CHIA SẺ CỦA NHÀ VĂN CHU LAI SAU PHẪU THUẬT THỦY TINH THỂ
Lâu nay do tính lười, lại thêm qúa tự tin về thể tạng trời cho của mình nên tôi hầu như không để ý gì đến mắt mũi, bởi vẫn đi lại, viết lách bình thường dù thi thoảng lại phải ra hiệu nâng cấp đôi mắt kính lên một vài Diop. Lười và tự tin đến nỗi có lần vào viện thăm bà xã mổ sỏi thận, gặp một nữ bác sĩ cao như người mẫu cùng câu trách: ”Anh là lười vào khám bệnh định kỳ lắm đấy nhé!” Thế là bèn trả lời như sáo tắm: ”Con đường đẹp nhất của một thằng đàn ông là con đường đi thẳng từ nhà riêng đến nhà xác, nhưng hôm nay đứng trước nhan sắc của nữ chính uỷ, vị trung tướng duy nhất trong lịch sử quân đội Việt Nam tôi xin làm cú trung chuyển”
Vậy mà gần đây thị lực đột nhiên tuột dốc đáng sợ, nhìn đâu cũng thấy toàn sương mù và muỗi bay rối rít, đeo kính có số đo tổ chảng rồi mà nhìn vào trang sách vẫn cứ loà nhoà, lợn cợn như cái anh lông quặm mãn tính. Định kệ, sương đến rồi sương lại tan, sương còn tan đầu ngõ mây còn bay giữa trời kia mà, muỗi bay chán rồi muỗi cũng phải đi, già rồi, chữa trị gì, rách việc hơn thế, nếu có ai nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà lại để vậy à thì tôi cười chát đắng, thất thập cuộc đời rồi, cửa kiếc gì nữa, có là cửa mồ! nhưng không kệ được khi chiếc xe máy tôi đi cứ loạng choạng như cái gã say không nhìn rõ đường xá, cảnh vật. Thậm chí cây vợt bóng bàn đánh mười quả thì chín quả ra ngoài. Chưa hết, cái này mới thật khốn nạn, vốn là một gã quảng giao mau mồm mau miệng, nhất là với phái nữ nhưng gần đây bỗng mang tiếng là khủng khỉnh khinh người chỉ vì người ta chào mình mà mình có nhìn ra ai vào ai đâu mà biết đường chào lại.
Đành xếp hàng khám thử cái vậy. Và thật “Mát dạ” khi cô nữ bác sĩ xinh đẹp dịu dàng mang hàm đại tá phán, cũng phán rất chi là dịu dàng nhưng nghe như có đạn ria nổ vung vãi đâu đây: ”Mắt phải anh có cái sẹo, hoàn toàn hỏng rồi, thị lực dưới một phần mười, lại loạn thị nữa. Còn mắt trái cũng chỉ còn năm” Chưng hửng cả người. Thì ra bao lâu nay làm gì, đi đâu, lái xe hay chơi thể thao tôi chỉ dùng độc mắt trái mà mắt trái chắc do hành hạ hết công xuất nên giờ đây nó cũng đâm đổ đốn, kiểu này rốn thêm ít năm nữa có khi thành con sói độc nhỡn gầm gừ giữa rừng khuya hay cái anh xẩm mù loà đi hát rong thảm sầu ngoài chợ.
Thế bây giờ phải làm sao? Tôi hỏi như cái anh chàng ngớ ngẩn chả biết một tý gì về ngành y cả dẫu rằng ngày xưa, xa lắm, tôi cũng đã từng chớm là một sinh viên quân y khoá đầu rồi mới ngồi chưa nóng đít được một năm lại bị tiếng súng gọi vào trận mạc. Chỉ còn cách mổ thôi, nữ bác sĩ trả lời, mổ thay thuỷ tinh thể nhưng chưa biết cái vết sẹo đó có cản trở gì không? Sẹo? Đúng, cho đến lúc đó tôi mới chợt nhớ trong một trận đánh đặc công ngày nào, khi bươn rào tôi đã bị một lưỡi thép gai sắc lẻm cứa sâu vào mắt, máu chảy tí ty rồi thôi, thành ra coi thường để rồi khi về già, nó đã âm ỉ cộng hưởng với cô nàng mang cái tên mỏng manh, mỹ miều “thuỷ tinh thể” quất cho tôi một phát đích đáng.
