ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM, ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ

18/07/2022

      Glôcô m đứng thứ  2 trong các nguyên nhân gây mù lòa, chỉ sau đục thủy tinh thể. Glôcôm là bệnh lý thường gặp ở người trên 60 tuổi, nhưng bệnh vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi độ tuổi nào. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể hoàn toàn điều trị được glôcôm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hầu hết các ca bệnh đều có thể được kiểm soát thành công

Bệnh glôcôm là gì?

Glôcôm là bệnh lý liên quan tới sự tổn thương của các dây thần kinh thị giác ở mắt, đây là các dây thần kinh quan trọng mang tín hiệu thị giác từ võng mạc đến não, cho phép chúng ta nhìn thấy mọi thứ. Khi bệnh nhân mắc glôcôm, các dây thần kinh thị giác bị tổn thương từ từ, dẫn đến mất thị lực dần dần, khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn. Bởi những tổn thương mà glôcôm gây ra thường âm thầm, bệnh thường không có triệu chứng và không được chú ý cho đến khi quá muộn. 

 

Bệnh glôcôm thường liên quan đến tăng áp lực bên trong mắt. Bình thường trong mắt luôn có sự cân bằng giữa lượng dịch (thủy dịch) được tiết ra từ thể mi và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài qua một bộ phận gọi là vùng bè. Khi đường dẫn lưu ra ngoài bị cản trở sẽ gây ra tăng áp lực trong mắt và gây tổn hại lên dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh glôcôm. Glôcôm thường được phân loại thành 2 thể là glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. 

Glôcôm đóng thường xảy ra do tượng nghẽn đồng tử, khiến thủy dịch (một chất lỏng tự nhiên được sản xuất liên tục ở mặt trước của mắt) bị cản trở không lưu thông, gây nên tình trạng nhãn áp trong mắt tăng cao. Trong khi đó, glôcôm góc mở thường do quá trình xơ hóa vùng bè hoặc do sự chênh lệch áp lực tiền phòng, khiến thủy dịch không thể lưu thông.

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh glôcôm

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc glôcôm bao gồm:

  • Người trên 40 tuổi
  • Người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch
  • Người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
  • Người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, 
  • Người có tiền sử chấn thương ở mắt và người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc glôcôm).

Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý glôcôm với 6 bước tiêu chuẩn

tam-soat-glocom

Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, theo lời khuyên Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu là người bệnh, đặc biệt là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần chủ động trong việc tầm soát và thăm khám mắt định kỳ. Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, tầm soát bệnh lý glôcôm sẽ bao gồm 6 bước tiêu chuẩn: 

  • Bước 1: Đo khúc xạ tự động.
  • Bước 2: Đo nhãn áp bằng thiết bị đo nhãn áp không tiếp xúc, đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám, phát hiện tình trạng tăng nhãn áp (nếu có).
  • Bước 3: Kiểm tra thị lực. Bệnh nhân được kiểm tra thị lực trên bảng thử kết hợp với nhiều bài test thị lực khác (test xanh đỏ, test độ tương phản, test 4 điểm …) giúp đánh giá thị lực tối đa của mắt và mức độ ảnh hưởng về thị lực do bệnh glôcôm (nếu có).
  • Bước 4: Kiểm tra thị trường. Máy chụp thị trường tự động giúp đánh giá thị trường nhằm phát hiện, theo dõi tiến triển của bệnh lý glôcôm cũng như những tổn thương về thị trường gây ra bởi hệ thần kinh
  • Bước 5: Chụp OCT 3D – cắt lớp bán phần sau (chụp cắt lớp phân tích gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc)
  • Bước 6: Khám bác sĩ. Dựa trên các kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh glôcôm, mức độ bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

Điều trị glôcôm với các phương pháp hiện đại và tiên tiến. 

Glôcôm là một bệnh lý nghiêm trọng và không thể điều trị dứt điểm, nhưng hiện nay với sự phát triển của y học công nghệ, bệnh nhân mắc bệnh glôcôm có nhiều lựa chọn hơn về các phương pháp điều trị bệnh và nếu nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hầu hết bệnh nhân đều có thể kiểm soát được bệnh lý, giúp bảo vệ được thị lực.

Sử dụng thuốc thông thường là giải pháp điều trị đầu tiên dành cho người mắc bệnh glôcôm Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc nhỏ mắt, trong một vài trường hợp sẽ kết hợp với thuốc uống để hạ nhãn áp của mắt. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng ở mắt, châm chích, mẩn đỏ, khô mắt. Vậy nên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống để giúp làm giảm tiết thuỷ dịch trong mắt. Người bệnh cũng cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng, việc tự ý ngưng sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị. 

Điều trị bằng laser và phẫu thuật cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để điều trị glôcôm. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser hoặc phẫu thuật khác nhau như laser cắt mống mắt chu biên, laser tạo hình vùng bè hoặc laser tạo hình góc tiền phòng, phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng. Mục đích của các phương pháp này là tạo đường thoát cho thủy dịch, làm ổn định áp suất trong mắt.

Nghiên cứu về bệnh lý glôcôm vẫn đang được thực hiện với mục đích giúp chúng ta hiểu hơn về nguyên nhân gây bệnh, phát triển các phương pháp điều trị được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, cải tiến giúp phẫu thuật an toàn và mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị.  

Điều quan trọng là người có nguy cơ mắc bệnh glôcôm cần được thăm khám và tầm soát sức khỏe mắt định kì. Với người bệnh glôcôm cần duy trì thăm khám theo lịch mà bác sĩ đã đưa ra để theo dõi thường xuyên tình trạng thị lực nhãn áp, khi thấy có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời.