Viêm thị thần kinh - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm thị thần kinh là gì? 

Viêm thị thần kinh là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mãn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác (có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ, tại một điểm nào đó hay toàn bộ chiều dài của dây thần kinh). Bệnh viêm thị thần kinh thường hay gặp ở nữ giới, đặc biệt là tuổi còn trẻ, bệnh có thể gây mất thị lực một phần kèm theo đau khi chuyển động nhãn cầu.

Nguyên nhân gây ra viêm thị thần kinh

Viêm dây thần kinh thị giác hay gặp từ đối tượng thanh niên đến trung niên (từ 20 – 45 tuổi). Người ngoài 45 tuổi hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ mắc viêm dây thần kinh thị giác nhiều gấp đôi nam giới.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm dây thần kinh thị giác. Nhìn chung, các chuyên gia nhãn khoa thường xếp theo 3 nhóm nguyên nhân theo vị trí là: tại chỗ, lân cận và toàn thân.

Tại chỗ: mọi viêm nhiễm trong nhãn cầu đều có thể gây ra viêm đầu dây thần kinh thị giác (có thể xuất phát từ các bệnh lý ở mắt như: viêm màng bồ đào, viêm hắc mạc, viêm võng mạc do virus cự bào trong bệnh AIDS, viêm nội nhãn).

Lân cận: Các ổ nhiễm trùng lân cận thị thần kinh như viêm tai, viêm mũi-xoang, viêm họng, viêm amidan, sâu răng… có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh.

Toàn thân: Các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân cấp và mãn tính cũng có khả năng dẫn đến viêm thị thần kinh. Cụ thể như:

  • Các loại virus đậu mùa, cúm, thấp khớp, bạch hầu, sốt phát ban, quai bị
  • Nhiễm nấm: Nấm Candidat albicans thường gây viên hắc võng mạc kết hợp với viêm gai thị, hay gặp ở người nghiện heroine, suy giảm miễn dịch. 
  • Các nhiễm khuẩn của hệ thần kinh: viêm não, viêm màng não 
  • Các vi khuẩn như lao, giang mai, rickettsiose 
  • Những hội chứng màng bồ đào-màng não như bệnh Vogt-Koyanagi-Harada, nhãn viêm đồng cảm, bệnh Behcet cũng hay kèm theo viêm gai thị.
  • Các bệnh dị ứng: sau tiêm huyết thanh chống bạch hầu, uốn ván, dị ứng thực phẩm

Nguyên nhân khác: ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc, thiếu vitamin nhóm B, thiếu máu thị thần kinh, chấn thương…

Triệu chứng lâm sàng của viêm thị thần kinh 

Hầu hết những người viêm dây thần kinh thị giác cảm thấy đau tăng khi vận động nhãn cầu; có thể đau trong vòng một tuần và sau đó biến mất trong vài ngày. Người bệnh thấy thị lực giảm sút nhanh hay rất nhanh  từ vài ba ngày tới vài tuần, có thể mù hẳn.
Có thể gặp thị lực giảm khi vận động nhiều trong môi trường nhiệt độ cao sau đó sẽ trở về bình thường. Người bệnh bị rối loạn trong việc nhận biết màu sắc, thậm chí có trường hợp không còn phân biệt được màu sắc. 

Điều trị viêm thị thần kinh

Do có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh nên người bệnh cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa  khác nhau như: tai-mũi-họng, thần kinh, truyền nhiễm, dị ứng… Ngay khi có nghi ngờ viêm thị thần kinh, cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây nhiễm độc thị thần kinh.

Tại mắt, cần giải quyết rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh, chống viêm, chống nhiễm trùng… Nói chung, việc điều trị viêm thị thần kinh chủ yếu là loại trừ nguyên nhân mới khỏi bệnh hoàn toàn. Ngay sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhập viện, điều trị bằng corticoid. Thuốc corticoid có thể được chỉ định với liều rất cao, dùng cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch

Tiến triển và biến chứng của viêm thị thần kinh

Viêm thị thần kinh là bệnh mắt nặng, có khả năng tái phát, biến chứng và di chứng nặng nề. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực rất có ý nghĩa trong phục hồi chức năng thị giác, tránh tái phát và biến chứng.

Tiên lượng phụ thuộc vào bệnh lý căn nguyên. Thị lực có thể bắt đầu cải thiện sau khi điều trị corticoid, bệnh nhân phục hồi sau từ 2-3 tuần đến 1-2 tháng, tuy nhiên khó có khả năng có thể phục hồi hoàn toàn. Hầu hết các bệnh nhân có tiền sử viêm thị thần kinh điển hình và không có bệnh toàn thân đều có thể phục hồi thị lực, nhưng > 25% sẽ tái phát ở cùng mắt hoặc mắt còn lại.