Viêm mủ nội nhãn nội sinh - Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm mủ nội nhãn nội sinh là gì? 

Viêm mủ nội nhãn (VMNN) nội sinh là một bệnh nhiễm trùng mắt nặng nề, tiên lượng hồi phục phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đây là tình trạng viêm các tổ chức trong nhãn cầu, do các tác nhân gây bệnh đi đến mắt qua đường máu, dẫn đến hình thành mủ trong tiền phòng và dịch kính.

Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm khi bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho 20% bệnh nhân, và khoảng 55% bệnh nhân có thị lực 1/10 hoặc kém hơn kể cả khi được chẩn đoán kịp thời và điều trị toàn diện.

Nguyên nhân gây ra viêm mủ nội nhãn nội sinh

Viêm nội nhãn nội sinh được gây ra bởi các vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus lây lan từ các cơ quan khác đang viêm hoặc nhiễm trùng của cơ thể theo đường máu.


Trong điều kiện bình thường, hàng rào máu-mắt đóng vai trò rào cản tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh xâm hại vào mắt. Khi cơ thể có ổ nhiễm trùng ở bộ phận khác (như viêm mũi xoang, viêm đường tiết niệu, viêm da…), các tác nhân gây bệnh sẽ từ đây đi vào máu đến mắt, gây ra tình trạng viêm của tổ chức nội nhãn.

Điều kiện thuận lợi: viêm mủ nội nhãn hay xuất hiện trên cơ thể có sức đề kháng yếu, ở trẻ em suy giảm miễn dịch hoặc ốm lâu ngày.

Triệu chứng của bệnh viêm mủ nội nhãn nội sinh

  • Triệu chứng chủ quan: Bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh thường có triệu chứng nhìn mờ, đau nhức mắt tăng lên về đêm, mắt bị kích thích rất khó chịu. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh mắt, đỏ mắt.
  • Triệu chứng khách quan: Khi khám, tình trạng mí mắt sưng nề, đỏ; kết mạc cương tụ; Giác mạc phù, thâm nhiễm; có mủ tiền phòng; Viêm dịch kính, viêm gai thị và các khối mủ trắng trên võng mạc. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, bệnh có thể diễn ra âm thầm, không đau, không có mủ tiền phòng, rất dễ chẩn đoán nhầm với viêm màng bồ đào.
  • Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. 

Điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh

Nguyên tắc chung của việc điều trị bệnh viêm nội nhãn nội sinh chính là tìm nguyên nhân chính gây bệnh, phân biệt đúng bệnh và bảo vệ tổ chức nhãn cầu, tăng cường miễn dịch cơ thể, điều trị sớm và tích cực ngay từ đầu, chống khuẩn, kháng viêm, chống dính, kết hợp điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

Phác đồ điều trị thường được áp dụng hiện nay có thể bao gồm: Sử dụng các loại kháng sinh toàn thân, tiêm kháng sinh nội nhãn, tra thuốc tại mắt và chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính sớm nếu như bệnh không thuyên giảm hoặc tiến triển thêm 

Kết quả điều trị viêm nội nhãn nội sinh phụ thuộc vào rất nhiều  yếu tố như tác nhân gây bệnh, thời gian bị bệnh, bệnh toàn thân kèm theo, tuổi bị bệnh, tính chất cấp tính của bệnh, các tổn thương tại mắt như đục giác mạc, các tổn hại trên võng mạc…

Tiến triển và biến chứng của viêm mủ nội nhãn nội sinh

Viêm mủ nội nhãn là một bệnh nặng, tiến triển nhanh có thể gây tổn hại đến chức năng thị giác và giải phẫu dẫn tới mù lòa. Nếu được điều trị sớm, tích cực; đúng quy trình bệnh có thể đỡ, mủ nội nhãn có thể loãng ra và tiêu bớt, chức năng thị giác có thể được phục hồi một phần

Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn tới các biến chứng khác ảnh hưởng tới thị lực như: 

  • Nhiễm trùng lan rộng và vỡ ra phía trước.
  • Bong võng mạc, teo gai, teo võng mạc, tắc mạch võng mạc
  • Nhãn cầu teo

Phòng bệnh viêm mủ nội nhãn nội sinh 

Cần điều trị tốt các nhiễm trùng toàn thân, tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể. Để phòng mắc viêm nội nhãn nội sinh dẫn đến tổn hại thị lực trầm trọng. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt ngay khi có các dấu hiệu như nhìn mờ, đỏ mắt, đau nhức mắt, điều trị sớm và tích cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân.