DỊ ỨNG MẮT – BIỂU HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
Dị ứng mắt là một bệnh về mắt khá phổ biến, đặc biệt là nơi có khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Bệnh gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt cho người bệnh. Việc xác định chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp sẽ làm giảm tình trạng bệnh, tránh các biến chứng xấu cho mắt.
Dị ứng mắt xảy ra khi mắt phản ứng với chất kích thích - những chất này gọi là dị nguyên. Hệ thống miễn dịch luôn làm việc để bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể chống lại các yếu tố có hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn… Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch tạo ra các chất chống lại dị nguyên, các chất này vô hại với cơ thể nhưng lại dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa mắt, đỏ và chảy nước mắt, và đó chính là hiện tượng dị ứng mắt.
Dị ứng mắt có triệu chứng rõ ràng, phổ biến như:
- Ngứa mắt nhiều không giảm
- Cảm giác nóng rát tại mắt
- Chảy nước mắt
- Đỏ mắt
- Có gỉ xung quanh mắt
- Mí mắt sưng tấy
Tình trạng này có thể xảy ra ở cả một hoặc hai mắt. Trong một số trường hợp, người bệnh vị viêm mũ dị ứng thì các triệu chứng tại mắt này có thể kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi.
Dị ứng mắt do gặp phải một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông thú, thức ăn, thuốc nhỏ mắt không phù hợp…
Dị ứng mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bệnh xảy ra phổ biến hơn vào mùa xuân, hè khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ, và xảy ra chủ yếu ở người có cơ địa dị ứng.
Viêm kết mạc dị ứng: Đây là bệnh dễ gặp nhất với triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, sưng tấy mí mắt…
- Viêm giác mạc do dị ứng với những yếu tố nội sinh như viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao – xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus thủy đậu, zona… Ngoài ra còn có viêm giác mạc do viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc.
- Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên vào được bên trong nhãn cầu nhưng chúng ta vẫn gặp các bệnh lý dị ứng. Viêm bên trong nhãn cầu có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như viêm màng bồ đào, glocom..…
- Bệnh dị ứng mắt đi kèm với dị ứng của các cơ quan khác như viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, thuốc, hen…
- Khi có dấu hiệu bị dị ứng mắt nhẹ, người bệnh có thể tra nước mắt nhân tạo, chườm lạnh để giảm triệu chứng phù mi, ngứa và kích thích do lạnh sẽ làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.
- Tuyệt đối không dụi mắt vì dễ gây trầy xước giác mạc khiên bệnh nặng hơn.
- Sử dụng thuốc điều trị mắt cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc theo đơn của bác sĩ. Một số thuốc có thể sử dụng khi bị dị ứng mắt:
- Nước mắt nhân tạo (NMNT): nhỏ NMNTcó thể giúp làm giảm dị ứng mắt tạm thời bằng cách rửa chất gây dị ứng từ mắt, giảm khô, giảm kích thích mắt.
- Thuốc thông mũi (có hoặc không có thuốc kháng histamin) có tác dụng giảm đỏ mắt với dị ứng.
- Thuốc kháng histamin đường uống: làm giảm ngứa mắt, tuy nhiên chúng có thể làm cho mắt bị khô và thậm chí các triệu chứng dị ứng mắt trở nên tệ hơn.
- Thuốc nhỏ mắt steroid có thể giúp điều trị các triệu chứng dị ứng mắt mãn tính và nghiêm trọng như ngứa, tấy đỏ và sưng.
Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa mắt khi nghi bị dị ứng mắt để được bác sĩ điều trị và kê đơn thuốc phù hợp, tránh tự ý đi mua thuốc để điều trị có thể khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
- Với những người dễ mắc bệnh dị ứng, cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên, các chất kích thích được cho là có khả năng gây dị ứng mắt.
- Giữ vệ sinh tay, mặt, hạn chế cho tay lên mắt để tránh bị bụi bẩn dây vào mắt gây nên dị ứng hoặc các bệnh viêm nhiễm khác tại mắt
- Giữ vệ sinh nơi ở, sạch sẽ, thoáng mát.
- Khi ra ngoài đường nên đeo kính chắn gió, bụi để mắt được thoải mái, sạch sẽ hơn. Tra nước mắt nhân tạo hàng ngày để làm sạch và cấp ẩm cho mắt.
Bệnh dị ứng tại mắt không khó điều trị, tuy nhiên người bệnh cần chú ý đến các biểu hiện và đi khám sớm, tránh tự chữa hoặc không điều trị kịp thời sẽ gặp các biến chứng không đáng có cho đôi mắt.