BỆNH LÝ GLÔCÔM VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT 

03/03/2022

Glôcôm thường xuất hiện âm thầm, gây tổn thương đến mắt, khả năng phục hồi của người bệnh thấp nếu không được điều trị kịp thời. Glôcôm còn được coi như là "kẻ cắp ánh sáng" bởi tính nghiêm trọng và nguy cơ cao dẫn đến mù lòa.

Những triệu chứng của Glôcôm

1. Bệnh glôcôm góc mở, bệnh glôcôm góc mở mãn tính (COAG), Bệnh glôcôm góc mở nguyên phát

Bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, lần lượt qua từng giai đoạn, thị lực bị suy giảm dần nên bệnh nhân hoàn toàn không nhận thấy và thường đến khám ở giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng. Đa số người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều. Có những người bệnh nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng. Những triệu chứng trên thường không rõ ràng nên bệnh nhân ít để ý đến.

2. Bệnh glôcôm góc đóng cấp tính

Tỷ lệ gặp tương đương glaucoma góc mở. Tuổi thường gặp glaucoma góc đóng là từ 35 tuổi trở lên. Tuổi càng cao, khả năng bị glaucoma càng lớn. Ở giai đoạn sơ phát, bệnh nhân có những cơn tăng nhãn áp thường xuất hiện về chiều tối, sau khi làm việc mệt mỏi, sau lo âu hoặc có những chấn động về tinh thần, tình cảm.... Các triệu chứng thường có thể kể đến như: 

  • Đau mắt dữ dội
  • Đỏ mắt
  • Nhức đầu (cùng bên với mắt bị ảnh hưởng)
  • Nhìn mờ 
  • Thấy quầng sáng xung quanh đèn,
  • Có cảm giác buồn nôn

glocom-dau-hieu

Glôcôm góc đóng là tình trạng cấp cứu của nhãn khoa, người bệnh cần được điều trị nhanh chóng. Tổn thương dây thần kinh thị giác có thể bắt đầu trong vòng vài giờ và nếu không được điều trị trong vòng 6 đến 12 giờ, nó có thể gây mất thị lực hoặc mù vĩnh viễn 

3. Bệnh glôcôm bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Glôcôm không phải là bệnh phổ biến ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh này 1/10.000 và 65% bệnh nhân là bé trai. Hiện tại không có cách phòng ngừa bệnh lý này mà chỉ có thể phát hiện sớm các triệu chứng để từ đó trẻ được điều trị theo các phương pháp phù hợp, tránh dẫn tới mù lòa.  Các triệu chứng bao gồm:

  • Chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, co giật mí mắt
  • Tăng kích thước giác mạc. Nếu trẻ bị sưng, nặng mắt hoặc có thay đổi trong mắt cần tới các cơ sở nhãn khoa để được thăm khám kịp thời.
  • Trẻ có thói quen dụi mắt, nheo mắt hoặc nhắm nghiền mắt

4. Bệnh glôcôm thứ phát và các dạng khác

Các triệu chứng phụ thuộc của bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng nhãn áp ở mắt. Đối với người mắc viêm màng bồ đào, triệu chứng có thể là nhìn thấy quầng sáng, sợ ánh sáng chói. Đối với người có chấn thương ở mắt như phù giác mạc, chảy máu hay bong võng mạc, thì các triệu chứng của glôcôm sẽ khó phát hiện hơn. 

Nếu nguyên nhân gây ra glôcôm là do đục thủy tinh thể, thị lực của bệnh nhân có thể giảm sút trong một thời gian dài. Nếu người bệnh có tiền sử chấn thương ở mắt, bị đục thủy tinh thể nặng hay bị viêm ở mắt, bác sĩ sẽ kiểm tra để chắc chắn mắt người bệnh không có hiện tượng tăng nhãn áp. Một nguyên nhân phổ biến khác của bệnh glôcôm thứ phát là do sử dụng steroid tại chỗ hoặc toàn thân.

Làm cách nào để biết mình bị bệnh?

Glôcôm có thể được phát hiện thông qua các bài kiểm tra đánh giá thị lực. Bác sĩ nhãn khoa sẽ đo nhãn áp bằng một thiết bị gọi là áp kế. Nhãn áp cao hơn bình thường không đồng nghĩa với việc đã mắc bệnh glôcôm. Trên thực tế, ở một số bệnh nhân có nhãn áp bình thường cũng có thể mắc glôcôm. Nếu nhãn áp cao mà không làm tổn thương dây thần kinh thị giác thì bệnh lý này được gọi là tăng nhãn huyết áp đơn thuần và người bệnh chỉ cần thăm khám mắt định kỳ.

kham-glocom

Trong trường hợp, người bệnh nghi ngờ mắc glôcôm, bác sĩ sẽ kiểm tra dây thần kinh thị giác của người bệnh để tìm các dấu hiệu tổn thương. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần phải thực hiện bài kiểm tra về tầm nhìn ngoại vi, chụp OCT để được chẩn đoán chính xác hơn. 

Khi nào cần liên hệ các cơ sở nhãn khoa?

  • Mắt bị đau và đỏ: đây có thể là dấu hiệu của glôcôm góc hẹp cấp tính, viêm, nhiễm trùng hoặc các tình trạng mắt nghiêm trọng khác. Người bệnh có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương mắt vĩnh viễn hoặc mù lòa.
  • Cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hoặc khó thở sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Việc sử dụng các loại thuốc này có thể không phù hợp với một số bệnh nhân và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim hoặc phổi
  • Ngoài ra,  một số loại thuốc, ngay cả thuốc không kê đơn - đặc biệt là những loại được sử dụng để điều trị tắc nghẽn xoang và cảm lạnh, rối loạn dạ dày và ruột - có thể gây ra glôcôm góc đóng cấp tính. Mang theo danh sách tất cả các loại thuốc của bạn đến bác sĩ nhãn khoa.