Viêm tổ chức hốc mắt - Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Viêm tổ chức hốc mắt là tình trạng viêm xảy ra ở phần mô mềm trong hốc mắt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm tổ chức hốc mắt.
Viêm tổ chức hốc mắt là gì ?
Viêm tổ chức hốc mắt là viêm của phần mô mềm trong hốc mắt. Viêm tổ chức hốc mắt xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Ở trẻ em dưới 5 tuổi thì hay đi cùng viêm đường hô hấp trên, trên 5 tuổi thì thường đi cùng với viêm xoang. Viêm tổ chức hốc mắt ở người lớn thường hay gặp ở người mắc các bệnh như đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch hay chấn thương do dị vật nằm trong hốc mắt.
Nguyên nhân gây nên viêm tổ chức hốc mắt
Các nguyên nhân gây ra viêm tổ chức hốc mắt bao gồm:
- Vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng
Bên cạnh đó, việc cơ thể yếu đi, hệ miễn dịch suy giảm cũng là tác nhân gây nên viêm tổ chức hốc mắt, thường gặp ở:
- Viêm đường hô hấp trên, viêm xoang ở trẻ em
- Bệnh nhân bị đái tháo đường, suy giảm miễn dịch
- Do chấn thương làm tổn thương vách hốc mắt đặc biệt là những chấn thương có dị vật hốc mắt
- Phẫu thuật mắt như phẫu thuật mi, phẫu thuật lác,...
- Viêm tổ chức hốc mắt cũng có thể gặp sau viêm nội nhãn sau phẫu thuật
Triệu chứng của viêm tổ chức hốc mắt
Các triệu chứng của viêm tổ chức hốc mắt có thể bao gồm:
- Các cơn đau đột ngột ở mắt, đau quanh hốc mắt. Đặc biệt đau khi vận động nhãn cầu, làm việc nặng nhọc, cúi người, liếc mắt, đau đầu, mệt mỏi, sốt…
- Phù mi mắt, sưng mi mắt, kèm đỏ mí mắt.
- Phù kết mạc và sung huyết kết mạc.
- Lồi mắt: quan sát thấy mắt lồi ra ngoài, thay đổi đáng kể so với lúc mắt bình thường, lồi mắt có thể lồi thẳng trục hoặc không thẳng trục.
- Song thị: nhìn một vật thành hai vật.
- Sụp mi: mi mắt trên bị sụp xuống gây ảnh hưởng tầm nhìn, mất thẩm mỹ.
- Hạn chế vận nhãn hoặc liệt vận nhãn: có thể do một vài cơ hoặc toàn bộ cơ vận nhãn bị ảnh hưởng.
- Giảm thị lực nhiều mức độ khác nhau, nếu viêm gần đỉnh hốc mắt có thể có giảm thị lực trầm trọng.
- Có thể biến chứng viêm hắc mạc hoặc viêm thị thần kinh.
- Có thể tăng nhãn áp do tổ chức viêm chèn ép.
Bên cạnh đó việc chụp XQ, chụp CT, siêu âm hay các xét nghiệm cần thiết khác cũng sẽ giúp bác sĩ phát hiện được bệnh lý.
Điều trị viêm tổ chức hốc mắt
Khi viêm tổ chức hốc mắt không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe hốc mắt, viêm thị thần kinh giảm thị lực, tắc xoang hang hay nhiễm khuẩn huyết (tỷ lệ tử vong cao).Tuy nhiên nếu điều trị tốt bệnh cũng có thể khỏi và không để lại di chứng gì. Vậy nên nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm tổ chức hốc mắt, hãy đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám. Tại đây các bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá, yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng mắt.
Viêm tổ chức hốc mắt có thể được điều trị bằng cách:
- Sử dụng kháng sinh, chống viêm
- Điều trị cùng với các bệnh lý khác như viêm xoang, viêm đường hô hấp, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch.
- Nếu do có dị vật trong hốc mắt phải lấy hết dị vật.
Phòng tránh viêm tổ chức hốc mắt
Để phòng tránh viêm tổ chức hốc mắt, người có các bệnh lý như viêm nhiễm ở mi mắt, viêm giác mạc,… cần được điều trị dứt điểm các bệnh này. Bên cạnh đó, đối với trẻ em, cần phòng tránh các bệnh như hô hấp, viêm xoang. Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần lưu tâm để cho trẻ thăm khám và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Người có các bệnh nền như đái tháo đường hay viêm xoang cũng nên theo dõi và điều trị để tránh xảy ra biến chứng viêm tổ chức hốc mắt.
Đối với người có công việc đặc thù, làm việc ngoài trời, tiếp xúc với khói bụi cũng nên sử dụng kính bảo hộ cho mắt.