Tuy thế tôi cũng cất công đi khám thử ở một vài bệnh viện công hay bệnh viện tư, cả bệnh viện quốc tế liên doanh khác nhưng cũng đều nhận được một câu trả lời tương tự: “Nếu không có vết sẹo thì chuyện thay thuỷ tinh thể với công nghệ hiện đại bây giờ chỉ nhỏ như con muỗi”. Muỗi à? Sẹo à? Lằng nhằng nhỉ? Một ý nghĩ trồi lên: Kệ, thôi, còn mấy năm ở đời nữa, mổ miếc gì, rắc rối, sống chung luôn, chả mù đâu mà sợ, sẹo mắt mà đụng dao kéo vào có khi mù hẳn. Còn cái khoản loạn thị kia có khi thế lại hay. Cuộc đời bây giờ đang vào hồi ngổn ngang bừa bộn, con người lúc này cũng đang vào kỳ bừa bộn ngổn ngang, vậy thì nhìn rõ nhìn nét làm gì, cứ nhìn loà nhoà, chập chờn, lúc ẩn lúc hiện có khi lại đỡ nhức đầu, bức xúc, có phải thời chiến tranh đâu mà cần nhìn thấu mặt kẻ thù.
Và cái quyết định mang tính cam phận này sẽ đeo đuổi tôi chưa biết đến bao giờ nếu như một lần đi máy bay vào Nam, tôi không ngồi cạnh một anh chàng trung niên khá đẹp trai, da dẻ hồng hào, tóc hoa râm không cần đảo ngói, có hàm răng cười rất đẹp. Thấy tôi thỉnh thoảng lại lấy khăn chấm mắt hoặc nheo tít mắt lại nhìn ra ngoài của sổ ngắm mây trời, anh bảo: “Em là người mê văn từ bé, lại đã đọc của anh hầu như không thiếu cuốn truyện nào nên ngày mai nếu rảnh, em mời anh đến chỗ em ta bàn kỹ về đôi mắt của anh tý. Đôi mắt anh có chuyện để bàn đấy”. Tôi hỏi, thằng em trước là lính trinh sát hay đặc công mà quan sát cừ phết? Anh ta nói trước em là bác sĩ quân y rồi sau chuyển ra ngoài chuyên về mắt. Tôi nghe biết thế, không để vào đầu vì nếu có đến thì chắc lại là thuỷ tinh thể đục này đục khác, rồi lại sẹo nọ sẹo kia hoặc lại loạn thị loạn thiếc nhắng củ tỏi lên là hết, chán đời thêm.
Và tôi cũng sẽ bỏ qua như tặc lưỡi bỏ qua mọi lần đi khám khác nếu như ông bạn của anh ta ngồi cạnh nhân lúc anh ta vào toilet không ghé vào tai tôi: “Bác cứ thử đến đi! Hắn mát tay lắm và không phải ai hắn cũng nhiệt tình thế đâu. Biết đâu là cơ duyên?” Mát tay ư? Ai chả tự cho mình là mát tay? Tôi sẽ rơi vào tâm lý hoài nghi đã trở thành cố hữu khi đã sống quá lâu trên đời nếu như khi chia tay chính cậu bác sĩ không đưa vào tay tôi tấm danh thiếp. Thì cũng là cầm cho lấy lệ chứ thời buổi này danh thiếp chả nói lên điều gì, thì đó, thiếu gì vị chỉ một miếng giấy bằng nửa bàn tay mà chi chít cả chục các chức tước, danh hiệu đọc chóng cả mặt mà đã có ai biết đâu vào đâu nếu như có một bận tôi không vô tình xem được một cuộc hội thảo Đông Nam Á xung quanh con mắt trên Ti Vi mà anh ta đọc một bản thuyết trình khá sinh động về những chấn thương mắt trong chiến tranh. Chà, chiến tranh à, chấn thương à? Nghe có vẻ đồng đội, chiến hữu quá, zô quá! Thế là mò đến.
