Xuất huyết nội nhãn sau chấn thương - nguyên nhân, triệu chứng vầ điều trị

Xuất huyết nội nhãn sau chấn thương là gì? 

Xuất huyết nội nhãn là tình trạng chảy máu bên trong nhãn cầu, có thể là chảy vào tiền phòng và/hoặc dịch kính. Thường xảy ra sau chấn thương xuyên nhãn cầu (chấn thương sâu vào trong mắt) hoặc chấn thương chỉ đụng dập bên ngoài nhãn cầu. Ngoài ra, các tai nạn chấn thương sọ não cũng có thể gây xuất huyết nội nhãn.
Tình trạng xuất huyết tùy theo nguyên nhân gây xuất huyết, người bệnh sẽ gặp hiện tượng ruồi bay (các đốm đen bay lòng vòng quanh mắt khi ra ngoài sáng) và bị suy giảm thị lực nhanh chóng.

Nguyên nhân gây ra xuất huyết nội nhãn sau chấn thương

Xuất huyết tiền phòng gặp sau chấn thương thường do vỡ một số mạch máu trong mắt: có thể từ mống mắt và/hoặc từ thể mi. Bình thường tiền phòng có chứa thủy dịch (chất  dịch trong suốt nuôi dưỡng cho mắt), khi bị xuất huyết, thủy dịch sẽ chuyển sang màu hồng hoặc đỏ tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết. 
Xuất huyết dịch kính gặp sau chấn thương, nguồn gốc xuất huyết có thể từ các mao mạch máu ở võng mạc, mống mắt, thể mi. 
Cả hai trường hợp xuất huyết này đều có thể do những tai nạn gây chấn thương mắt hoặc gây chấn thương sọ não.
 

Triệu chứng của bệnh xuất huyết nội nhãn sau chấn thương 

Các triệu chứng xuất huyết tiền phòng

  • Nhìn mờ sau chấn thương: đây là triệu chứng thường gặp, tuy nhiên người bệnh thường chủ quan khi gặp triệu chứng này.
  • Đỏ mắt: có thể gây nhầm lẫn với viêm kết giác mạc. 
  • Đau nhức mắt: tình trạng đau có thể nặng hoặc nhẹ. 
  • Khám mắt thấy có xuất hiện máu trong tiền phòng. 
  • Các tổn thương khác có thể kèm theo trong xuất huyết tiền phòng: 
  • Tổn  thương ở bán  phần  trước nhãn cầu: trợt biểu mô giác mạc, phù giác mạc, lùi góc, đục- lệch thể thủy tinh,...
  • Tổn thương bán phần sau: có thể kèm có xuất huyết dịch kính, phù, xuất huyết võng mạc, rách hắc võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác,...

xuat-huyet-noi-nhan

Các triệu chứng xuất huyết dịch kính

Nhìn mờ sau chấn thương.
Có máu trong buồng dịch kính gây vẩn đục dính kính, khi thăm khám bác sỹ không quan sát được đáy mắt.

Điều trị xuất huyết nội nhãn sau chấn thương

Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng, bác sỹ có thể chỉ định các phương pháp điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

4.1. Điều trị nội khoa bao gồm

Người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, bất động, đầu cao (30 độ – 45 độ) và uống nhiều nước (uống 1/2  lít nước lọc trong 5 phút), băng kín hai mắt nhằm tránh chảy máu tái phát và tạo điều kiện cho hồng cầu lắng đọng xuống dưới; phối hợp với việc sử dụng các thuốc liệt điều tiết, thuốc chống viêm steroid, thuốc giảm đau và thuốc hạ nhãn áp trong trường hợp có tăng nhãn áp.
    
4.2. Điều trị phẫu thuật cắt dịch kính xuất huyết được chỉ định trong các trường hợp

  • Xuất huyết dịch kính dày đặc, kéo dài không có khả năng tiêu máu.
  • Xuất huyết dịch kính có kèm theo bong võng mạc.
  • Xuất huyết dịch kính kèm theo glocom.

Tiến triển và biến chứng của xuất huyết nội nhãn sau chấn thương

Tiến triển
Tiến triển xuất huyết nội nhãn có thể nặng hay nhẹ tùy thuộc vào các vấn đề sau: 

  • Mức độ xuất huyết nặng hay nhẹ. 
  • Xuất huyết có phải bị tái phát hay không. 
  • Có các tổn thương nội nhãn khác kèm theo. 
  • Tình trạng sức khỏe toàn thân, đội tuổi.
  • Thời gian điều trị sau chấn thương.

Biến chứng

  • Ngấm máu giác mạc: máu ngấm ra giác mạc có thể gây viêm, tổn thương giác mạc. 
  • Tăng nhãn áp.
  • Viêm màng bồ đào: viêm mống mắt, thể mi, hoặc hắc mạc 
  • Dính mống mắt: nguy cơ gây mù lòa cao. 
  • Teo thị thần kinh: truyền tín hiệu lên não kém. 
  • Xuất huyết tái phát

Phòng bệnh 

deo-kinh-bao-ho

Cách tốt nhất để đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra đó là cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định an toàn lao động. Cần có những cảnh báo nguy hiểm ở những nơi công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,...
Không cho trẻ em chơi các đồ chơi có thể gây sát thương hoặc nguy hiểm, không cho trẻ xem các chương trình có tính bạo lực cao.