THOÁI HÓA ĐIỂM VÀNG - DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Thoái hóa điểm vàng là tình trạng suy giảm thị lực ở vùng nhìn trung tâm, đi kèm với một số triệu chứng như nhìn méo, nhìn mờ, giảm cảm nhận về màu sắc. Cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây!

Thoái hóa điểm vàng là gì?

Võng mạc là bộ phận đóng vai trò quan trọng không thể thiếu với thị lực, nằm ở đáy mắt và chứa hơn một trăm triệu tế bào nhạy cảm với ánh sáng. Tế bào cảm thụ ánh sáng được chia làm 2 loại gồm tế bào hình que nhạy cảm với ánh sáng yếu và tế bào hình nón nhạy cảm với màu sắc. Những tế bào này biến ánh sáng thành các xung thần kinh, qua dây thần kinh thị giác, truyền đến não - nơi tạo ra hình ảnh từ những gì mắt nhìn thấy.

Điểm vàng (Hoàng điểm) là phần trung tâm của võng mạc, chịu trách nhiệm nhìn chi tiết - đó là những gì chúng ta nhìn thấy khi tập trung vào một vật thể. Tầm nhìn trung tâm trái ngược với tầm nhìn ngoại vi (cho phép nhìn thấy các chuyển động xung quanh). 

Thoái hóa điểm vàng là thuật ngữ sử dụng khi điểm vàng bị tổn thương và tuổi tác có tầm ảnh hưởng lớn với sự phát triển của căn bệnh này.

thoai-hoa-diem-vang
Thoái hóa điểm vàng là thuật ngữ sử dụng khi điểm vàng bị tổn thương

Phân loại thoái hóa điểm vàng

Có hai loại thoái hóa điểm vàng – thể khô và thể ướt.

Thoái hóa điểm vàng thể khô là dạng phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 80-90%. Ở thể bệnh này, một số tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong điểm vàng bị phá vỡ, ảnh hưởng đến thị lực. Tình trạng này được biểu thị bằng các chất lắng đọng màu vàng trên điểm vàng được gọi là drusen. Thể khô thường mất nhiều thời gian hơn để phát triển, vì vậy các triệu chứng không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt được gây ra bởi sự phát triển bất thường của các mạch máu bên dưới điểm vàng. Máu rò rỉ vào võng mạc, gây ra các điểm mù ở trung tâm thị lực cũng như biến dạng thị lực – đặc biệt là các đường gợn sóng. Việc rò rỉ máu cũng có thể gây ra sẹo dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Thoái hóa điểm vàng thể ướt có đặc điểm phát triển rất nhanh, vì vậy người bệnh cần khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng bệnh và có phương án ngăn chặn kịp thời.

Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng có xu hướng tiến triển chậm trong thời gian dài, nên bệnh nhân thường không nhận ra được các dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh.

Một số triệu chứng của bệnh cần lưu ý bao gồm:

Mờ mắt: Người bệnh dần dần nhìn mờ ở khoảng chính giữa tầm nhìn. Với cường độ ánh sáng càng mạnh, tình trạng mờ càng trở nên rõ ràng hơn.

Mất thị lực vùng trung tâm: Một điểm mù màu đen hoặc xám dần xuất hiện ở trung tâm tầm nhìn và ngày càng rõ nét theo thời gian.

Nhìn méo: Người bệnh không thể nhìn sự vật theo đúng hình dạng vốn có, mà sẽ nhìn méo hình, xuất hiện các đường quanh co hoặc lượn sóng.

Giảm cảm nhận về màu sắc: Độ nhạy tương phản của mắt giảm dần, người bệnh không thể nhận thấy sự khác biệt về sắc thái màu sắc.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của thoái hóa điểm vàng

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của cả hai phân loại thoái hóa điểm vàng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng có thể kể đến như:

Tuổi tác: Nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng sẽ gia tăng theo tuổi tác. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực nghiêm trọng ở những người trên 60 tuổi.

