Viêm mủ nội nhãn ngoại sinh - Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm mủ nội nhãn ngoại sinh là gì? 

Viêm mủ nội nhãn là bệnh do các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chấn thương làm phá hủy toàn bộ cấu trúc của mắt như võng mạc, dịch kính, hắc mặc,..

Viêm mủ nội nhãn ngoại sinh là bệnh lý có thể gặp do các tác nhân bên ngoài như chấn thương thương xuyên nhãn cầu hoặc sau phẫu thuật nội nhãn (phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh đục, phẫu thuật cắt dịch kính...). Bệnh thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi lao động. Bệnh gây viêm, đau, trong trường hợp xấu có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị sớm.

Nguyên nhân dẫn tới viêm mủ nội nhãn ngoại sinh

Do vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng, virus. Tác nhân gây bệnh vào nội nhãn qua vết thương, qua các vật gây chấn thương, từ túi kết mạc đi vào nội nhãn trong quá trình phẫu thuật.

viem-mu-noi-nhan-nguyen-nhan

Một số yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, các bệnh lý nhiễm trùng tại mắt, quanh mắt...có thể tạo điều kiện cho sự phát triển bệnh.

Triệu chứng của viêm mủ nội nhãn ngoại sinh 

Viêm nội nhãn ngoại sinh thường gây đau mắt dữ dội và giảm thị lực. Dấu hiệu bao gồm:

  • Sưng nề mi mắt, chảy nước mắt, khó mở mắt.
  • Bệnh nhân có cảm giác nóng ở mi và mắt.
  • Mi và kết mạc đỏ rực lên
  • Đau nhức mắt, buồn nôn, có thể kèm nhức đầu.
  • Nhìn mờ, sợ ánh sáng
  • Nhãn áp có thể cao, nhãn cầu có thể lồi.

Điều trị viêm mủ nội nhãn ngoại sinh 

  • Viêm mủ nội nhãn là bệnh nguy hiểm trong nhãn khoa, vì vậy việc điều trị cần được tiến hành ngay khi bệnh nhân nhập viện. Nếu có vết thương xuyên nhãn cầu phải khâu vết thương. Nếu có dị vật nội nhãn cần lấy dị vật ra khỏi nhãn cầu.
  • Điều trị kháng sinh sớm, mạnh, phổ rộng, khả năng thấm tốt vào nội nhãn, tích cực.
  • Trong những trường hợp viêm mủ nội nhãn nặng không đáp ứng điều trị nội khoa có chỉ định phẫu thuật phối hợp : Cắt dịch kính mủ, có thể kết hợp bơm dầu Silicon nội nhãn.

Tiến triển và biến chứng

Tiên triển của viêm mủ nội nhãn nói chung và viêm mủ nội nhãn ngoại sinh ( sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật mắt) rất nặng, có thể dẫn đến teo nhãn cầu, mất chức năng, có khi phải bỏ nhãn cầu, đặc biệt khi viêm mủ nội nhãn do nấm.

Biến chứng: Khi phản ứng viêm mủ đã lan rộng ra cả tổ chức hốc mắt thì dẫn đến viêm mủ toàn nhãn, thủng giác mạc, thậm chí nhiễm trùng huyết. Biến chứng khác: bong võng mạc, teo gai thị, viêm tắc mạch máu võng mạc, xuất huyết võng mạc, teo nhãn cầu.

Phòng bệnh viêm mủ nội nhãn ngoại sinh 

Đây là bệnh rất nặng về mắt, đôi khi điều trị cũng không hẳn mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, phòng ngừa là cách tốt nhất. Bạn nên:

  • Đi khám mắt định kỳ từ 1 - 2 lần/1 năm.
  • Ngay khi có những biểu hiện bất thường (đau mắt, mờ mắt), nên đến bác sĩ kiểm tra.
  • Nên đến các cơ sở ý tế chuyên khoa mắt uy tín và có chuyên môn