Một toà nhà cao tầng sơn màu trắng khang trang toạ lạc ngay bên hồ Trúc Bạch đầu đường Phó Đức Chính đang vào mùa gió thu se sẽ tràn về đã gợi một sự yên hàn, tĩnh tại. Bước vào trong, khách đến khám chữa ngồi kín cả sáu tầng lầu với thấp thoáng những nụ cười hiền tươi của các cô nhân viên khoác áo Bluze trắng lại gợi một sự lãng mạn, tin cậy bước đầu. Càng lãng mạn hơn khi phải đi qua tất cả các phòng khám kín đáo đều có một màu đèn huyền ảo như nhau và phía trước, rất gần, chỉ cách một cái máy gì vẻ tân kỳ lắm thơm nức mùi hải ngoại, nghe rõ được cả hơi thở tinh khôi và tiếng cựa mình sột soạt là bónh hình một thanh nữ cũng huyền ảo không kém, đưa đà cho cái sự khám lâu la tới hai tiếng thành phút chốc thoảng bay.
Chỉ đến khi bước vào căn phòng có biển đề BS HÙNG – GIÁM ĐỐC thì cái thoảng bay đó mới vón cục. Anh bạn bác sĩ nhiệt tình, bình dị, dễ thương ngồi cùng chuyến bay hôm trước giờ đây lạ lẫm, sang trọng, sáng choang và nghiêm nghị như một giáo sư đầu ngành sau khi kiểm tra lại một lần chót, lạnh lùng phán như chưa hề quen biết gì: “Anh về, nửa tháng sau quay lại!” Cái gì vậy, tôi hỏi. Vì mắt anh phải đặt bên Nhật một cái thuỷ tinh thể riêng cho hợp với vết sẹo. Vị bác sĩ trả lời rồi ra hiệu cho cô trợ lý gọi tiếp người khác.
Tý nữa thì nổi cáu, tự nhiên mời người ta đến đây chứ có kỳ kèo xin xỏ gì đâu mà hách thế? Nói năng, điệu bộ cứ như giáo hoàng La Mã! Và sẽ nổi cáu thật nếu như không có một cánh bluze xà đến, nhỏ nhẹ: “Để cháu đưa chú xuống tầng. Hôm nay đầu tuần đông khách quá, từ sáng đến giờ bác sĩ phải khám và mổ bốn ca rồi, chiều nay còn bốn ca nữa! Chú cứ về nghỉ, đến ngày cháu sẽ chủ động gọi ạ!” Gọi ạ!… Gớm thôi là cái tiếng con gái êm ru nơi bệnh viện như tiếng những cô du kích giữa trận tiền làm thoáng nhẹ cả cánh rừng nhiều đau thương chết chóc. Thì về. Càng hay, chán rồi.
Nhưng đúng 15 ngày sau, khi cái đầu lãng đãng của tôi sắp quên rồi thì cũng tiếng cô gái đó gọi cho tôi mời đến mổ, lại còn dặn không ăn sáng để thử máu, không tự đi mà có người nhà đưa đến hoặc nếu không có người nhà thì chú đi taxi chứ đừng ngồi xe máy…” Tý nữa phì cười! Cái gì mà như vào trận đại phẫu ấy nhỉ? Máu đổ đầu rơi à? Chắc lại cả “Khi cần thì báo tin cho ai?”
