5 DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH GLÔCÔM KHÔNG NÊN BỎ QUA
Glôcôm được mệnh danh là kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng bởi đây là bệnh lý hình thành và phát triển với những dấu hiệu không rõ ràng, khó nhận ra, dẫn đến tình trạng bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, glôcôm hiện là nguyên nhân gây mất thị lực vĩnh viễn phổ biến đứng thứ hai ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ liệt kê 5 dấu hiệu và triệu chứng mà mỗi người cần chú ý để thăm khám kịp thời.
Bệnh glôcôm là gì?
Bệnh glôcôm (Glaucoma) còn có các tên gọi khác như: bệnh tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước. Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản cho biết glôcôm thường được phân loại thành 2 thể là glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. Glôcôm đóng thường xảy ra do tượng nghẽn đồng tử, khiến thủy dịch (một chất lỏng tự nhiên được sản xuất liên tục ở mặt trước của mắt) bị cản trở không lưu thông, gây nên tình trạng nhãn áp trong mắt tăng cao. Trong khi đó, glôcôm góc mở thường do quá trình xơ hóa vùng bè hoặc do sự chênh lệch áp lực tiền phòng, khiến thủy dịch không thể lưu thông.
Nhóm nguy cơ mắc bệnh glôcôm bao gồm:
- Người trên 40 tuổi
- Người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch
- Người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
- Người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài,
- Người có tiền sử chấn thương ở mắt và người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc glôcôm).
5 dấu hiệu cảnh báo bệnh glôcôm cần lưu ý:
Đau đầu
Các trường hợp glôcôm cấp tính thường có thể dẫn tới đau đầu do hệ thống lưu thông thủy dịch trong mắt bị tắc nghẽn khiến nhãn áp trong mắt tăng nhanh chóng. Đau đầu liên quan đến tăng nhãn áp có thể được cảm thấy ở hoặc xung quanh trán hoặc mắt. Người bị glôcôm có thể đau đầu với cường độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Đồng thời, nôn và buồn nôn có thể kèm theo cơn đau đầu.
Thị lực giảm kèm cơn đau ở mắt
Đối với người mắc bệnh glôcôm, người trong nhóm nguy cơ hoặc nếu người bệnh được chẩn đoán có góc tiền phòng hẹp, cần lưu ý tới các triệu chứng giảm thị lực kèm cơn đau (thường là ở một mắt). Những cơn đau thường dữ dội và đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn. Đây là những dấu hiệu khi áp lực nội nhãn tăng cao trong mắt và thường là dấu hiệu bệnh glôcôm cấp tính. Khi những triệu chứng này xảy ra người bệnh cần phải tới ngay các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và kiểm tra nhãn áp, từ đó bác sĩ có thể đưa ra các hướng điều trị kịp thời.
Nhạy cảm với ánh sáng
Việc cảm thấy sợ hoặc nhạy cảm với ánh sáng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng tại mắt trong đó có bệnh glôcôm. Cần đi khám mắt ngay khi có dấu hiệu này .
Mắt đỏ
Mắt đỏ hầu hết là dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc - bệnh lý thường xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên, mắt đỏ đi kèm với các triệu chứng đau dữ dội ở mắt, buồn nôn, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh glôcôm góc đóng.
Nhìn thấy quầng xanh, đỏ
Đột ngột nhìn thấy quầng xanh, đỏ xung quanh đèn là một trong những triệu chứng của bệnh glôcôm góc đóng cấp tính. Glôcôm góc đóng cấp tính khiến cho áp lực nội nhãn tăng lên nhanh chóng, gây ra những triệu chứng như mắt cảm thấy đau hoặc khó chịu từng đợt ngắn, thị lực mờ đi và nhìn thấy quầng sáng. Người bệnh cũng có thể nhận ra hiện tượng quầng sáng này rõ ràng hơn vào ban đêm hay khi đồng tử của mắt lớn. Nếu người bệnh nhìn thấy quầng sáng xanh đỏ đi cùng các triệu chứng như đau mắt dữ dội, buồn nôn, đau đầu thì cần tới ngay các cơ sở nhãn khoa để được thăm khám kịp thời.
Tầm soát và điều trị bệnh glôcôm
Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, việc thăm khám, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị là hết sức cần thiết. Theo lời khuyên của Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu là bệnh nhân, đặc biệt là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần chủ động trong việc tầm soát và thăm khám mắt định kỳ. Cụ thể đối với người từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám mắt với tần suất 1 năm/ lần, 6 tháng/lần với người có người thân mắc bệnh glôcôm.
Gói khám glôcôm tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản với các bước thăm khám toàn diện và chuyên sâu sẽ giúp bệnh nhân tầm soát nguy cơ mắc bệnh và nhận chỉ định điều trị kịp thời. Bác sỹ nhãn khoa dựa vào 3 yếu tố chính là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường để đánh giá nguy cơ mắc bệnh glôcôm, mức độ bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Glôcôm không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết đều có thể được kiểm soát thành công. Tùy từng dạng glôcôm mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị glôcôm phù hợp như kết hợp điều trị thuốc và dùng laser hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng là người bệnh cần được kiểm tra nhãn áp định kỳ, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo hẹn để duy trì sự ổn định của nhãn áp.