏi vi khuẩn và các dị vật khác.
- Giác mạc có tác dụng sàng lọc tia cực tím có hại cho mắt, tránh các tia này thâm nhập trực tiếp vào thủy tinh thể cũng như võng mạc phía sau.
- Hơn hết, giác mạc có chức năng đặc biệt giống như một thấu kính hội tụ các tia sáng đi vào mắt. Giác mạc chiếm 2/3 công suất khúc xạ của nhãn cầu. Để nhìn rõ, các tia sáng đến bề mặt nhãn cầu cần phải được hội tụ bởi giác mạc trước khi qua thủy tinh thể và rơi đúng vào võng mạc. Võng mạc sẽ chuyển hóa các tín hiệu ánh sáng này thành những xung thần kinh truyền đến não giúp con người nhận biết hình ảnh.
2. Tác động của phẫu thuật điều trị tật khúc xạ lên giác mạc
Để điều trị tật khúc xạ cận – viễn – loạn thị, việc tác động lên giác mạc bằng tia laser có nhiều ưu điểm do giác mạc có khả năng tự liền, vị trí giác mạc ở bề mặt dễ tiếp cận, can thiệp ngoại nhãn ít nguy cơ gây biến chứng. Hiện nay, các phẫu thuật sử dụng tia laser như SBK Lasik – Femtosecond lasik – Relex Smile đều có cơ chế chung là khắc phục tật khúc xạ bằng cách làm thay đổi độ cong giác mạc, qua đó triệt tiêu các tế bào nội mô và làm mỏng giác mạc. Độ khúc xạ càng cao thì giác mạc cần làm mỏng đi càng nhiều. Một ca phẫu thuật được cho là an toàn khi phần giác mạc còn lại sau phẫu thuật đủ độ dày để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt. Nếu phần còn lại quá mỏng, mắt sau phẫu thuật dễ gặp các nguy cơ như giãn lồi giãn mạc, khô mắt, tái cận. Chính vì vậy, việc đo lường đúng độ dày giác mạc trước phẫu thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định mắt có đủ điều kiện để phẫu thuật điều trị hay không và phương pháp phẫu thuật nào tối ưu nhất cho đôi mắt.
3. Quy trình xác định thông số độ dày giác mạc tối ưu
Hiểu được tầm quan trọng của giác mạc, tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, chúng tôi áp dụng quy trình kiểm tra độ dày giác mạc hết sức chặt chẽ, hạn chế tối đa sai số thông qua nhiều bước đo với các thiết bị máy móc khác nhau:
- Máy chụp khúc xạ tự động cho biết thông số khúc xạ và độ dày giác mạc trung bình
- Máy đếm tế bào nội mô cho biết số lượng tế bào nội mô và độ dày vùng trung tâm giác mạc
- Hệ thống máy Atlas kết nối Visante chụp bản đồ giác mạc cho biết hình dạng, độ cong và độ dày giác mạc từ vùng rìa vào vùng trung tâm
Từ các thông số trên, bác sỹ sẽ lấy giá trị thấp nhất tại vùng trung tâm giác mạc làm cơ sở thực hiện phẫu thuật để đảm bảo rằng nếu phần mỏng nhất của giác mạc cũng đáp ứng điều kiện an toàn thì các phần còn lại dày hơn chắc chắn sẽ thỏa mãn. Theo quy chuẩn chung quốc tế, độ dày giác mạc còn lại sau phẫu thuật an toàn khi ở mức 380µm. Tuy nhiên, để đảm đảm bảo chất lượng đầu ra, các bác sỹ tại bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản thường khắt khe hơn khi tính toán mức tối thiểu khoảng 400µm và khuyến cáo bệnh nhân về rủi ro cũng như hạn chế trong tái điều trị cận thị nếu để lại giác mạc quá mỏng.
Để giúp bạn tìm hiểu thêm về phẫu thuật cận thị và tình trạng của mắt của bạn, Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản tổ chức khám chuyên sâu miễn phí trước phẫu thuật cận thị vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Đến với Diễn đàn Lasik & Phakic, bạn sẽ được trải nghiệm quy trình thăm khám và dịch vụ đạt tiêu chuẩn Nhật Bản và trò chuyện trực tiếp với Bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm.