CÂU CHUYỆN VỚI CON MẮT CÒN LẠI CỦA BỐ
Câu chuyện với con mắt còn lại của Bố
Dân gian có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Khi đôi mắt bình thường ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật yên ổn. Và khi mắt đã mờ và dần dần không nhìn thấy gì nữa thì chắc hẳn mọi việc sẽ trở nên vô cùng tồi tệ, sẽ thấy thật buồn, bi quan, chán nản và cũng từ đó mà sinh ra yếm thế, bẳn tính… Thật không may Bố lại là một trường hợp như thế!
Đó là vào thời điểm giữa tháng 11 năm 2014, Bố thấy mắt có dấu hiệu mờ đi nhanh (Bố chỉ còn một mắt trái, mắt phải đã bị hỏng trong một vụ tai nạn lao động khi đang đi thăm dò địa chất trên mảnh đất Tây Nguyên – nơi cơ quan bố ngày ấy làm nhiệm vụ). Gia đình đã đưa Bố đi khám ở Viện mắt Thái Nguyên (khi ấy BVM TN có đợt mổ mắt thay thủy tinh thể nhân đạo). Đưa Bố đi khám nhưng thực tâm có rất nhiều băn khoăn, không biết có nên để Bố thay thủy tinh thể vào thời điểm đó không. Lúc đi khám, mẹ cẩn thận dặn bố là phải nói với bác sĩ là đã từng vá (Laser) võng mạc cách đó 3 năm. Vì thế khi khám bác sĩ cũng kiểm tra rất kĩ. Bác sĩ ở BVM TN thấy tình trạng mắt của Bố cần đưa lên tuyến trên nên đã giới thiệu về viện mắt Trung ương để mổ. Thôi thế cũng yên tâm. Đi lại có vất vả song ít nhiều về tuyến trên sẽ yên tâm hơn về đội ngũ bác sĩ cũng như phương tiện phẫu thuật. Thế là gia đình lại khăn gói về nhà để chuẩn bị đi Hà Nội theo giấy hẹn.
Câu chuyện thực sự được bắt đầu khi chị Hoài – một người bạn thân thiết học cùng cấp 3 Năng khiếu Thái Nguyên với ông xã cho biết: sắp tới, Bệnh viện về mắt liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được thành lập. Chị nói rằng sẽ là yên tâm về đội ngũ bác sĩ và phương tiện nơi đây. Viện trưởng là Giáo sư Hattori Tadashi đến từ Nhật Bản và cũng đã quen thuộc với giới nhãn khoa Việt Nam. Giám đốc chuyên môn của bệnh viện sắp được thành lập là bác sĩ Bùi Tiến Hùng, là một trong những bác sĩ giỏi nhất của Việt Nam về lĩnh vực thuỷ tinh thể. Gia đình thấy mừng vì bác sĩ Hùng đã từng điều trị mắt cho bố cách đây 3 năm về trước. Và riêng trường hợp của Bố, vị Giáo sư người Nhật sẽ khám và trực tiếp phẫu thuật. Một địa chỉ rất tin cậy để Bố có thể sáng lại con mắt duy nhất. Song gia đình phải chờ vì đây là thời gian bệnh viện đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép.
Ngày mùng 6 tháng 11 năm 2014, bệnh viện chính thức hoạt động. Ít ngày sau đó, hai vợ chồng đưa Bố về Bệnh viện Mắt quốc tế Nhật Bản. Sau khi khám, Giáo sư Tadashi và Bs Hùng đã hội chẩn và quyết định mổ mắt cho Bố. Với người từ 60 tuổi trở lên, đục thủy tinh thể là dễ hiểu và thay thế rất đơn giản. Với công nghệ Phaco tiên tiến, chỉ cần khám, kiểm tra, đo tinh thể tương thích với mắt là ổn và thời gian phẫu thuật rất nhanh (15-20 phút là xong). Sau đó bệnh nhân nghỉ ngơi khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ là về được. Bố là trường hợp khó hơn, ông bị đục tinh thể ở đáy mắt, dịch kính bị dày. Bác sĩ nói sẽ mổ cắt dịch kính rồi sau đó mới thay thủy tinh thể. Được bác sĩ tư vấn, gia đình cũng thấy yên tâm hơn.