May mà lần này cái thằng chúa hay sốt ruột là tôi được đưa lên thẳng phòng mổ luôn sau khi thay đồ bệnh nhân và cũng ký vào bản “Khi cần báo tin cho ai“. Rồi cũng nhỏ thuốc tê, thuốc giãn đồng tử, trùm khăn kín mặt y như cái anh khủng bố IS, đặt ống thở ống hút đàng hoàng. Lát sau, trong bóng tối huyền hoặc nghe có tiếng những bước chân nhẹ đi đến rồi ca phẫu bắt đầu. Không thấy đau, không thấy rát, chỉ thi thoảng nhói nhẹ trong sự tĩnh lặng đến không cùng tưởng như nghe được cả tiếng sâm cầm từ lịch sử vỗ cánh bay qua khung cửa. Nhưng sao mà lâu thế? Nghe bảo mổ cái này chỉ mươi, mười lăm phút là xong mà thời gian trôi qua chí ít cũng trên cả nửa tiếng rồi! Hay là…Tôi thoáng nghĩ đến cái sẹo chết tiệt. Hay là thôi, bỏ đi cậu ạ, sẹo siếc lằng nhằng thế có khi mổ mất công! Tôi định mở mồm nói thế thì tiếng của Hùng, đúng là cái tiếng trầm trầm, hơi khàn của cậu ta vang lên: “Xong rồi! Mời nhà văn ngồi dậy!” Chiếc khăn trùm được tháo ra, con mắt vừa mổ được băng lại, tôi ngồi dậy và bất ngờ, qua con mắt lành thoáng thấy trên trán Hùng có những chấm nhỏ li ti. Những chấm mồ hôi trong phòng lạnh. Trong khi anh cúi xuống ghi chép cái gì vào bệnh án, cô phụ mổ chính là cô gái lần trước đưa tôi xuống tầng lúc này đứng cạnh tôi nói nhỏ: “ Đây có lẽ là ca mổ thuỷ tinh thể khó nhất, lâu nhất của bác sỹ, tới 45 phút, phải lựa qua cái sẹo sao cho vào khít được. Tối nay chú có thể tháo băng, sáng mai đến kiểm tra lại. Giờ cháu đưa chú xuống tầng”.
Lại đưa xuống tầng! Mát mẻ chưa? Tính quay lại cám ơn người mổ một câu nhưng đã không thấy bóng anh ta đâu nữa. Chắc lại quay về phòng khám rồi? Rõ khổ! Tôi thoáng nghĩ đến mật độ bệnh nhân ngồi trước phòng anh ta khá đông lúc nãy.
Về nhà, chỉ mong mặt trời lặn. Khi đèn đường bật lên, trước sự chứng kiến của cả nhà, tôi trịnh trọng tháo băng như anh lính Lê Mã Lương bị đạn vào mắt. Và một điều bất ngờ đến kỳ diệu xảy ra: Lấy màn hình Tivi làm chuẩn, lấy những khuôn mặt người thân làm chuẩn, cả đồ đạc trong nhà nữa… tất cả cứ sáng bừng lên, sắc nét, gẫy gọn như thể cái chuyện loà nhoà kia chỉ là chuyện đùa. Đến màu lá ngoài kia cũng xanh hơn, nét chữ trên trang bản thảo cũng có hồn hơn. Thế có nghĩa là con mắt sẹo của tôi sau 41 năm phế tích nay chỉ sau 45 phút giờ đã sáng gần tương đương con mắt lành, từ nay hai mắt song hành, hai mắt cộng hưởng cùng soi về phía trước, độc nhãn long bao năm nay giờ đã thành thiên lý nhãn. Sướng đến ngỡ ngàng, sướng đến tự trách sao không đi chú ý đến nó từ đầu?
Sướng tới nỗi quên cả trả lời một câu hỏi rất đời thường nhưng vô cùng thiết yếu của ai đó: “Này, mổ công phu thế, máy móc tân kỳ thế, lại là bệnh viện của Nhật Bản đang có thương hiệu hàng đầu, chắc giá cao lắm phải không?” Đành lắc đầu không trả lời được. Có cái giá nào trả cho một tấm tình thầy thuốc, một lương tri làm nghề, một mẫu số chung đã cùng đi qua những cánh rừng bom đạn, cao lắm, vô giá.
Mãi mấy tuần sau tôi mới nhận được cái tin nhắn của Hùng: “Em xin lỗi đã không nói chuyện với anh được nhiều, một là vì bận thứ nữa là nhà em bị ung thư vú nên đầu óc luôn để hai nơi. Riêng đối với anh em chỉ nghĩ một điều, nếu anh vin vào mắt mũi để gác bút thì em cảm thấy như mình có tội, vốn là người lính em mong anh tiếp tục ngồi vào bàn, thế thôi…”
Hà Nội thu 2016.