Nhãn viêm đồng cảm - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh nhãn viêm đồng cảm là gì? 

Nhãn viêm đồng cảm (NVĐC) là tình trạng viêm màng bồ đào u hạt của cả hai mắt. Bệnh thường xảy ra khi một mắt bị chấn thương xuyên hay sau phẫu thuật nội nhãn. Theo ước tính, NVĐC xảy ra ở 0,5% chấn thương xuyên nhãn cầu và trong khoảng 0,03% phẫu thuật nội nhãn. Cơ chế sinh bệnh được cho là phản ứng tự miễn dịch với các tế bào chứa melanin trong màng bồ đào. Ngày nay với sự phát triển của kỹ thuật y tế và xử trí vết thương xuyên nhãn cầu, tỉ lệ nhãn viêm đồng cảm đã giảm đáng kể, bệnh nhân được xử lý bệnh kịp thời và cải thiện bệnh tốt.

Nguyên nhân gây nhãn viêm đồng cảm

  • Chấn thương nhãn cầu có tổn thương màng bồ đào như: Đụng dập nặng, chấn thương xuyên thủng nhãn cầu, hay gặp nhất là tổn thương màng bồ đào, đặc biệt là thể mi. 
  • Phẫu thuật nội nhãn: Các phẫu thuật hay gặp như phẫu thuật đục thể thủy tinh, phẫu thuật về mống mắt (như cắt mống mắt chu biên), các phẫu thuật dịch kính-võng mạc.
  • Ngoài ra, có một số trường hợp bệnh nhân nhãn viêm đồng hợp không xác định được nguyên nhân.

Triệu chứng của nhãn viêm đồng cảm

Triệu chứng ban đầu có thể thấy đó là đau mắt, nhìn mờ, suy giảm thị lực, sợ sáng, chảy nước mắt ở mắt giao cảm, đây là triệu chứng của viêm màng bồ đào nhẹ.

Ở mắt bị kích thích (mắt bị chấn thương hoặc mắt sau phẫu thuật), triệu chứng nặng hơn, cảm thấy đau hơn, nhức, kèm theo giảm thị lực, kích thích mạnh khi ánh sáng nhiều, cương tụ. 

Các triệu chứng xuất hiện ở cả hai mắt là: 

  • Cương tụ kết mạc: làm đỏ cả hai mắt. Mắt giao cảm có thể đỏ nhẹ hơn. 
  • Phản ứng tiền phòng nặng 2 mắt, có xuất hiện tình trạng lắng đọng mỡ mặt sau giác mạc.
  • Xuất hiện các hạt không sắc tố: là các nốt nhỏ, ít động sắc tố ở biểu mô sắc tố võng mạc. 
  • Dày hắc mạc.
  • Các dấu hiệu khác như: phản ứng viêm dính mống mắt đồng tử, phản ứng Tyndall trong tiền phòng hay dịch kính, viêm phù gai thị,...

nhan-viem-dong-cam

Điều trị nhãn viêm đồng cảm 

Nguyên tắc điều trị nhãn viêm đồng cảm là:

  • Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân, ưu tiên điều trị tại chỗ.
  • Điều trị corticoid tích cực, kết hợp các loại kháng sinh, thuốc điều hòa miễn dịch,...
  • Theo dõi chặt chẽ tình trạng của người bệnh trong và sau điều trị.

Tiến triển và biến chứng 

NVĐC là bệnh nặng và có thể gây mù vĩnh viễn ngay cả khi đã được điều trị tích cực. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán xác định sớm, điều trị kịp thời và tích cực, bệnh nhân NVĐC có thể duy trì được thị lực.
NVĐC có thể gây các biến chứng như đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp...và trong một số trường hợp có thể gây teo nhãn cầu.

Phòng bệnh nhãn viêm đồng cảm

  • Để phòng ngừa nhãn viêm giao cảm, nếu mắt bị chấn thương mất hoàn toàn chức năng và có chỉ định loại bỏ mắt thì bệnh nhân nên tuân thủ. Ngoài ra cũng cần tới kiểm tra định kì 3 – 6 tháng sau khi bệnh để kiểm tra tái diễn bệnh.
  • Ngoài ra, mọi người cần lưu ý an toàn, hạn chế để mắt bị chấn thương. Với người lớn phải thực hiện tốt bảo hộ lao đồng. Với trẻ em thường bị tổn thương do sinh hoạt, chơi trò chơi như súng đạn, phi tiêu, gậy,... cha mẹ cần lưu ý. 
  • Khi thấy triệu chứng nghi ngờ của bệnh cần nhanh chóng đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa để có thể chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh, điều trị kịp thời để cứu vãn thị lực.