Viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm màng bồ đào là bệnh lý mắt cấp tính ở trẻ em. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của trẻ nếu như không được thăm khám, theo dõi và chữa trị kịp thời. 

Viêm màng bồ đào cấp tính là bệnh gì? 

Màng bồ đào là lớp màng mạch bao bọc lớp màng thần kinh phía trong. Nó gồm ba phần chính: Mống mắt - cho màu sắc đặc trưng của mắt (xanh, nâu, đen); Thể mi - tạo dịch bên trong mắt; Hắc mạc - rất nhiều mạch máu cung cấp máu cho mắt. Tình trạng viêm xảy ra ở bất cứ 1 trong 3 phần này gọi là viêm màng bồ đào (VMBĐ).

Nguyên nhân dẫn tới viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em 

Tác nhân gây viêm màng bồ đào có thể là do nhiễm trùng ( vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng), nhiễm độc hoặc có thể do một bệnh tự miễn. 

Triệu chứng của viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em 

Một số triệu chứng lâm sàng có thể nhận thấy khi trẻ mắc viêm màng bồ đào như: 

  • Đỏ mắt 
  • Đau nhức mắt
  • Nhìn mờ, đôi khi có hiện tượng ruồi bay 
  • Trong một số trường hợp, viêm màng bồ đào còn đi cùng với các triệu chứng như sốt, đau khớp. Nếu cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện như trẻ tránh ánh sáng hay cố gắng để nhìn hay viết, hãy đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám. 

Điều trị viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ sử dụng thuốc: 

  • Thuốc kháng sinh: dung dịch tra mắt
  • Chống viêm: tra thuốc nước, thuốc mỡ
  • Thuốc giãn đồng tử: có tác dụng chống dính mống mắt và giảm đau co thắt thể mi. 
  • Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc viêm thể uống hoặc tiêm. 

Viêm màng bồ đào có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện và đưa trẻ tới khám ở các cơ sở nhãn khoa sớm để được điều trị. Nếu để lâu, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng như dính bít đồng tử, thoái hóa mống mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, đục dịch kính thậm chí dẫn đến mù lòa. 

Phòng bệnh 

Bệnh viêm màng bồ đào xảy ra do nhiễm ký trùng, vậy nên cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi. Khi có dấu hiệu đỏ mắt cần đi khám ngay ở các cơ sở chuyên khoa mắt.