ĐEO KÍNH SAI SỐ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC PHẪU THUẬT CẬN THỊ HAY KHÔNG?
Đeo kính gọng là phương pháp ra đời sớm nhất, và phổ biến nhất hiện nay giúp người có tật khúc xạ cận – viễn – loạn thị cải thiện thị lực. Tuy nhiên đeo kính như thế nào là đúng và hỗ trợ tối đa nhất trong việc cải thiện thị lực cũng như hạn chế tối đa sự khó chịu có thể gây ra do kính, thì không phải người sử dụng kính nào cũng nắm rõ.
Tầm nhìn không rõ ràng của người mắc tật khúc xạ là do hình ảnh hội tụ trước, sau võng mạc hoặc không đồng đều trên võng mạc khiến người bệnh không nhìn được những vật ở quá gần, quá xa hoặc hình ảnh thu nhận được bị méo mó. Một cặp kính mang thông số khúc xạ phù hợp, sẽ điều chỉnh hình ảnh hội tụ tại một điểm ngay trên võng mạc giống như mắt chính thị, qua đó giúp người mắc tật khúc xạ có tầm nhìn rõ nét hơn.
Tuy nhiên, theo quan niệm cũ, nhiều người cho rằng đeo kính nhẹ hơn so với độ cận thực tế của mình hoặc chỉ đeo kính khi làm việc/học tập sẽ giúp hạn chế tăng số nhanh. Đây là quan niệm chưa chính xác
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Anh Tuấn, không đeo kính, đeo kính số thấp hay số cao quá cũng đều dẫn tới tình trạng mắt phải điều tiết để bù đắp phần thiếu hụt hoặc dư thừa so với tự nhiên, vô hình chung đã tạo áp lực liên tục lên đôi mắt. Việc đeo kính không đúng số thường xuyên sẽ khiến mắt nhanh mệt mỏi, hoạt động quá tải, lâu dần có thể khiến mắt tăng số nhanh.
Một trong những điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện phẫu thuật khúc xạ là sự ổn định của độ khúc xạ nhằm hạn chế tối đa việc tái cận sau phẫu thuật, bởi vậy việc thị lực không ổn định do đeo kính không đúng số có thể ảnh hưởng đến việc phẫu thuật cận thị. Bên cạnh đó, nếu việc đeo kính sai số bắt đầu từ khi còn nhỏ và kéo dài mà không được điều chỉnh, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điều tiết hoặc thậm chí là nhược thị - tình trạng suy giảm thị lực không thể cải thiện. Phẫu thuật cận thị trên mắt nhược thị sẽ không mang lại hiệu quả tối đa do tiên lượng sau phẫu thuật chỉ bằng thị lực chỉnh kính tối đa trước phẫu thuật
Đeo kính sai số thời gian dài, cần làm gì để có thể phẫu thuật cận thị?
Việc đầu tiên bệnh nhân cần làm là tới các cơ sở nhãn khoa uy tín để được kiểm tra thông số khúc xạ của bản thân một cách chính xác nhất. Từ các thông số này, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thị lực và sẽ kê lại một đơn kính có số độ đúng, thích hợp hơn cho người bệnh.
Mắt sẽ cần từ một tới hai tuần để có thể làm quen với số kính đúng, trong thời gian này não sẽ làm quen dần với việc xử lý hình ảnh. Mắt bệnh nhân có thể cảm thấy hơi mỏi và tầm nhìn có thể bị mờ hoặc có thể thấy hiện tượng song thị. Tuy nhiên không cần quá lo lắng vì đây là những hiện tượng bình thường trong vài ngày hoặc tuần đầu tiên người bệnh sử dụng kính mới. Trong trường hợp những hiện tượng này không cải thiện, người bệnh cần tới cơ sở nhãn khoa để được kiểm tra lại và có thể thay đổi đơn kính phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo độ khúc xạ được đo đạc một cách chính xác nhất, tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản người bệnh cũng sẽ được nhỏ liệt điều tiết. Thông thường, thuốc LĐT sẽ phát huy hiệu quả sau 45-60 phút, sau đó bạn sẽ được kiểm tra thị lực để tìm độ khúc xạ chính xác nhất, loại bỏ yếu tố cận thị giả hay tăng độ do mắt phải điều tiết quá nhiều.
Độ cận là bao nhiêu thì nên bắt đầu đeo kính?
Việc đeo kính khi bị cận thị là cần thiết cho dù độ cận nhỏ (≤ 0.75 độ) cũng ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
- Độ cận 0.25 - 0.50: là độ cận thị nhỏ, chưa cần đeo kính cận.
- Độ cận 0.75 độ là mức cận thị mà bệnh nhân nên bắt đầu đeo kính khi nhìn xa
- Độ cận 1.00 độ: bắt buộc phải đeo kính khi làm các công việc đòi hỏi tầm nhìn xa như tài xế lái xe, công an… Ở các cự ly gần như đọc sách, xem điện thoại… việc đeo kính có thể không bắt buộc mà phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân.
- Độ cận 1.50 là độ cận nên đeo kính để tránh ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
- Độ cận 2.00 độ trở lên là độ cận bắt buộc phải đeo kính khi học tập và làm việc.
Ngoài ra, nên đeo kính hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu công việc, học tập của người bệnh. Với những ngành nghề đặc thù cần nhìn nhiều chi tiết như tài xế yêu cầu thị lực nhìn xa 10/10, dù độ cận có nhẹ cũng cần phải đeo kính.Trong một số trường hợp, kính có thể được điều chỉnh thấp độ hơn (từ 0.5 -0.75 độ) để người bệnh có thể làm quen và thích nghi với kính, sau đó được điều chỉnh lại với số độ đúng.
Bên cạnh đó, từ 3 – 6 tháng/lần, người bị cận thị nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám mắt định kỳ và đo thị lực, điều này giúp người cận thị kịp thời điều chỉnh kính cho phù hợp với độ cận và được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc mắt phù hợp, hỗ trợ điều trị cận thị hiệu quả. Khám mắt định kỳ giúp tránh được việc đeo kính sai độ - một trong những nguyên nhân nguy hiểm hàng đầu dẫn đến mắt bị tăng độ nhanh, thậm chí là nhược thị, lác mắt...