Lồi mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Lồi mắt là gì?
Lồi mắt là tình trạng nhãn cầu bình thường bị đẩy ra trước do tăng thể tích tổ chức trong hốc mắt. Lồi mắt có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt.
Nguyên nhân gây lồi mắt
Có ba nhóm nguyên nhân gây lồi mắt:
- Lồi mắt do cường năng tuyến giáp trạng (bệnh Basedow).
- Lồi mắt do viêm (viêm tổ chức hốc mắt, áp xe dưới màng xương…)
- Lồi mắt do khối u (khối u ác tính, u di căn, khối u vùng hốc mắt, u tuyến lệ, u thần kinh thị, …)
- Lồi mắt do chấn thương (thông động mạch cảnh xoang hang hay tụ máu hốc mắt sau chấn thương có thể là nguyên nhân gây lồi mắt)
Triệu chứng bệnh lồi mắt
Bằng việc quan sát các triệu chứng và diễn tiến của bệnh, trả lời một số câu hỏi dưới đây có thể gợi ý xác định mức độ nghiệm trọng và nguyên nhân gây nên lồi mắt:
- Lồi mắt mới có hay đã có từ lâu? (Lồi mắt đã có từ lâu thường là lồi mắt giả do cận thị nặng hay hốc mắt nhỏ).
- Lồi mắt tiến triển nhanh hay chậm? (Lồi mắt cấp tính thường gặp do viêm tổ chức hốc mắt hay khối u ác tính).
- Lồi mắt có xuất hiện sau chấn thương không? (Lồi mắt sau chấn thương thường do thông động mạch cảnh xoang hang hay tụ máu hốc mắt).
- Lồi mắt có tăng thêm khi thay đổi tư thế như cúi đầu, nín thở và rặn? (Lồi mắt khi gắng sức thường do búi giãn mạch trong hốc mắt.)
- Lồi mắt có kèm theo mờ mắt hay song thị? (Lồi mắt do khối u thị thần kinh thường đi kèm giảm thị lực. Lồi mắt do u mạch hốc mắt có thể đi kèm song thị. Thông động mạch cảnh xoang hang gây liệt dây VI và có song thị).
- Lồi mắt có kèm theo các dấu hiệu khác như ù tai, đau đầu và có tiếng ù trong đầu? (Đây là những triệu chứng gặp trong thông động mạch cảnh xoang hang. Tăng áp lực nội sọ nặng và lâu ngày cũng có thể gây lồi mắt nhẹ).
- Lồi mắt một hay hai bên? (Lồi mắt hai bên thường do nguyên nhân tuyến giáp trạng hay bệnh máu ác tính ở trẻ nhỏ).
Có thể xác định có lồi mắt hay không bằng cách quan sát từ trên trán xuống, so sánh độ mở khe mi, nhìn nghiêng so sánh đỉnh giác mạc với cung lông mày và đo độ lồi bằng thước chuyên dụng Hertel, độ lồi > 10 mm được coi là bất thường.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà lồi mắt có thể đi kèm các triệu chứng khác nhau như rối loạn vận động mi mắt và nhãn cầu, mờ mắt, song thị, tăng nhãn áp, ù tai, đau đầu và có tiếng ù trong đầu…
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lồi mắt
- Người mắc các bệnh toàn thân như lao, viêm nhiễm, bệnh máu, u ác tính (tiền liệt tuyến, phổi hay vú…), bệnh xoang mãn tính, bệnh Basedown.
- Người mắc các bệnh u hốc mắt hay viêm tổ chức hốc mắt sau viêm xoang sàng có thể di căn dẫn đến lồi mắt.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh lồi mắt
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm có tác dụng phân biệt u đặc, nang hốc mắt, giả lồi hốc mắt, siêu âm doppler đánh giá tình trạng mạch máu trong hốc mắt
- Chụp CT xem xương và các cấu trúc lân cận hốc mắt.
- Chụp cộng hưởng từ để xem các cấu trúc mềm quanh nhãn cầu.
Sinh thiết hốc mắt
- Xác định chính xác bản chất của khối u và đề ra hướng điều trị như u lympho cần điều trị hoá chất, u viêm điều trị chống viêm, u màng não chỉ định tia xạ.
Chẩn đoán xác định
- Đo độ lồi: xác định có lồi mắt thật hay không bằng cách quan sát từ trên trán xuống, so sánh độ mở khe mi, nhìn nghiêng so sánh đỉnh giác mạc với cung lông mày và đo độ lồi bằng thước Hertel. Độ lồi > 10 mm được coi là bất thường.
- Cận lâm sàng: chụp CT Scan, cộng hưởng từ, siêu âm.
- Khám chuyên khoa: Lồi mắt có khi là biểu hiện của một bệnh lý toàn thân nên rất cần ý kiến của các chuyên gia như huyết học, nội tiết, u bướu, tai mũi họng và thần kinh.
Điều trị bệnh lồi mắt
Nguyên tắc điều trị chung đối với bệnh lồi mắt:
- Điều trị theo nguyên nhân.
- Phòng và điều trị biến chứng.
- Tùy theo bản chất của khối u mà có chỉ định điều trị nội khoa, ngoại khoa hay tia xạ.
Kế hoạch điều trị có thể thay đổi tùy theo bản chất của lồi mắt. Điều trị nội khoa có thể được chỉ định áp dụng với tổn thương do viêm nhiễm, u lympho, sarcoid, thoái hoá dạng tinh bột. Một số loại u ác tính cần phối hợp với điều trị ngoại khoa.
Tiến triển và biến chứng của bệnh lồi mắt
- Tiến triển của bệnh tùy thuộc theo nguyên nhân gây lồi mắt. Bệnh có thể tiến triển tốt sau điều trị nếu nguyên ngân gây lồi mắt là do viêm hay do bệnh Basedow. Xấu nếu lồi mắt do khối u ác tính.
- Một số biến chứng có thể kể đến của của lồi mắt có thể kể đến gồm loét giác mạc, chèn ép thị thần kinh, tăng nhãn áp, hạn chế vận nhãn, lác, song thị.
Để phòng tránh bệnh lồi mắt, cần điều trị bệnh viêm nhiễm xoang lân cận để phòng biến chứng viêm tổ chức hốc mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị nếu mắc bệnh Basedow.