CÓ NÊN PHẪU THUẬT KHÚC XẠ KHI ĐANG MANG THAI? 

11/07/2022

Khi có mong muốn giải phóng đôi mắt cận khỏi cặp kính vướng víu bằng phẫu thuật cận thị, chắc hẳn người bệnh nào cũng có ít nhiều những thắc mắc xung quanh ca phẫu thuật. Trong đó câu hỏi “ có thể phẫu thuật khúc xạ khi đang mang thai không?” là một trong những khúc mắc được khá nhiều người bệnh quan tâm đặc biệt là đối với các phái nữ. Trong bài viết ngày hôm nay, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

Phẫu thuật khúc xạ trong thời kỳ mang thai có an toàn? 

Mang thai là thời kỳ cơ thể trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố và thể chất. Theo Hiệp Hội Nhãn Khoa Mỹ (AAO), một số phụ nữ gặp phải những thay đổi về thị lực trong thời kỳ mang thai cũng như trong 6 tháng đầu tiên khi cho con bú. Việc thị lực thay đổi này có thể chỉ xảy ra trong một thời điểm nhất định, tuy nhiên cũng có trường hợp thị lực bị thay đổi vĩnh viễn và rất khó để bác sĩ nhãn khoa có thể xác định được trường hợp nào là tạm thời và trường hợp nào là người bệnh có thị lực thay đổi mãi mãi. Bên cạnh đó trong thời kỳ mang thai khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến giác mạc thay đổi hình dạng như độ dày và độ cong của giác mạc có thể tăng lên, từ đó khiến độ khúc xạ (cận-viễn-loạn) không ổn định. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả thị lực sau phẫu thuật khi các thông số mắt được đo đạc tại thời điểm người bệnh mang thai không phải là kết quả chính xác nhất. Nếu thực hiện phẫu thuật ở thời điểm này thì dù trong ca phẫu thuật đã triệt tiêu hết độ khúc xạ, nguy cơ tái cận vẫn sẽ là rất lớn. 

Hiệp Hội Nhãn Khoa Mỹ (AAO) cũng chỉ ra rằng mang thai có thể khiến mắt của phụ nữ trở nên khô hơn. Trong khi đó, các phương pháp phẫu thuật khúc xạ đặc biệt là phẫu thuật Lasik sẽ tác động đến các sợi thần kinh cảm thụ dưới bề mặt giác mạc, làm ảnh hưởng tới cung phản xạ chế tiết nước mắt, từ đó có thể gây nên hiện tượng khô mắt. Do vậy, với tình trạng khô mắt khi mang thai mà vẫn quyết định phẫu thuật thì hiện tượng khô mắt sau phẫu thuật khúc xạ có thể trở nên tệ hơn cũng như khiến quá trình hồi phục của mắt có thể lâu hơn. 

Một điểm nữa cần lưu ý đó là các loại thuốc người bệnh sẽ cần sử dụng sau phẫu thuật khúc xạ như thuốc kháng sinh, thuốc steroid dù được sử dụng với một lượng nhỏ nhưng vẫn có thể không an toàn cho sự phát triển của thai nhi.

Phẫu thuật khúc xạ có phù hợp với phụ nữ đang cho con bú? 

Theo các bác sĩ, ngay sau khi sinh con, phụ nữ cũng chưa nên thực hiện phẫu thuật khúc xạ ngay lập tức. Một nghiên cứu được công bố trên Ophthalmology and Therapy vào năm 2019 cho thấy việc cho con bú có thể dẫn đến những thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến cấu trúc giác mạc, giống như trong thai kỳ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phẫu thuật khúc xạ không nên được thực hiện trên phụ nữ sau sinh cho đến khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Các điều kiện này bao gồm:

  • Ngừng tiết sữa mẹ
  • Kinh nguyệt thông thường trở lại
  • Độ khúc xạ ổn định 

Vậy thời điểm nào là thích hợp để phẫu thuật khúc xạ với phụ nữ mang thai? 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, nếu người bệnh mắc tật khúc xạ có mong muốn thực hiện phẫu thuật điều trị cận-viễn-loạn, thì họ nên thực hiện phẫu thuật trước dự định có bầu khoản 3 tháng hoặc sau khi sinh con ít nhất 6 tháng. Ngoài ra, Hiệp Hội Nhãn Khoa Mỹ (AAO) cũng cho biết, người bệnh cũng nên đợi ít nhất một tháng sau phẫu thuật khúc xạ trước khi quyết định mang thai để đảm bảo thị lực cũng như mắt của bạn đã hoàn toàn bình phục.  

Một số trường hợp phẫu thuật khúc xạ có thể thực hiện ở phụ nữ mang thai:

  • Bệnh nhân đã hiểu cũng như đồng ý về những lợi ích, hạn chế và nguy cơ có thể gặp phải của việc phẫu thuật tật khúc xạ trong khi mang thai và được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật. 
  • Độ khúc xạ ổn định và không thay đổi trong vòng 1 năm 
  • Không phát hiện các vấn đề nào khác ở mắt có thể ảnh hưởng tới kết quả của thị lực
  • Bệnh nhân hiểu sẽ cần hạn chế hoặc sử dụng một số loại thuốc kháng viêm và kháng sinh khác sau phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho thai nhi. 

Bản thân phẫu thuật điều trị tật khúc xạ không ảnh hưởng đến sinh nở. Tuy nhiên, ở phụ nữ đang mang thai và sau sinh khoảng 6 tháng đầu, nội tiết tố và chế độ sinh hoạt thay đổi khiến cho thị lực không ổn định, ít nhiều có khả năng gây sai số khi kiểm tra mắt. Do vậy, nếu người bệnh có dự định mang thai hoặc sau khi sinh và có mong muốn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, hãy tới các cơ sở chuyên khoa mắt để được kiểm tra các thông số mắt cũng như nghe tư vấn từ bác sĩ một cách chính xác nhất. 

kham-chuyen-sau-truoc-mo-can

Để giúp người bệnh tìm hiểu thêm về phẫu thuật cận thị và tình trạng của mắt, Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản mang tới gói khám chuyên sâu miễn phí trước phẫu thuật cận thị vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Đến với Diễn đàn Lasik & Phakic, người bệnh sẽ được trải nghiệm quy trình thăm khám và dịch vụ đạt tiêu chuẩn Nhật Bản cũng như trò chuyện trực tiếp với Bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm.