Phù hoàng điểm do tiểu đường – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh lý võng mạc là một biến chứng thường gặp trên bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2, bệnh xảy ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến phù hoàng điểm (PHÙ HOÀNG ĐIỂM) - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mù lòa trong độ tuổi lao động. Võng mạc là một lớp mô gồm các tế bào nhạy cảm ánh sáng nằm ở phía sâu trong mắt, là nơi tiếp nhận các tín hiệu ánh sáng. Võng mạc chứa đựng nhiều hệ thống mạch máu. Những bất thường trong hệ thống mạch máu này là nguyên nhân chính của bệnh võng mạc.
Hoàng điểm (điểm vàng) nằm ở trung tâm võng mạc, là thành phần quan trọng nhất đảm nhiệm chức năng nhận diện hình ảnh và phân biệt màu sắc một cách rõ nét.
Phù hoàng điểm do tiểu đường là tình trạng hoàng điểm bị phù nề do ứ dịch, là hậu quả của sự rò rỉ qua mạch máu võng mạc mắt đã bị tổn thương. Bênh ảnh hưởng đến khả năng nhìn, khiến mắt suy giảm thị lực nhìn mờ, không thể đọc sách hay xem hình ảnh chi tiết. Bệnh thường xảy ra ở 2 mắt, có thể không ảnh hưởng đến thị lực của 2 mắt cùng 1 lúc.
Nguy cơ gây phù hoàng điểm
• Không kiểm soát lượng đường huyết tăng, thời gian mắc bệnh tiểu đường kéo dài
• Đã có bệnh lý võng mạc do tiểu đường ở mức độ nặng
• Tăng huyết áp
• Tuổi cao
• Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tiểu đường type 2 như tăng cholesterol máu, thừa cân, béo phì, không hoạt động thể lực, hút thuốc lá
Tình trạng mất thị lực sẽ không thể tránh khói nếu bệnh phù hoàng điểm không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh có thể phát hiện sớm những thay đổi, bất thường về thị lực, hiển hiện qua sự thay đổi khả năng nhìn như:
• Nhìn mờ
• Nhìn đường thẳng trở nên lượn sóng hoăc méo mó
• Nhìn thấy những đốm đen xuất hiện ở trung tâm hình ảnh
PHÙ HOÀNG ĐIỂM do tiểu đường là bệnh lý mãn tính, cho đến nay vẫn không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc điều trị là vô cùng cần thiết và quan trọng, nhằm làm chậm diễn tiến bệnh như ngăn chặn tình trạng rò dịch và giảm số lượng dịch trong võng mạc, duy trì hoặc cải thiện thị lực người bệnh (tùy mức độ bệnh của người bệnh khi được điều trị).
Hiện có 2 phương pháp điều trị PHÙ HOÀNG ĐIỂM do tiểu đường như sau:
Laser quang đông là phương pháp dùng tia laser để bắn và đốt tại vùng có mạch máu bị tổn thương làm ảnh hưởng đến phần thị lực trung tâm
Tiêm thuốc chống tăng sinh tân mạch – Anti VEGF: Yếu tố tăng sinh tân mạch (mạch máu) là nguyên nhân khởi phát cho hiện tươmgj rò dịch bất thường của mạch máu tại hoàng điểm dẫn đến tình trạng phù. Vì vậy, kháng VEGF được tiêm vào mắt nhằm kìm hãm sự hình thành và phát triển của các mạch máu bất thường ở võng mạc.
Điểm đặc biệt và vượt trội của thuốc tiêm nội nhãn này so với các thuốc có thành phần tương tự là người bệnh tiêm aflibercept sẽ chỉ cần tiêm ít hơn so với tiêm ranibizumab mà hiện nay người bệnh vẫn đang được sử dụng dựa trên kết quả từ các nghiên cứu thực nghiệm trên người bệnh tại SNEC. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mà hiệu quả điều trị lại tốt, thị lực được cải thiện và duy trì kết quả này tương đương với việc tiêm thuốc 1 lần/ 1 tháng.
Tùy theo tình trạng bệnh của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Một số trường hợp có thể cần phồi hợp nhiều biện pháp điều trị.
Bệnh phù hoàng điểm do tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và suy giảm chất lượng cuộc sống, về lâu dài sẽ dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Người bệnh tiểu đường cần được khám tầm soát biến chứng tiểu đường tại mắt định kỳ hàng năm, nhằm đươc chẩn đoán và phát hiện sớm, điều trị phù hợp để duy trì thị lực hoặc thậm chí là cải thiện thị lực.