Theo lịch, 2 giờ chiều sẽ làm phẫu thuật, song thời gian chờ đợi để phẫu thuật của bố phải kéo dài hơn khi GS Tadashi phải đi mổ cấp cứu cho một bệnh nhân khác ở bệnh viện mắt Trung ương. Hơn 5 giờ chiều Bố mới được đưa vào phòng mổ. Lúc này, người nhà tại phòng chờ quan sát qua màn hình để xem diễn tiến mổ chỉ và cầu mong ca phẫu thuật của Bố thành công tốt đẹp. Sau gần một giờ đồng hồ căng thẳng, Bố được đưa trở lại phòng dưỡng bệnh, mắt băng kín. Gia đình được bác sĩ trao đổi lại: Đây là một trường hợp khó, dịch kính trong mắt dày và phải cắt bỏ, song ca mổ đã thành công. Lúc này gia đình mới tạm thời yên tâm. Trong phòng dưỡng bệnh, bố không thấy đau vì tác dụng của thuốc tê vẫn còn. Bố kể: trong phòng mổ vẫn nghe thấy bác sĩ nói với nhau, âm thanh của dụng cụ mổ loảng xoảng, thỉnh thoảng nghe thấy bác sĩ người Nhật nói tiếng Việt “nguy hiểm” còn không biết họ nói với nhau điều gì . Bố phải nằm lại viện một ngày một đêm để bác sĩ tiện theo dõi và kiểm tra trước khi về nhà. Một điều rất may mắn là ở Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản có phòng bệnh cho bệnh nhân phải điều trị dài ngày. Phòng bệnh ở đây rất sạch sẽ và tiện nghi. Hệ thống nước ở bồn rửa và khu vệ sinh đều cảm ứng. Rất ấn tượng ở cách trang trí, từ phòng tiếp đón bệnh nhân đến phòng khám và phòng dưỡng bệnh. Rất đơn giản nhưng tạo cảm giác thoải mái cho người đến khám và điều trị bệnh. Hầu hết các phòng đều treo một bức tranh hoa anh đào và một bức hình mắt, rất thuận tiện cho bệnh nhân mới mổ mắt và bệnh nhân khám mà mắt không nhìn thấy rõ. Đội ngũ y tá, điều dưỡng rất chu đáo, nhẹ nhàng, niềm nở. Cảm thấy thật sự hài lòng về tất cả điều đó và yên tâm khi Bố nằm điều trị tại đây.
10 ngày sau mổ, mắt Bố đã nhìn rõ lên, Bố đã có thể đọc báo ở những chỗ chữ to mà không cần dùng kính. Gia đình mừng lắm, bản thân Bố cũng phấn chấn trở lại. Nhưng sau đó hai ngày, tình hình dường như xấu đi. Bố nói, có bóng đen xuất hiện và khiến ông không nhìn rõ. Bố lại sinh ra lo lắng, đôi lúc cáu bẳn hơn thường ngày. Vì gấp quá nên hai vợ chồng không đưa Bố đi khám lại được (con gái duy nhất làm giáo viên, con rể thì công tác xa nhà). Thế là 2 Bố Mẹ tự bắt xe khách xuống bệnh viện khám lại. Ngày hôm đó, như có linh tính điều không hay, trong lòng như lửa đốt, lo lắng và thương Bố Mẹ, chỉ còn cách gọi điện thoại liên tục để biết tình hình. 10 giờ 30p, Mẹ gọi điện báo: bác sĩ Hùng khám và phát hiện mắt của Bố bị bong võng mạc, phải phẫu thuật ngay. Bác sĩ giải thích: đây là một bệnh khác không liên quan đến lần phẫu thuật trước và sẽ cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho ông và gia đình. Lúc này ở BV chỉ có Mẹ, đành phải động viên Mẹ qua điện thoại và trấn an tinh thần cho Bố. Vội vàng xin nghỉ dạy và nhanh chóng thu xếp xuống bệnh viện. Lúc này là hơn 2 giờ chiều, Bố được đưa trở lại phòng phẫu thuật, lòng thấy như lửa đốt và thương Bố vô hạn… Chưa đầy nửa tháng mà phải phẫu thuật 2 lần và liệu rằng, sau lần phẫu thuật này mắt Bố có bình phục nhanh trở lại không. Lúc này, mới thấy thấm thía câu nói: “ Đôi mắt cửa sổ tâm hồn/Mất đi một mắt nửa hồn thương đau”. Thế mà Bố chỉ còn một mắt. Nếu… thực sự là không dám nghĩ đến từ “nếu”.
