Quáng gà và thoái hóa sắc tố võng mạc – Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Quáng gà và nguyên nhân gây nên quáng gà là gì?

Quáng gà là cách gọi dân gian mô tả tình trạng mắt nhìn kém vào tầm chiều tối, giống như con gà phải lo về chuồng sớm lúc hơi chạng vạng về chiều vì không nhìn rõ đường. 

Quáng gà là hiện tượng thoái hóa sắc tố võng mạc – là một nhóm các bệnh có tính di truyền được biểu hiện bằng triệu chứng nhìn kém trong điều kiện ánh sáng yếu. Bệnh do đột biến gen di truyền từ bố hoặc mẹ, hoặc từ cả bố mẹ, trong đó di truyền lặn chiếm khoảng 60% – 70%, di truyền trội chiếm 25%, số còn lại là di truyền liên kết nhiễm sắc thể giới tính X. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tùy thuộc mức độ đột biến gen và cách thức di truyền mà bệnh có mức độ trầm trọng và tốc độ tiến triển khác nhau.

Triệu chứng của bệnh

Biểu hiện thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc có thể xuất hiện từ khi trẻ mới ra đời, hoặc muộn hơn, nhưng phổ biến trong giai đoạn 10-30 tuổi. Triệu chứng sớm nhất người bệnh nhận ra là nhìn kém trong môi trường thiếu ánh sáng. Đôi khi trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, thị lực cũng có thể giảm sút. Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể xuất hiện đục thể thủy tinh.

Tuy nhiên không phải cứ mắt nhìn kém trong điều kiện thiếu sáng thì có nghĩa là bị quáng gà. Cần phải phân biệt quáng gà với hiện tượng thích nghi bóng tối kém. Đó là khi thay đổi đột ngột từ vùng sáng sang vùng tối khiến cho bạn cảm thấy mờ mắt, xây xẩm mặt mày và phải nghỉ ngơi một lúc mới nhìn rõ trở lại. Đó chỉ hiện tượng bình thường của cơ thể vì vậy không nên quá lo ngại.

benh-quang-ga

Để phát hiện bệnh quáng gà một cách chính xác, người bệnh cần phải đi khám để làm các xét nghiệm cần thiết, kiểm tra sự thích nghi sáng - tối, kiểm tra thị trường, chụp võng mạc,... ở các bệnh viện chuyên khoa mắt. Bên cạnh đó, do bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc có tính di truyền nên nếu có người trong gia đình bị bệnh, các thành viên còn lại nên được kiểm tra để xem có mắc bệnh hay không.

Hướng điều trị hiện tại và trong tương lai

Hiện nay, việc điều trị bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc đang gặp nhiều khó khăn do đây là bệnh có tính bẩm sinh và di truyền. Sự can thiệp của y học hiện tại chỉ mang tính bổ sung dinh dưỡng cho mắt, điều trị triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Theo các bác sĩ, người có bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc có thể dùng bổ sung vitamin A theo đường uống với liều lượng cho phép do bác sĩ kê đơn, ngoài ra người bệnh có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng, áp dụng chế độ ăn tốt cho mắt và võng mạc.

Hiện tại, các nghiên cứu về tế bào gốc cũng đưa ra hướng sử dụng tế bào gốc lành để cấy vào võng mạc người bệnh với hy vọng các tế bào lành này phát triển trong đáy mắt, thay đổi được phần nào cấu trúc mô học và cải thiện chức năng võng mạc người bị bệnh.

Việc hiểu rõ tình trạng của đôi mắt là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể chăm sóc và bổ dung dinh dưỡng hợp lý cho đôi mắt. Hãy chú ý đi khám mắt định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mắt hoặc phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý tại mắt.