Di truyền: Những người có cùng huyết thống với người có tiền sử mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Một số yếu tố phụ khác: huyết áp cao, hút thuốc, lượng cholesterol cao, béo phì, tiếp xúc nhiều với tia UV. làn da và đôi mắt sáng màu.

Cách phòng ngừa thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng thường diễn ra như một quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Một số cách giảm nguy cơ phát triển bệnh có thể kể đến như không hút thuốc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV có hại. Ngoài ra, việc bổ sung chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin C, beta-carotene và chất chống oxy hóa có trong rau lá xanh như cải xoăn và rau bina, cũng như các loại rau có màu sắc rực rỡ như ớt chuông, cà chua và cà rốt giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể của mắt, qua đó hỗ trợ việc phòng tránh bệnh tốt hơn. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người bệnh có thể làm chậm quá trình phát triển của thoái hóa điểm vàng cũng như hạn chế tác hại mà nó gây ra nhờ bổ sung lutein và zeaxanthin. 

thuc-pham
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa thoái hóa điểm vàng hiệu quả

Phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng

Đối với thoái hóa điểm vàng thể khô, hiện chưa có phương pháp điều trị cho thể bệnh này. Bệnh nhân có thể được kê đơn các thuốc bổ sung kẽm, Vitamin A, C, E, B2 liều cao để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Đối với thoái hóa điểm vàng thể ướt, hiện chưa có phương pháp giúp đảo ngược quá trình thoái hóa. Một số phương pháp được sử dụng để ngăn bệnh phát triển nghiêm trọng hơn gồm:

  • Tiêm nội nhãn thuốc Anti-VEGF: Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor- VEGF) là một protein có vai trò kích thích hình thành các mạch máu mới, giúp tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho các mô. Tuy nhiên, nếu yếu tố tăng trưởng nội mô phát triển quá mức sẽ làm rò rỉ chất dịch và tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc. Các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu gồm: Bevacizumab (Avastin), Ranibizumab (Lucentis), Aflibercept (Eyle),...là những kháng thể đơn dòng, tác dụng ức chế sự hình thành yếu tố tăng trưởng nội mô, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt. Nhóm thuốc này được sử dụng qua đường tiêm trực tiếp vào dịch kính của mắt. Mắt sẽ được gây tê trước khi tiêm. Sau khi tiêm, bệnh nhân cần được theo dõi vài tiếng trước khi ra về.  Để đạt được hiệu quả điều trị cao, người bệnh sẽ cần phải tiêm lặp lại nhiều lần.
  • Trị liệu bằng laser: ánh sáng laser năng lượng cao được sử dụng để phá hủy các mạch máu bất thường phát triển trong thoái hóa điểm vàng.
  • Liệu pháp laser quang đông võng mạc (PDT): một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng được dùng để điều trị các mạch máu bất thường. Sau đó, tia laser được chiếu vào mắt để kích hoạt thuốc, phá hủy các mạch máu bị rò rỉ mà không gây tổn hại đến các phần khác của mắt. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi điều trị một biến thể của thoái hóa điểm vàng thể ướt là bệnh lý đa xơ đơn bào không tự phát.

Bên cạnh đó, người bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt cũng được khuyến khích bổ sung các thuốc và chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất tương tự như điều trị thoái hóa điểm vàng thể khô để tăng cường dinh dưỡng cho mắt.

Khi có các dấu hiệu của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, bệnh nhân nên sớm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám và điều trị. Tùy theo giai đoạn tổn thương của mắt của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị trong thời gian kéo dài, tình trạng thoái hóa điểm vàng sẽ ngày càng trầm trọng, thị lực sẽ suy giảm dần.

Trong trường hợp bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt, nếu không được điều trị, những mạch máu bất thường trong mắt chảy máu lâu ngày có thể gây sẹo, thị lực vùng trung tâm có thể mất vĩnh viễn, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.