Xuống đến BV là 5 giờ kém15 phút, lúc này bố vừa phẫu thuật xong và đã được đưa trở lại phòng dưỡng bệnh, mắt lại băng kín. Tôi cùng Mẹ ở lại viện chăm Bố 3 ngày 4 đêm vì mọi việc, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân Bố đều không tự làm được. Ở đây, thêm một lần nữa tôi lại cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo, tận tâm của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong bệnh viện. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ở viện mà như ở nhà. Không có dấu hiệu của mùi thuốc, mùi hóa chất và mùi giường bệnh. Tất cả đều rất sạch sẽ, ấm áp và mọi người thì thân thiện, cởi mở. Nếu có ai đó bất chợt đọc được những dòng này có lẽ sẽ cho rằng tôi đang lăng-xê cho BV nhưng thực tế là như vậy. Thời gian ở lại bệnh viên tôi có dịp gặp nhiều bệnh nhân đến chữa mắt. Có bệnh nhân bị hỏng cả hai mắt và kèm thêm một số bệnh như tiểu đường, suy thận nhưng với đôi bàn tay vàng, các bác sĩ đã tận tình cứu giúp và miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân có hoàn cảnh éo le đó. Có bệnh nhân thì thay thủy tinh thể, mổ cận thị, mổ lác mắt… đều được các bác sĩ phẫu thuật theo công nghệ hiện đại mà chi phí thì không cao. Tôi được trò chuyện với một số người nhà bệnh nhân và đều thấy họ dành lời khen bệnh viện, nhất là Bs Hùng – giám đốc của bệnh viện một bác sĩ giỏi chuyên môn, tận tâm, cởi mở với người bệnh và Bs Đức – tuổi trẻ, tài cao, tâm sáng…
Đến nay, sau nửa tháng làm phẫu thuật, mắt của Bố đã bình phục rất tốt, nhìn sáng dần ra, quầng đen đã hết. Các Bác sĩ nói: Mắt của Bố sẽ bình phục dần dần và sau một tháng mới sáng hẳn vì khi làm phẫu thuật, các bác sĩ phải bơm vào một lượng khí lớn để điều hòa mắt và lượng khí này phải thoát ra từ từ mới tốt. Bố đã có một cuộc trải nghiệm phẫu thuật mắt li kì, căng thẳng, gần như những bệnh về mắt đã đều gặp phải trong con mắt còn lại của Bố. Cầu mong cho mắt của Bố sẽ nhanh sáng trở lại.
Tôi viết những dòng này, chia sẻ về những ngày chữa mắt cho Bố để muốn ghi nhớ lịch trình và theo dõi bệnh của Bố dễ hơn. Và cũng muốn sau này cậu con trai bé nhỏ đang có ước mơ được trở thành Bác sĩ có thể cảm nhận được và biết đâu, những điều giản dị này có thể vun đắp thêm ước mơ cho con yêu. Từ tận đáy lòng, xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Ngài Giáo sư Hattori Tadashi, Bác sĩ Bùi Tiến Hùng, Bác sĩ Đức cùng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản đã tận tình chăm sóc và dành sự ưu ái cho Bố trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện.
Lời cảm ơn:
Gia đình ông Nguyễn Đức Cát, 65 tuổi tại Đại Từ – Thái Nguyên xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc nhất đến Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện đã đem lại ánh sáng cho bệnh nhân và gia đình. Nhân ngày Bệnh viện khai trương (18/12/2014), gia đình xin gửi lời chúc nồng nhiệt nhất đến Bệnh viện. Chúc Bệnh viện luôn mở rộng cánh cửa đón tiếp bệnh nhân mỗi, mang lại nhiều nguồn sáng như những bông hoa anh đào trong mùa nở rộ cho tất cả mọi người. Và cũng chuẩn bị đón năm mới 2015, gia đình kính chúc Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện dồi dào sức khỏe – hạnh phúc, đón một năm mới An Khang Thịnh Vượng.
Con gái bố Cát
Nguyễn Thị Hoa Hiên