Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập là gì? 

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập nhãn cầu là hậu quả của một tổn thương hay nhiều tổn thương phối hợp. Chấn thương đụng dập gây sức ép mạnh đột ngột lên nhãn cầu, có thể gây tăng nhãn áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Mắt bị chấn thương có nhãn áp cao trên 24mmHg. Tăng nhãn áp có thể gây tổn hại thị thần kinh không có khả năng hồi phục.

Nguyên nhân của bệnh 

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập có thể xuất hiện cấp tính, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn, mãn tính.
Sau chấn thương, nhãn cầu bị biến dạng. Giác mạc và củng mạc phía trước bị ép đột ngột về phía sau, vùng xích đạo bị giãn, chất dịch trong nhãn cầu làm các tổ chức này giãn đột ngột. Do vậy gây rách hay gây bong các tổ chức. Chấn thương có thể gây glôcôm xuất hiện sớm hay glôcôm xuất hiện muộn.

Triệu chứng của bệnh

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập có thể xuất hiện sớm hoặc muộn ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian. Các triệu chứng sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng bệnh nhân, tuy nhiên có một số triệu chứng điển hình như:

  • Đau nhức mắt, có thể đau nửa đầu cùng bên.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Nhãn áp trên 24 mmHg (Nhãn áp kế Goldmann hoặc tương đương).
  • Phù giác mạc
  • Đồng tử thường giãn
  • Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết nội nhãn

 

Bên cạnh các dấu hiệu của tăng nhãn áp sớm là các dấu hiệu của chấn thương đụng dập nhãn cầu như đau nhức, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ… Đôi khi chính những triệu chứng này sẽ che lấp triệu chứng của tăng nhãn áp sớm sau chấn thương vì vậy, việc kiểm tra, theo dõi nhãn áp sau chấn thương đụng dập nhãn cầu gần như là bắt buộc.

Điều trị tăng nhãn áp do chấn thương đụng dập

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập nhãn cầu khá phức tạp, vì vậy, việc điều trị ngoài hạ nhãn áp, còn phải điều trị các nguyên nhân gây tăng nhãn áp.

Phải điều trị nội khoa trước tiên, nếu nhãn áp không được điều chỉnh sau một thời gian, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Điều trị nội khoa giai đoạn đầu sau chấn thương nhằm ổn định quá trình viêm, giảm hoặc loại trừ các nguyên nhân gây tăng nhãn áp như phản ứng thần kinh vận mạch sau chấn thương, xuất huyết tiền phòng nội nhãn. Điều trị ngoại khoa khi cần thiết

Tiến triển và biến chứng 

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập là bệnh có cơ chế phức tạp do cùng một lúc gây nên bởi nhiều tổn thương, vì vậy, cần phải theo dõi sát sao và điều trị thuốc hoặc phẫu thuật khi có chỉ định. Thị lực thường giảm nhiều do kèm theo các tổn thương phối hợp. 
Một số biến chứng có thể gặp phải:

  • Teo thị thần kinh
  • Đau nhức mắt
  • Giãn lồi củng mạc
  • Mất chức năng

Phòng bệnh 

Người bệnh cần khám định kỳ kiểm tra theo dõi nhãn áp nếu có tiền sử chấn thương, tiền sử tăng nhãn áp sau chấn thương để kịp thời điều trị trước khi xảy ra các biến chứng không còn khả năng hồi phục.